Công tác chăm sóc người tâm thần lang thang: Còn nhiều khó khăn

08:01, 20/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh chỉ có duy nhất Trung tâm Giáo dục lao động xã hội là có chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng người bị bệnh tâm thần không nơi nương tựa. Hiện tại công tác này gặp nhiều khó khăn.

Những ngày cuối năm, trái hẳn với không khí ồn ào ở bên ngoài, không khí ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội khá tĩnh lặng. Bước vào khuôn viên nơi chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh tâm thần, tàn tật, chúng tôi không khỏi xót xa. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều là những phận đời kém may mắn, không nơi nương tựa, thậm chí bị người thân bỏ mặc. Làm công việc chăm sóc cho 42 đối tượng là người già, người khuyết tật, trẻ em, người bệnh tâm thần nhưng ở trung tâm chỉ có 6 chị phụ trách. Công việc rất nhọc nhằn, đòi hỏi sự chịu thương, chịu khó nên không phải ai cũng làm được.

Bệnh nhân tâm thần đang lao động trị liệu tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội.
Bệnh nhân tâm thần đang lao động trị liệu tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội.


Chị Nguyễn Thị Tâm-Phó phòng y tế-giáo dục ở trung tâm cho biết, hiện tại việc ăn, ở và điều trị bệnh của các đối tượng này còn tạm bợ, thiếu thốn. Mức hỗ trợ chỉ có 900.000 đồng/người/tháng. Chỉ tay về phía các đối tượng bị bệnh tâm thần, chị Tâm bảo: “Đây là những phận đời được cán bộ trung tâm đặt cho một cái tên, chứ hầu như họ không nhớ mình là ai, tên gì…”. Nhiều đối tượng ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội mặc dù sức khỏe đã ổn định, nhưng không thể về lại gia đình vì người thân bỏ mặc, không biết nương tựa vào đâu nên đành ở lại trung tâm.

Ông Nguyễn Thu Trang- Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh cho biết, hằng năm các đối tượng đưa vào trung tâm đều tăng, dao động từ 30-40 người. Trong đó có khoảng 2/3 là người bệnh tâm thần. Khó khăn lớn nhất của trung tâm trong công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh tâm thần là cơ sở vật chất. Theo nguyên tắc, đối tượng người tâm thần phải được nuôi dưỡng, chăm sóc ở khu chuyên biệt. Nhưng vì diện tích chật hẹp nên trung tâm chia làm hai phòng cho nam và nữ. Hầu hết các đối tượng như trẻ em, người già tàn tật, thiểu năng trí tuệ và tâm thần đều cùng ăn, cùng ngủ, cùng sinh hoạt trong khuôn viên vỏn vẹn gần 20m2. Việc thiếu thốn về cơ sở vật chất là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả trị liệu cho bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân chậm phục hồi tâm trí chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, công tác đưa đối tượng về cộng đồng để tái hòa nhập là rất khó khăn. Không ít người nhớ được địa chỉ người thân, được đưa về gia đình, nhưng lại bị người thân bỏ mặc, họ lại tiếp tục quay về trung tâm. Công tác chăm sóc các đối tượng này rất khó khăn. Họ rất dễ manh động, mỗi khi lên cơn đều đập phá, đánh đập các học viên khác, thậm chí đánh cả cán bộ, trong khi đó tại trung tâm không có bác sĩ hỗ trợ trị liệu.

Được biết, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng Đề án bổ sung chức năng, nhiệm vụ chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí. Theo đề án dự kiến sẽ mở rộng diện tích tại trung tâm thêm 2ha nhà ở và trang thiết bị với kinh phí khoảng hơn 30 tỷ đồng. Dự án hoàn thành có đủ điều kiện tiếp nhận khoảng 400-600 đối tượng. Hy vọng dự án sớm được triển khai thực hiện, có vậy công tác quản lý, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần lang thang sẽ đạt hiệu quả hơn.   

 Bài, ảnh: Trí Phong
 


.