Nghề lặn biển: Thu nhập cao nhưng trả giá đắt

09:02, 17/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm cứ vào tháng 12 âm lịch, ngư dân hành nghề lặn biển ở xã Bình Châu (Bình Sơn) lại đến các vùng có gành rạn san hô ở quần đảo Hoàng Sa, đắm mình dưới đáy biển sâu để khai thác hải sâm, đồi mồi... Từ nghề này, nhiều ngư dân đã vươn lên làm giàu, nhưng nghề cũng để lại bao hậu quả khôn lường.

Cha truyền, con nối

Xóm Gành Cả, xã Bình Châu (Bình Sơn) bây giờ chẳng khác gì phố thị. Nhà cửa cao tầng xây san sát, khang trang, mặt nhà hướng về biển. Đường làng, ngõ hẻm đã bê tông sạch sẽ đến tận các nhà. Ông Nguyễn Văn Quang chỉ về những dãy nhà cao tầng, bảo: “Tất cả cũng nhờ nghề lặn biển ở Hoàng Sa mà nên”.

Ngư dân Trương Dũng giới thiệu chiếc đèn pin, sản phẩm anh sáng chế để cung cấp cho đội quân thợ lặn Hoàng Sa.
Ngư dân Trương Dũng giới thiệu chiếc đèn pin, sản phẩm anh sáng chế để cung cấp cho đội quân thợ lặn Hoàng Sa.


Theo những bậc cao niên trong làng, nghề lặn ở xã Bình Châu có từ thời xa xưa. Đội quân hành nghề này chủ yếu là những thanh niên trong làng. Họ có sức khỏe và dạn dày kinh nghiệm, đối chọi được với sóng gió biển khơi, chịu được sức ép của mực nước sâu khi lặn xuống đáy biển. Tuy vậy, phương tiện khai thác hồi đó chỉ bằng thuyền nhỏ và đồ lặn cũng khá thô sơ nên từ đất liền đến vùng ngư trường Hoàng Sa, ngư dân phải đi mất 2 đến 3 ngày đêm.   

Những sản vật ở đáy biển bán giá cao hơn nhiều so với các loại hải sản khác. Mỗi chuyến biển trở về, tàu đầy khoang đã giải quyết bao khốn khó của gia đình làng chài. Con cá mú, tôm hùm, đồi mồi, vú biển... đã kéo chân nhiều thế hệ ngư dân Gành Cả đến với biển. Nhiều ngư dân cho rằng nghề này mang tính cha truyền con nối là vì vậy. Ông Nguyễn Văn Quang đã gắn bó đời mình với nghề lặn hơn 30 năm, cho biết:  “15 tuổi tôi đã theo cha đến vùng Hoàng Sa để lặn biển. Tháng chạp, gió thổi tím tái người, tôi biết cha và mọi người lạnh cóng, nhưng sau đó từng người ngoi lên, với đôi tay nặng trĩu hải sản quý, còn tươi rói. Tôi đã mê loại hải sản này từ dạo ấy và đã gắn cuộc đời mình vào cái nghề này”.

Nghề lặn biển đã theo nhiều người như một cái nghiệp vì cơm áo và vì niềm đam mê. Cả xóm Gành Cả bây giờ hết thế hệ nối tiếp thế hệ ra khơi, phất lên, trở thành làng chài giàu có của tỉnh cũng nhờ nghề lặn.

Nghề nguy hiểm

Hải sâm, đồn đột, ốc cừ, cá mú, tôm mủ ni... đều có giá khá cao. Song không ít thợ lặn phải trả giá đắt khi “săn” những loại hải sản này. “Xuống được đáy biển như một thợ săn. Mắt phải đảo liên tục để quan sát các rạn san hô. Có những vùng san hô mọc cao tạo thành những hang sâu từ 3-4m, thường có hải sản nhiều nên trong đội thợ phân công người ở ngoài đỡ dây để một người lách vào khai thác. Những hang như vậy thường gặp vô kể hải sâm đủ kích cỡ hoặc cá mú lớn...”– ngư dân Võ Văn Lựu có thâm niên hơn 30 năm đi biển chia sẻ.

Nghề lặn có từ xa xưa,  nhưng cho đến bây giờ đồ bảo hộ cũng còn khá sơ sài. Mỗi thợ lặn được trang bị một bộ đồ nhái, miệng ngậm dây hơi, tay cầm đèn pin, tay cầm xiêng, vai mang vợt để xuống lòng biển. Vì ngâm mình dưới nước quá lâu trong đêm, nhiều người đã kiệt sức, không tuân thủ kỹ thuật nghề lặn nên đã gặp nguy hiểm khi lên khỏi mặt nước. Nhiều thợ lặn ở Gành Cả (Bình Sơn), Lý Sơn đã bị tê liệt nửa thân người, sống đời thực vật, có người bỏ mạng nơi biển xa...

Anh Trương Dũng (sn 1970) may mắn thoát chết trong lần lặn biển, nhưng bị tê nửa thân người ở tuổi 20. Kể từ đó, anh không thể đến được với biển. Ở phía bờ, vì nhớ biển, anh lại mày mò chế biến chiếc đèn pin rọi được dưới đáy biển để cung cấp cho những thợ lặn.

Nghề lặn biển ở Bình Châu theo thời gian trở thành nghề truyền thống của làng chài ven biển này. Những sản vật từ lòng biển đã mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều người, dù vậy hiểm nguy lại luôn chực chờ...        


       
Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.