Đại đội "tóc dài"

09:03, 19/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu năm 1972, trong khu rừng dưới chân dốc Ba Hầm (Đức Phổ), Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm chính thức ra đời. 65 cô gái trẻ kiên cường xung phong gia nhập vào Đại đội nữ đầu tiên của khu 5 và đã trở thành nỗi khiếp sợ, ám ảnh của kẻ thù.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, huyện Đức Phổ là địa bàn hết sức ác liệt. Là một Đại đội chiến đấu tại Đức Phổ, mặc dù đều là nữ, tuổi đời lại khá trẻ, nhưng tinh thần chiến đấu, ý thức kỷ luật của các chiến sĩ Đại đội Hồng Gấm khiến  nhiều người phải nể phục.

Chị Võ Thị Lẻ, chiến sĩ Đại đội Hồng Gấm dù bệnh tật vẫn lấy lao động làn niềm vui và luôn mạnh mẽ, lạc quan trong cuộc sống.
Chị Võ Thị Lẻ, chiến sĩ Đại đội Hồng Gấm dù bệnh tật vẫn lấy lao động làn niềm vui và luôn mạnh mẽ, lạc quan trong cuộc sống.


“Án ngữ tại vị trí Cầu Lớn, xã Phổ Thuận để ngăn không cho địch tiến quân sang Phổ Nhơn. Chị em chúng tôi đã xác định đây là trận chiến sống còn. Suốt 25 ngày đêm, ai nấy đều căng ra như dây đàn, dầm mưa, đội nắng chiến đấu, đánh cho đến khi địch phải thoái lui”, chị Võ Thị Lẻ, chiến sĩ Đại đội “tóc dài” hồi tưởng.

Chiến công nối tiếp chiến công, trong những trận đánh sống còn, các chị đều mang về chiến công vang dội. Trận đánh lớn tại Phổ Cường khiến quân thù phải kinh hồn, bạt vía. Trận đánh tại Phổ Văn, cả Đại đội quyết tâm bám trụ đến cùng để kìm chân địch, không cho địch rời Đức Phổ. Cũng trong trận đánh đó, đã có một chị hy sinh. Ngay trong đêm, các chị trong Đại đội hạ quyết tâm, dù hy sinh cũng phải đưa bằng được thi thể đồng đội về an táng. 6 chiến sĩ lợi dụng màn đêm, quả cảm đưa thi thể đồng đội về Phổ Thuận an táng ngay trong đêm…

Trở lại thời bình, những cô gái trong Đại đội Hồng Gấm năm xưa lại tiếp tục kiên cường với “cuộc chiến” mới. Chị Bùi Thị Hồng Đẹp, trải qua 7 lần phẫu thuật để lấy những mảnh đạn còn sót lại trong người; chị Phạm Thị Tốt “gánh” trên vai người chồng thương binh mù cả hai mắt, vẫn cố gắng đưa con vào giảng đường đại học. Chị Võ Thị Lẻ, sau khi vật lộn mưu sinh, nuôi nấng 4 người con khôn lớn, nên người, giờ lại tiếp tục chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. Bị bệnh tật hành hạ, nhưng ngày ngày chị vẫn cùng chồng chăm sóc vườn tiêu và tham gia vào các hoạt động tập thể tại địa phương. “Ngày trước khi có dịp cùng chiến đấu, vì cảm phục người con gái lăn xả, hăng hái đánh địch mà tôi yêu, giờ thì lại thêm trân trọng khi vợ tôi vẫn lạc quan dù bệnh tật đầy người. Có lẽ cũng chính nhờ lạc quan, yêu đời, mà vợ tôi khỏe mạnh đến giờ”, ông Phan Tâm, chồng chị Lẻ tâm sự.

Sau chiến tranh, mỗi người có một hoàn cảnh. Nhưng vào những ngày lễ kỷ niệm, các chị lại cùng họp mặt, quây quần bên nhau để kể về chuyện xưa, chuyện nay. Từ những câu chuyện về một thời nếm mật, nằm gai, ăn rau rừng, rang sả với muối làm lương khô, quyết tâm đánh giặc. Khó khăn, thiếu thốn, mấy mươi chị em cùng chia nhau quả bồ kết gội đầu, cùng ôm nhau khóc khi thấy đồng đội bị thương. Cho đến chuyện nay, cả Đại đội cùng mừng vui, khi hay tin 4 người con của chị Trịnh Thị Tuyết Mai giờ ai cũng thành đạt: Người làm ở Viettel, người làm Vietcombank, Điện lực… Lấy niềm vui của đồng đội làm niềm vui chung, còn nỗi buồn thì cùng nhau san sẻ.

 Những nghĩa tình thuở trước dường như vẫn còn đọng lại mãi cho đến bây giờ. Năm trước, hay tin người con của chị Võ Thị Xít không may bị đột quỵ rồi qua đời, cả Đại đội “tóc dài” vội tề tựu về bên chị Xít an ủi, động viên, rồi cùng gom góp để lo lắng vẹn toàn đám tang cho con gái của đồng đội. Có đồng đội kề bên, chị Xít không còn đơn độc, nỗi buồn vì thế cũng vơi bớt…

Bài, ảnh: Ý THU
 


.