Hơn 60 năm trọn nghĩa vợ chồng

09:01, 21/01/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Hơn 60 năm trước, ông bà cưới nhau về sống chung một mái nhà. Và nay, sau hơn 60 năm gắn bó, cũng dưới mái ấm đơn sơ ấy, ông bà đã viết nên một chuyện tình cảm động. Đó là tâm niệm sống vì nhau, chia sẻ cùng nhau trong mọi hoàn cảnh.
 
Tình yêu làm nên tất cả
 
Về thôn Gia An, xã Phổ Phong (Đức Phổ), ai ai cũng biết đến chuyện tình cảm động của vợ chồng ông Huỳnh Nhị và bà Nguyễn Thị Thuận, cùng 83 tuổi. Đã bước qua cái tuổi gần đất xa trời nhưng ông bà vẫn còn yêu nhau nhiều lắm, nhiều đến độ lớp trẻ phải nể trọng. 
 
Ấn tượng đầu tiên khiến những người trẻ như chúng tôi ngỡ ngàng là cách nhắc khéo vợ của ông Nhị: “Bà này, bữa sau có muốn đi đâu thì nói tôi dẫn đi. Đừng lặng lẽ đi một mình lạc bà nhé!”. Vừa nói, ông Nhị vừa nhìn vợ mình một cách âu yếm. 
 
Thả cái trầm ngâm vào khoảng không, ông hồi ức: “Cách đây không lâu, vào một buổi chiều cuối năm, tranh thủ vợ ngủ, tôi đi dạo quanh xóm cho khuây khỏa. Ở nhà, tỉnh dậy không thấy tôi, bà hớt hải chống gậy đi tìm. Do mắc chứng đãng trí của người già nên vợ tôi lạc tận vào rừng sâu, chẳng nhớ đường về. Cũng may, có người thả bò trên đó gặp rồi dẫn về”.
 
Chừng ấy tuổi nhưng thỉnh thoảng ông Nhị vẫn cùng vợ đi dạo như ngày mới quen.
Chừng ấy tuổi nhưng thỉnh thoảng ông Nhị vẫn cùng vợ đi dạo như ngày mới quen.
 
Nhìn hai vợ chồng ông Nhị sớm chiều có nhau, hàng xóm cũng vui mừng lây. Chị Nguyễn Thị Hạnh, 38 tuổi, ở cuối ngõ nhà ông Nhị cho hay: “Những lúc lẫn, cô Thuận hay bỏ đi, tội lắm! Chồng cô cứ đi tìm mãi. Ông còn lo cho bà từng miếng ăn, giấc ngủ, đến giặt giũ, vệ sinh cũng làm tất. Nhìn ông bà mà ao ước vợ chồng tôi cũng hạnh phúc đến ngày như thế”.
 
Bất giác như hiểu ý chồng. Trong khóe mắt bà Thuận, lệ như chỉ muốn trào ra vì niềm hạnh phúc. Tận sâu thẳm lòng mình, bà Thuận thầm cảm ơn những gì chồng đã dành cho mình.
 
Để thay đổi không khí, ông Nhị vội lấy xe lăn đẩy vợ đi dạo trên con đường quê và cũng để cuộc trò chuyện với chúng tôi trở nên thân mật hơn. Vừa đi, ông Nhị vừa kể trong niềm tự hào: “Người ta nói cuộc đời chỉ có 60 năm, nhưng tôi và bà ấy đã có hơn 60 năm cho một cuộc đời và một câu chuyện tình vĩnh cữu”. 
 
Ông kể, ngày ấy, ông bà là một cặp “nam thanh, nữ tú” trong thôn. Hai người mến nhau từ cái tuổi đôi mươi vừa mới lớn và chỉ một năm sau lần gặp gỡ định mệnh, ông bà cưới nhau, dọn về ở chung. Những tưởng hạnh phúc sẽ nhân đôi khi vợ hạ sinh cho ông một đứa con kháu khỉnh. Nào ngờ, ông bà chưa kịp hạnh phúc với thiên chức làm cha mẹ thì đứa con đột ngột qua đời, để lại nỗi mất mát lớn. 
 
Ông Nhị chăm vợ.
Ông Nhị chăm vợ.
 
