Đất rộng, dân đông, khó tứ bề

10:01, 24/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thôn Tân Phước, xã Bình Minh (Bình Sơn) có diện tích 1.150 ha, lớn hơn diện tích của xã Bình Dương 266ha. Số dân thì lên đến 5.000 người, gần bằng 1/3 dân số của toàn huyện Minh Long. Đất rộng, dân đông, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Đất rộng, dân đông, khó tự quản

3 thôn của xã Bình Minh có diện tích lớn là Tân Phước 1.150ha, Mỹ Long 990ha và Lộc Thanh 1.567ha. Tuy nhiên, do đặc điểm dân cư đông, nhưng lại không tập trung khiến công tác tự quản tại cơ sở của thôn Tân Phước gặp rất nhiều khó khăn.

 

Thôn Tân Phước quá đông dân cư, nên được doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng thêm một điểm trạm y tế. Tuy nhiên do thiếu nhân lực, nên điểm trên chỉ hoạt động được 2 năm rồi bỏ hoang.
Thôn Tân Phước quá đông dân cư, nên được doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng thêm một điểm trạm y tế. Tuy nhiên do thiếu nhân lực, nên điểm trên chỉ hoạt động được 2 năm rồi bỏ hoang.

Để tiện cho công tác quản lý, xã Bình Minh chia thôn Tân Phước ra làm 5 khu dân cư gồm Nhất Đông, Nhì Đông, Nhất Tây, Nhì Tây và xóm Trại. Mỗi khu dân cư bố trí cán bộ làm việc như một thôn. Nguồn phụ cấp thấp, nhưng công việc lại tương đương với cán bộ thôn, nên cán bộ 5 khu dân cư của thôn Tân Phước phải chịu nhiều thiệt thòi. Hiện nay thay vì chỉ xây dựng một nhà văn hóa thôn, Tân Phước phải vận động nhân dân cùng đóng góp xây dựng 4 nhà văn hóa tại các khu dân cư. Việc xây dựng dàn trải khiến nhà văn hóa tại các khu dân cư không đạt được quy mô như kỳ vọng.

Ông Hồ Trung-Trưởng thôn Tân Phước cho biết “Theo quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thì phải có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành thì kết quả cuộc họp có giá trị thi hành. Tuy nhiên, làm gì có hội trường nào của thôn chứa được hơn 600 người. Bởi thế, chúng tôi phải chia ra họp nhiều lần rồi mới gộp kết quả lại”.

Công tác tự quản gặp nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư hạ tầng cho các khu dân cư cũng nhân lên gấp nhiều lần. Trong khi các xã phần lớn chỉ có từ 8-10 cụm loa, thì chỉ riêng thôn Tân Phước đã phải triển khai lắp đặt đến 8 cụm. Ngay như trường mầm non, toàn thôn Tân Phước phải xây dựng 3 điểm trường lẻ mới đủ cho việc giảng dạy…

Xuất phát từ nhu cầu thực tế

“Trong khi nhà văn hóa thôn tại nhiều nơi khác đều rất khang trang, bề thế, thì chúng tôi vẫn chưa có nhà văn hóa thôn chung. Mà cũng phải thôi, giờ cái thôn này rộng thênh thang, biết đặt nhà văn hóa chỗ nào cho thuận tiện”, bà Nguyễn Thị Lộc, thôn Tân Phước, xã Bình Minh thở dài.

Trước những khó khăn trong công tác tự quản tại cơ sở, người dân và chính quyền địa phương có nguyện vọng được chia tách thôn Tân Phước ra làm bốn thôn gồm Tân Phước 1, Tân Phước 2, Tân Phước 3, Tân Phước 4.

Ông Cao Minh Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Việc chia tách thôn Tân Phước sẽ giúp công tác tự quản được thuận lợi. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có thêm điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông nông thôn, xây dựng thiết chế văn hóa…đáp ứng nguyện vọng của người dân”.

Đề xuất nguyện vọng từ năm 2011 đến nay, UBND xã Bình Minh kỳ vọng sẽ được chấp thuận chia tách. Thế nhưng đến nay, kỳ vọng vẫn chỉ là kỳ vọng.
 
Bài, ảnh: Ý Thu
 

.