Cần lắm một con đường

03:01, 25/01/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Dù những ngày mưa lũ đã qua, nhưng hàng trăm gia đình vẫn hàng ngày lưu thông trên con đường dài gần 6km men theo triền núi, dốc thẳng đứng, gồ gề, lầy lội, dấu chân trâu bò giẫm nát chẳng khác gì mặt ruộng. Đó là tình cảnh của người dân ở xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây (vùng giáp ranh với xã Đắk Nên, huyện Konplông (KonTum).

TIN LIÊN QUAN

Đang giữa cái nắng chang chang của những ngày cuối năm, chỉ vì một cơn mưa rào, con đường độc đạo vòng vèo quanh lòng hồ thủy điện Đắkdrinh nối trung tâm xã Sơn Liên vào xóm Nghèo và xã Đắk Nên trở nên lầy lội chẳng khác gì mặt ruộng vừa được cày xới.

Anh Đinh Văn Tường, một thanh niên trai tráng ở thôn Đắk Noa nay mới chỉ bước sang tuổi 20 đi lên rẫy về tay đẩy chiếc xe máy lên dốc thẳng đứng, lần dò từng bước vì mặt đường quá trơn. “Các anh chị coi có khổ không? Nhà tui có mấy ha rẫy keo, mì trong núi mà bán có mấy đồng, đường sá lầy lội vầy vào chăm sóc cũng ngại không muốn đi, thu hoạch rồi xe không thèm vào chở”- anh Tường buồn bã.

 

Con đường này
Con đường chẳng khác gì mặt ruộng vừa được cày xới.


Dừng chân nghỉ mệt sau vài giờ lội bộ, anh Đinh Văn Tráo ở xóm Nghèo thở hổn hển: “Đi ra xã mua sắm mấy thứ, có mấy cây số mà tui đi cả 2 giờ rồi chưa tới. Tôi gửi xe ở một hộ dân ven đường, đi về chân tay rã rời”.

Cũng theo anh Tráo xưa nay, bà con ở xóm Nghèo và bà con xã Đắk Nên mỗi khi có nhu cầu mua sắm ở trung tâm xã đi bằng con đường dưới lòng hồ thủy điện. Nay thủy điện tích nước nên con đường này ngập dưới lòng hồ và bị chia cắt nên bà con phải đi con đường mòn quanh hồ thủy điện.

Những hôm trời đẹp thì đi ghe dưới lòng hồ. Đến các bến dưới lòng hồ thủy điện Đắkdrinh, không khó để nhận ra nhiều chiếc ghe nhỏ liều mình chở cả chục người lẫn xe máy không áo phao đi trên hồ thủy điện. Nhiều người khác lại chọn gửi phận trên chiếc bè tre chông chênh giữa lòng hồ mênh mông.

Mỗi lần mưa xuống con đường này lại trơn lầy, đất đá lởm chởm, nhiều hôm bị sạt lở núi, nhiều đoạn đường chẳng khác nào ao bùn. Tiếp xúc với bà con, chúng tôi được nghe nhiều lời than vãn.

 

Đường đi vất vả, nhiều người liều mình đi ghe trên lòng hồ thủy điện.
Đường đi vất vả, nhiều người liều mình đi ghe trên lòng hồ thủy điện.

 

Đường đi vất vả, nhiều người liều mình vượt bè tre trên lòng hồ thủy điện.
Không ít người người liều mình vượt bè tre trên lòng hồ thủy điện.


Bà con ở đây hầu hết là hộ nghèo, chủ yếu trông vào ít buồng chuối, con gà, gỗ keo, mì… nhưng đến kỳ thu hoạch thì bị thương lái ép giá với lý do đường khó đi. Đường trơn nhiều học sinh có khi đi nữa buổi trời mới tới trường. Nhiều người đau ốm đến kiệt sức mới đến được trạm y tế. Đặc biệt, mùa mưa cuộc sống của bà con càng trở nên khó khăn vì lũ lụt cô lập dài ngày.

Không chỉ người dân ở xã Sơn Liên mà người dân ở thôn Đắk Tiêu, xã Đắk Nên cũng phụ thuộc vào con đường này. Rơi vào tình cảnh “gần nhà xa ngõ”, để đến được trung tâm xã Đắk Nên, bà con ở thôn Đắk Tiêu phải chạy tới 40km, trong khi đó qua xã Sơn Liên chỉ có gần 6 km. Vì thế, mặc dù là dân Đắk Nên nhưng mỗi khi có nhu cầu mua sắm, bà con đều qua xã Sơn Liên và Sơn Long của huyện Sơn Tây.

Ông Trần Đông Phong, Chủ tịch UBND xã Sơn Liên cho biết: Về phía tỉnh bạn đã đầu tư xây dựng đường bêtông mặt rộng 3,5m và một chiếc cầu kiên cố là cầu Tà Meo. Chiếc cầu này cũng là điểm đấu nối lưu thông giữa hai địa phương. Phần còn lại là đường đất thuộc địa phận của mình.

Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên sớm xem xét đầu tư con đường để bà con ổn định đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo. Hơn thế nữa, con đường có ý nghĩa quan trọng trong việc giao lưu văn hóa, trao đổi buôn bán, an ninh vùng giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi.

 

Bài, ảnh: Ái Kiều
 


.