Càng đau đớn hơn khi từ đó, bà Thuận vĩnh viễn không sinh nở được nữa. Cú sốc khiến bà suy sụp, như muốn quỵ ngã. Nhiều lần, bà có ý định rời xa ông để ông “đi bước nữa” với người con gái khác, để được một ngày “gọi tiếng con”. 
 
Nhưng với tình yêu cao cả dành cho vợ đã không cho phép ông làm cái điều ích kỷ đó. Ông bộc bạch: “Đã thề ước trăm năm đến bạc đầu thì dù cuộc sống có trớ trêu cỡ nào thì tôi vẫn chỉ yêu bà ấy. Sống mà không có tình cảm thì khó sống lắm!”. 
 
Bẵng đi một thời gian, để thỏa niềm mong ước làm mẹ của bà, ông quyết định “xin” con về nuôi với mong muốn thắt chặt hơn sợi dây tình cảm vợ chồng và có chỗ để nương tựa khi về già.
 
Nghèo khó có nhau
 
Thấm thoát, đứa con lớn dần lên trong biển trời yêu thương của cha mẹ. Ông bà vui mừng khôn xiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khi anh có gia đình, anh về ở phía vợ, thỉnh thoảng về thăm ông bà. Hai vợ chồng lại động viên nhau sống.
 
Căn nhà cấp 4 được gom góp, xây dựng gần 20 năm trước cho con, giờ chỉ còn hai phận già. Tuổi cao, sức yếu, theo thời gian căn nhà dường như mục nát theo. Mối, mọt gặm nhấm đến tận giường ngủ. 
 
Thế nhưng, bao nhiêu năm nay, bao trùm lên căn nhà cũ kỹ, rêu phong đó là bức tranh về tình cảm vợ chồng sâu sắc, thủy chung. Nó được ghép bằng nhiều mảnh ghép khác nhau, xuất phát từ tình yêu thương đặc biệt mà ông Nhị dành cho vợ.
 
Bao nhiêu năm nay, ông bà vẫn ngồi đấy, đợi con cháu về.
Bao nhiêu năm nay, ông bà vẫn ngồi đấy, đợi con cháu về.
 
Năm bà Thuận 27 tuổi, trong lúc đi làm, bà sơ ý bị máy ép mía “giật” lấy cả đầu tóc. Ứ máu trong đầu, di chứng của lần tai nạn đó kéo dài dai dẳng đến tận hôm nay. Mới đây, do bất cẩn trong chuyện đi lại, bà bị té đến độ mích cả xương sống cộng với căn bệnh cũ khiến bà phải nằm lê liệt. Mọi chuyện ăn uống, vệ sinh, một tay ông làm hết. 
 
Thời trẻ, ông làm đủ nghề: bốc vác, chạy xe ôm, xích lô… kiếm từng đồng tiền lẻ lo cho vợ con. Mấy năm nay, tuổi cao, sức yếu, không làm lụng gì được. Có sào lúa, ông “bóp bụng” cho người ta thuê. Đến mùa, họ cũng đong cho được bao gạo. Trong vườn có vài sào mì, ông nói để tiết kiệm mua thuốc cho vợ. Vài trăm nghìn tiền trợ cấp được để dành mua đồ ăn qua ngày.
 
Ngày người ta ăn ba bữa nhưng với vợ chồng ông thường chỉ có 2 bữa. Có hôm, ông chỉ ăn một bữa để bà ăn được 3 bữa. Nói dăm ba câu thì ông cũng nhắc đến vợ. Ông không hề nghĩ đến bản thân mình, dù mình cũng đang mang trong người hàng tá bệnh.
 
Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng thôn Gia An cho biết: “Hoàn cảnh ông bà hiện nay rất đáng thương. Thấy thế, bà con xóm giềng cũng chỉ giúp được ông bà cái tình. Có con cá, miếng thịt, hay bát canh ngon mọi người đem qua để ông, bà ăn miếng”.
 
Trời chập choạng tối, trên chiếc xe lăn, bà Thuận được ông đẩy vào nhà để tránh gió. Nhẹ nhàng đỡ bà xuống khỏi xe, rồi ông ẵm bà ngồi vào chiếc bàn gỗ quen thuộc trước cửa nhà. Bao năm qua, ông bà vẫn ngồi đấy đợi con cháu. Những ngày Tết đang về, hai vợ chồng càng ngóng trông nhiều hơn…/.
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.