Ba chàng trai của những mảnh đời bất hạnh

04:01, 12/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Họ là những thanh niên rất đỗi bình thường trong xã hội, nhưng cả ba đều có chung một tấm lòng là đồng cảm và sẻ chia khó khăn với những mảnh đời bất hạnh.

TIN LIÊN QUAN

Ba thanh niên đó là Nguyễn Huỳnh Nguyên (28 tuổi)- Giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Quảng Ngãi), Lê Ngọc Mân (33 tuổi) thợ kim hoàn ở TP. Quảng Ngãi và Phan Duy Nhật (29 tuổi) thợ sửa chữa điện thoại di động ở huyện Mộ Đức.

Tấm lòng vàng

Họ có xuất phát điểm chẳng giống nhau, nhưng điểm chung ở họ chính là tấm lòng thiện nguyện. Thầy giáo trẻ Nguyễn Huỳnh Nguyên tự nhận mình cũng từng “ăn chơi lắm”. Thời sinh viên anh Nguyên vào Thánh thất Cao Đài trọ học. Chính những phận đời éo le nương tựa nơi đây đã thức tỉnh anh, buộc con người anh phải thay đổi, sống tốt hơn và tâm hướng thiện trong anh cũng được “đánh thức”.

 Em Nguyễn Văn Sâm ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh)- một hoàn cảnh được ba thanh niên giúp đỡ.
Em Nguyễn Văn Sâm ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh)- một hoàn cảnh được ba thanh niên giúp đỡ.


Còn với anh Mân, hình ảnh những đứa trẻ co ro trong giá rét vì không có đủ quần áo ấm là cơ duyên thôi thúc anh đến với việc thiện. Đến nay, sau hơn 5 năm miệt mài kêu gọi bạn bè, người quen quyên góp tiền làm tình nguyện, anh đã trở thành địa chỉ tin cậy để kết nối yêu thương. Trong khi đó, Phan Duy Nhật là một người “có tiếng” trong các phong trào tình nguyện. Học xong, anh về quê mở tiệm sửa điện thoại di động. Nhưng “máu” tình nguyện luôn theo đuổi anh, để rồi những việc giúp đời, giúp người được lần lượt mang đến với những mảnh đời khốn khó. “Cứ thấy ai bệnh tật, nghèo khổ hay trẻ em mồ côi là mình rất thương, trong đầu cứ quanh quẩn nghĩ phải làm gì đó để giúp đỡ”, anh Nhật chia sẻ.

Ba “tấm lòng vàng” của ba chàng thanh niên vô tình gặp được nhau trong một lần cùng kêu gọi giúp đỡ cho một hoàn cảnh ở thị trấn Sông Vệ (Tư Nghĩa) vào năm 2012. Như “mối lương duyên”, kể từ đó họ trở thành những người bạn thân thiết vì cùng chung “chí hướng”. Từ khi gặp nhau, gắn bó với việc xã hội từ thiện, cả ba cũng không nhớ chính xác đã từng tiếp sức, san sẻ yêu thương với bao nhiêu mảnh đời. “Thấy hoàn cảnh nào khốn khó thì bọn mình xác minh rồi vận động giúp đỡ thôi. Làm việc thiện đâu phải để được khen hay lấy thành tích đâu mà đếm số người”, anh Nhật tâm sự.

Trao yêu thương – nhận nụ cười

Để có được địa chỉ của những hoàn cảnh cần tương trợ, các anh phải sử dụng nhiều mối quan hệ, trong đó có mạng xã hội facebook. Việc trao tiền hỗ trợ luôn được công khai, có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và ký nhận trực tiếp của những người được giúp đỡ. “Khi nghe ở đâu có hoàn cảnh nghèo khổ, bệnh hiểm nghèo, mồ côi… thì ngay lập tức, cả ba chia nhau đến ghi nhận rồi lên xã xác nhận thông tin rồi về viết bài đăng lên trang Facebook cá nhân để nhận sự đồng cảm và sẻ chia từ các nhà hảo tâm”, anh Mân cho biết.

Như trường hợp của cậu học trò đầy nghị lực Lê Thanh Truyền, đang học lớp 12 Trường THPT Đức Phổ 1, có gia cảnh khốn cùng, người mẹ bỏ đi nhiều năm trước khi cha em đổ bệnh, năm 2013 người cha cũng đột ngột qua đời sau gần chục năm sống cùng bệnh tật, bỏ lại Truyền và người em trai bơ vơ. Ngoài giờ đến trường, em tranh thủ đi dạy thêm, làm thuê… để có tiền lo cho cuộc sống của hai anh em, nhưng 11 năm đều là học sinh giỏi nhất nhì trường. Biết được hoàn cảnh của Truyền, “bộ ba” trên đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng đến khi vào đại học để Truyền có thêm chi phí ăn học. Nói về ba anh thanh niên đã giúp đỡ mình, Truyền đưa tay lên lau  nước mắt, nói: “Gặp được các anh em cảm thấy có thêm niềm tin vào cuộc sống”.  

Đến nay, dấu chân tình nguyện của ba chàng trai trẻ này đã hằn in khắp nơi từ đồng bằng, miền núi cho tới hải đảo. Biết bao mảnh đời đã được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện giấc mơ của mình. Ngoài giúp đỡ các hoàn cảnh bất hạnh, hiện tại các anh đang liên kết với nhóm tình nguyện Nguyện Ước Xanh (Đà Nẵng) để huy động nguồn vốn, hỗ trợ 4-5 triệu đồng cho hộ khó khăn làm vốn sản xuất và trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi. “Ngoài xã hội còn rất nhiều tấm lòng nhân ái, tụi mình chỉ là những hạt cát trong sa mạc rộng lớn. Một yêu thương cho đi sẽ là một nụ cười được nhận lại”, anh Phan Duy Nhật, tâm sự.    

         
     Bài, ảnh: LÊ DANH

 


.