Hàng lậu, hàng giả tràn vào thị trường

01:01, 21/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần Tết là thời điểm hàng lậu, hàng giả, hàng nhái lợi dụng sức mua tăng cao để tràn vào thị trường. Mẫu mã, kiểu dáng các loại hàng này chẳng khác gì hàng chính hãng, cộng với chiêu chào mời hấp dẫn, giá bán lại rẻ hơn nhiều lần đã khiến không ít người chọn mua lầm tưởng.

TIN LIÊN QUAN

“Hàng công ty bị lỗi”

Vào thời điểm này, tại các chợ trên địa bàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo đều xuất hiện khá nhiều những “sọt” quần áo bán ngoài khuôn viên chợ. Thậm chí tại các ngã ba, nhà chờ xe buýt cũng mọc lên kiểu “shop” quần áo như thế này.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Xuân Thủy khảo sát điểm kinh doanh rượu trên địa bàn TP.Quảng Ngãi.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Xuân Thủy khảo sát điểm kinh doanh rượu trên địa bàn TP.Quảng Ngãi.


 Người bán đon đả giới thiệu với người qua lại “hàng hiệu, giá rẻ”, rồi giải thích khá cặn kẽ: Hàng xuất khẩu của công ty bị lỗi, nay thanh lý đưa ra thị trường tiêu thụ. Giá xuất khẩu vài ba trăm ngàn, nhưng giá hôm nay “khuyến mãi” chỉ vài chục ngàn…

Thực chất khi cầm những bộ quần áo được giới thiệu là “hàng công ty bị lỗi” này lên xem, với cảm nhận của người đã dùng qua những thương hiệu của Việt Tiến, Khatoco, Xuân Thành thì chắc chắn sẽ nhận ra đây không phải là hàng của những thương hiệu ấy. Chất liệu vải thường, đường kim mũi chỉ thô vụng; màu sắc lòe loẹt. Thế nhưng cũng có nhiều người tiêu dùng tin vào lời giới thiệu, mời chào của người bán hàng nên đã chọn mua.

Tại chợ tạm Quảng Ngãi, hiện nay còn xuất hiện khá nhiều các loại giày dép mới, đặc biệt là giày dép của nữ và trẻ em giả thương thiệu Biti’s; Bita’s, hàng của Thái Lan; Hàn Quốc.

 Chị Huỳnh Thị Hương, ở tổ dân phố 3, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) chọn mua một đôi giày cho con gái 8 tuổi. Cô bán hàng chỉ vào những dòng chữ in trên giày giới thiệu là giày Hàn Quốc chính hiệu nhưng giá bán chỉ 120.000 đồng.

 Các quầy sạp quần áo, đặc biệt là áo ấm và đồ trẻ em bày bán tại chợ tạm Quảng Ngãi hầu hết đều được dán nhãn mác bằng chữ Hàn Quốc và tiếng Anh hoặc thương hiệu của những mặt hàng may nổi tiếng của Việt Nam nhưng giá bán thấp hơn rất nhiều so với hàng của các đại lý thương hiệu này tại Quảng Ngãi. Người tiêu dùng thắc mắc, thì các chủ quầy sạp này giải thích: Hàng của Hàn Quốc bị lỗi kỹ thuật bán giá rẻ; hàng công ty Việt Nam lỗi kỹ thuật không xuất khẩu được nên mới giảm giá bán…

Đường lậu, rượu giả

Hiện nay, khi đi mua đường, người mua thường gặp phải tình trạng giá cả chênh lệnh nhau khá xa giữa các cửa hàng. Một số cửa hàng bán 14.000 đồng/kg; nhưng cũng có không ít nơi bán chỉ 12.500 đồng/kg.

Nơi bán giá cao hơn giải thích rằng, vì họ bán đường của nhà máy nên giá cao; nơi khác bán đường không phải hàng của nhà máy nên giá thấp… Do đường phân từng bao 1kg, hoặc nửa kg để bán nên người tiêu dùng không phân biệt được hàng có xuất xứ rõ ràng hay hàng lậu. Tình trạng “đường không phải của nhà máy” đã nhiều lần được đưa lên diễn đàn bàn thảo. Thậm chí Hiệp hội mía đường Việt Nam; Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã có báo cáo gửi các cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn không được kiểm soát, ngăn chặn.

Tại buổi làm việc mới đây của Vụ Thị trường (Bộ Công thương) về tình hình chuẩn bị hàng hóa Tết tại Công ty CP Đường Quảng Ngãi, ông Võ Thành Đàng – Giám đốc Công ty khẳng định: Mặt hàng đường Tết này không thiếu. Tuy nhiên, tình trạng đường nhập lậu, đường tạm nhập tái xuất nhưng xuất bán không hết đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của ngành mía đường trong nước nói chung, của Công ty nói riêng. Lượng đường lậu vẫn thẩm lậu khá lớn, với giá bán thấp hơn so đường trong nước sản xuất do không phải chịu các nghĩa vụ thuế, phí. Để bảo vệ doanh nghiệp mía đường làm ăn chân chính, cần phải siết chặt quản lý thị trường đường hơn nữa để ngăn chặn đường nhập lậu.

Tết cũng là thời điểm của tình trạng rượu giả xâm nhập thị trường, với thủ đoạn ngày càng tinh vi trong khi lực lượng chức năng mỏng, kiểm soát không xuể, nên dù có tập trung ngăn chặn cũng khó lòng “chặn” nổi tình trạng này. Hơn nữa tâm lý “chuộng rượu ngoại” cũng đã đẩy không ít người tiêu dùng đến những thiệt thòi về kinh tế, sức khỏe khi mua phải rượu ngoại giả. Mặc dù theo quy định đây là mặt hàng bắt buộc phải dán tem nhưng khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì vẫn phát hiện không ít người kinh doanh mặt hàng rượu ngoại và cả rượu sản xuất trong nước chưa thực hiện quy định này.

Ông Trần Quang Toản – Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Hiện nay các đội quản lý thị trường đã ra quân kiểm tra đối với từng mặt hàng cụ thể, tập trung ở các đại lý, cơ sở buôn bán lớn để phát hiện ngăn chặn hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng. Đặc biệt là ngăn chặn tình trạng các mặt hàng kém chất lượng tập kết, phân phối đưa về các huyện miền núi, nông thôn để tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 này”.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.