Biết ơn triệu tấm lòng

09:02, 03/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để không phụ tấm lòng hảo tâm của đồng bào cả nước đã chung tay giúp mình vượt qua khó khăn, những con người có số phận đáng thương ở vùng quê Quảng Ngãi luôn biết ơn và lấy đó làm động lực để vươn lên trong cuộc sống.

TIN LIÊN QUAN

Ngày 20 thôi thấp thỏm

Chúng tôi ghé thăm nhà anh Trần Thành, ngụ thôn Liêm Quang, xã Bình Tân (Bình Sơn) vừa lúc anh đang chuẩn bị đưa con gái đi Huế truyền máu. Xếp vài bộ quần áo vào trong chiếc túi cũ, anh Thành nhẹ nhõm nói: “Giờ chỉ cần lên ngân hàng rút tiền là đi thôi, không phải chạy vạy khắp nơi vay mượn như trước kia nữa”.

Từ khi lọt lòng mẹ, bé Thiện đã mang trong mình căn bệnh ung thư máu. Để kéo dài sự sống cho bé, cách duy nhất là truyền máu. Trên giấy hẹn đầu tiên của bệnh viện dán lên thẻ bảo hiểm ghi: “Ngày 20 tháng sau tái khám”. Từ đó, con số “ngày 20…” dán chồng lên nhau đến khi chật kín thẻ bảo hiểm. Nhà nghèo nên cứ đến ngày 20, anh Thành lại tìm mọi cách để xoay xở tiền đưa con đi viện. Nhưng may mắn cho cha con anh khi bài báo viết về hoàn cảnh khốn khó của anh thông qua Báo Tuổi trẻ đến với bạn đọc cả nước. Nhiều tấm lòng hảo tâm từ nơi phương xa đã dành cho gia đình anh sự quan tâm đặc biệt.

Vợ anh Trần Thành chăm đàn bò.
Vợ anh Trần Thành chăm đàn bò.


Trừ 10 ngày phải túc trực ở bệnh viện truyền máu cho bé Thiện, 20 ngày còn lại trong tháng, gạt qua những cơn đau tim, dấu chân anh vẫn in trên con đường mòn lên núi để chẻ đá kiếm tiền trang trải cuộc sống.   “Tiền mọi người giúp đỡ mình không dám xài phung phí. Trả nợ cho bà con xong, còn dư 100 triệu, một nửa mình bỏ ngân hàng để dành chữa bệnh cho con, một nửa mua 3 con bò để nuôi. Mấy cô chú trên xã nói rồi, phải mua bò để làm kinh tế, sau này tiền ngân hàng hết, mới có thứ bán để tiếp tục lo cho con”, anh Thành thật thà nói.

Chắp cánh ước mơ cho học trò nghèo

Chị Nguyễn Thị Nhân, trú thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh (Mộ Đức) nhắc đến tấm lòng thiện nguyện của bạn đọc Báo Dân trí với sự cảm kích. Cách đây 7 tháng, anh An (chồng chị) không may bị bỏng 32% do điện cao thế, cánh tay phải đứt lìa, da đùi và cổ tay trái bị hoại tử. Nhà thuộc diện cận nghèo nên khi anh nằm điều trị cả tháng tại Đà Nẵng mà không có thẻ bảo hiểm, gia đình rơi vào cảnh nợ nần chất chồng.

 Ở nhà ba đứa nhỏ của anh chị sắp đến ngày tựu trường hôm nào cũng gọi điện nhắc mẹ nhớ mua sách vở cho chúng. Trước nguy cơ thất học của các con, không đêm nào chị chợp mắt được. Nhưng ngày buồn rồi cũng qua để đón ngày vui đến, khi bạn đọc gần xa giúp vợ chồng chị xóa đi món nợ cũ, giúp con chị được tiếp tục đến trường.

Cũng từ số tiền mọi người giúp đỡ, chị Nhân mua được 4 con heo, thuê thêm 3 sào ruộng để tăng gia sản xuất. Chị còn đi làm thuê làm mướn để nuôi người chồng đã mất sức lao động và các con ăn học. Chị luôn tâm niệm: “Nhờ mọi người mà con mình không bị gián đoạn việc học, nên dù vất vả thế nào mình cũng cố cho chúng học hành đến nơi đến chốn”.


Em Phan Hùng Cường, 14 tuổi, hiện trú tại thôn 3, xã Đức Chánh (Mộ Đức) cũng có một số phận đáng thương. Từ khi còn là một đứa trẻ chưa nhận biết được gì, cha đã sớm bỏ em đi biệt tích. Cường cùng đứa em nhỏ được mẹ (từng bị tai nạn gây mù một mắt, chấn thương hộp sọ, gãy tay) dắt díu vào TP.Hồ Chí Minh kiếm sống. Ngày ngày thấy mẹ đau yếu nhưng phải bán vé số nuôi hai anh em ăn học, Cường luôn cố gắng học thật giỏi “để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ”.

Nhưng khi em chưa thực hiện được ước mơ đó, mẹ đã vĩnh viễn rời xa em trong một tai nạn giao thông vào tháng 8 năm ngoái. Ngày trở về quê hương, việc học của Cường tưởng như phải dừng lại, khi kế sinh nhai gia đình chỉ dựa vào nghề thợ hồ và 3 sào ruộng của người cậu nhận nuôi hai anh em. “Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, cháu nó được thỏa ước mơ đến trường”, người cậu xoa đầu Cường, nói.
 
Bài, ảnh: THU HIỀN
 

.