Muôn nẻo mưu sinh

04:01, 13/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, thị trường hoa Tết ngày càng phong phú và đa dạng. Bên cạnh hoa tươi, các loại hoa nhựa, hoa vải… cũng được yêu thích. Hoa nhựa không chỉ được bày bán ở các cửa hàng, các chợ mà còn len lỏi khắp ngõ phố, đường làng..

TIN LIÊN QUAN

Khoảng cuối tháng 9 (âm lịch), anh Lê Văn Thành, 22 tuổi (quê Thanh Hóa), cùng những anh em đồng hương vào Quảng Ngãi bán hoa nhựa để mưu sinh. Lắp ráp xe thồ và lấy hàng từ Đà Nẵng, hành trình “bộ hành” mưu sinh vào dịp cuối năm bắt đầu. Đã có kinh nghiệm 4 năm bán hoa dạo trên địa bàn tỉnh, nên Thành rất tự tin vào khả năng nắm địa bàn, nơi tập trung đông dân của từng huyện, từng xã. Thành kể: “Trung bình một ngày, tôi thồ xe đi tầm 40km. Nơi nào đông dân là đi. Nghề này thì cực nhưng mà quen chân rồi nên thấy cũng vui”. Chiếc xe thồ “đa  năng” nặng gần 120kg là phương tiện mưu sinh, cũng là tài sản, hành lý của họ. Quần áo, bạt, chiếu, mền... được gấp, sắp xếp gọn gàng, cất vào bên trong xe, còn hoa nhựa thì được bày trí bên ngoài, hợp lý và vô cùng bắt mắt để thu hút khách.

Những chiếc xe thồ “gánh” hàng trăm bình hoa nhựa với muôn màu tô điểm sắc xuân trên đường phố.
Những chiếc xe thồ “gánh” hàng trăm bình hoa nhựa với muôn màu tô điểm sắc xuân trên đường phố.


Những bình, bông hoa nhựa này đều là hàng Việt Nam, được làm thủ công từ cơ sở sản xuất Quỳnh Anh ở tỉnh Nam Định, với mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp với túi tiền người dân. Trung bình một chậu nhỏ có giá bán từ 30-50 nghìn đồng, chậu lớn 60-80 nghìn đồng. Khi được bày trí trên chiếc xe thồ, những bình hoa được cải biên để phù hợp với thời tiết ngoài trời. Từng chiếc bình hoa sẽ được người bán khéo léo lấy xốp mềm bên trong ra, cắt đi 1/3 miếng xốp để cho cát vào trong, giúp bình hoa nặng hơn, không bị gió thổi bay. Kỹ lưỡng hơn, người bán còn thiết kế những dây thun chắc chắc để buộc, cố định những bình hoa lại, tránh tình trạng ngã, đổ.

Anh Lê Văn Cường (32 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết: “Khoảng tầm 2 tháng gần Tết, mình mới xa nhà đi bán hoa dạo, đến 25 tháng Chạp thì về. Những tháng khác thì mình phụ bán hàng gốm sứ ở quê. Cái nghề này thì sương gió, bôn ba nhiều, cũng không dư giả bao nhiêu nhưng được cái tự do, thoải mái, vừa làm vừa chơi, ngắm đường, ngắm cảnh… Cũng thú vị lắm!”

Các anh “phiêu bạt” khắp nơi, mọi con hẻm, sáng thì Bình Sơn, chiều đã ở Sơn Tịnh… Huyện nào bán được thì các anh “trụ” lại 3-4 ngày. Bạn đồng hành của họ là chiếc xe thồ, những bình hoa nhựa, còn nơi trú chân, nghỉ ngơi là vỉa hè. Một ngày bán được cho khoảng 30-35 khách thì thu về gần cả triệu đồng tiền lãi, nhưng bù cho những ngày mưa gió, không thồ xe đi bán được. Trung bình mỗi ngày họ cũng thu được 200 nghìn đồng “lận lưng”. Theo các anh, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 20 người làm nghề thồ hoa bán dạo. Họ đều là thanh niên trai tráng, có sức vóc, tuổi từ 20 đến 40.

Chị Phan Thị Kim Hồng (37 tuổi), ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức) vừa mua hai bình hoa cúc của xe hàng anh Thành với giá 40 nghìn đồng/bình, phấn khởi nói: “Hoa nhựa ngày càng tinh xảo, giống như hoa tươi. Trong nhà tôi lúc nào cũng có 4-5 bình hoa nhựa, để trên bàn thờ, trang trí trong nhà… Hoa nhựa có giá khá mềm, đẹp, lại không sợ hư hại, sử dụng được nhiều năm, chỉ cần rửa, lau chùi sơ là đã như mới”.

Làm nghề này ở nhiều tỉnh, thành nhưng anh Cường, anh Thành…  cho biết sẽ gắn bó với Quảng Ngãi cho đến khi không còn làm nghề nữa. Các anh chia sẻ: Người dân nơi đây, ai cũng hiền hòa, tử tế, đặc biệt là môi trường an ninh rất tốt. Đêm đến mà ngủ vỉa hè, mái hiên cũng không sợ nạn trộm cướp hay tệ nạn gì cả, cứ thẳng một giấc mà ngủ đến sáng. Anh Cường kể, cách đây 2 năm, lần đầu tiên vào Quảng Ngãi bán hoa dạo và bị lạc đường ở xã Nghĩa Phú. Đang lúc bơ vơ lại đói bụng, không biết đi về đâu thì anh được một gia đình người địa phương mời vào nhà ăn cơm và cho ngủ qua đêm.

Một cái Tết cổ truyền của dân tộc lại về. Các anh bán hoa nhựa dạo tất bật xuôi ngược mưu sinh, với hy vọng gia đình sẽ có một mùa Xuân đầm ấm, ngập tràn hạnh phúc.


Bài, ảnh: HIỀN THU

 


.