Xử lý chất thải y tế: Bất cập cần sớm tháo gỡ

02:12, 23/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chất thải y tế là một trong những mối nguy độc hại nếu không xử lý đúng quy trình. Tuy nhiên, ở tỉnh ta việc xử lý chất thải y tế còn nhiều bất cập.

TIN LIÊN QUAN

Theo Sở Y tế, hiện tại các cơ sở y tế dự phòng, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chưa có hệ thống xử lý chất thải lỏng. Bệnh viện TP.Quảng Ngãi, trung tâm y tế ở các huyện Sơn Tây, Tây Trà, Lý Sơn chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế (CTRYT). Từ lâu, bài toán về xử lý chất thải y tế đã được đặt ra, nhưng vẫn chưa có lời giải hữu hiệu.

Nơi “bỏ phí”, chỗ “lần không ra”

Năm 2012, Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh được Sở Y tế đầu tư lắp đặt 2 hệ thống lò đốt CTRYT với kinh phí đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Theo kế hoạch, việc đưa lò đốt vào sử dụng giúp BV xử lý rác thải tại chỗ khoảng 150kg rác/ngày, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, từ khi đưa vào sử dụng công nghệ này thì mỗi lần đốt chỉ dung nạp được 5kg rác. Mỗi ngày BV tiêu tốn hàng chục lít dầu. Hơn nữa, lúc nào cũng phải có hai người  túc trực đốt rác vào nửa đêm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, BV đành để thiết bị tiền tỷ này “đắp chiếu”. Lý giải điều này, bác sĩ Phạm Ngọc Lân- Giám đốc BV Đa khoa tỉnh cho rằng: “Sở dĩ BV không thể tiếp tục sử dụng lò đốt vì người dân sống xung quanh bức xúc bởi khói bụi, mùi hôi từ lò đốt tỏa vào nhà dân”.

Công nghệ xử lý chất thải nguy hại của Công ty CP Cơ điện Môi trường Lilama.
Công nghệ xử lý chất thải nguy hại của Công ty CP Cơ điện Môi trường Lilama.


Để giải quyết khối lượng lớn chất thải rắn y tế nguy hại thải ra hằng ngày, BV ký hợp đồng với Công ty CP Cơ điện Môi trường Lilama (đóng trên địa bàn huyện Bình Sơn) với chi phí khá cao: 25 nghìn đồng/kg rác thải. Mỗi tháng, BV Đa khoa tỉnh phải trả cho công ty này với số tiền khoảng từ 100-120 triệu đồng. Một công trình tiền tỷ lại phải “đắp chiếu” trong khi đó  các trung tâm y tế ở huyện miền núi như: Sơn Tây, Tây Trà, Lý Sơn lại chưa có lò đốt xử lý CTRYT. Hiện các đơn vị y tế này xử lý CTRYT bằng phương pháp chôn lấp và đốt thủ công, gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Còn tại BV Đa khoa TP.Quảng Ngãi, mặc dù đã được Bộ TN&MT bố trí dự án hệ thống rác thải y tế với công nghệ đốt hai bậc; công suất 120-160kg rác/ngày. Tuy nhiên, dự án này lại không phù hợp vì BV chỉ có công suất sử dụng 70 giường bệnh, lượng rác thải y tế nguy hại thu gom trong ngày chỉ khoảng 3-5 kg rác. Hơn nữa, đa số bệnh nhân đến điều trị thường là những bệnh nhẹ, còn lại là đến điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh. BV cũng chưa có khoa ngoại, nên dù dự án rất khả thi, song đơn vị xin từ chối tiếp nhận dự án. “Chúng tôi hiện không có nhu cầu sử dụng lò đốt. BV đang hợp đồng với Công ty CP Cơ Điện Môi trường Lilama để xử lý chất thải y tế”, ông Nguyễn Anh - Giám đốc BV Đa khoa TP.Quảng Ngãi cho biết.
 

“Chúng tôi có kế hoạch sắp tới sẽ chuyển hai lò đốt ở BV Đa khoa tỉnh cho Trung tâm Y tế Tây Trà và Sơn Tây. Trước mắt một số tuyến y tế huyện đồng bằng  sẽ hợp đồng với doanh nghiệp đầu mối Công ty CP Lilama để xử lý CTRYT độc hại. Về lâu dài, Sở Y tế sẽ xây dựng Đề án xử lý CTYT tập trung đối với các huyện đồng bằng để trình UBND tỉnh xem xét”, ông Nguyễn Tấn Đức-Giám đốc Sở Y tế cho biết.    

Thiếu kinh phí

Thực tế hiện nay, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đều đứng trước khó khăn trong việc xử lý triệt để các loại rác thải y tế.

Bà Trần Thị Hạ Vũ- Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 12 công trình xử lý CTRYT, tất cả đều đặt trong khuôn viên bệnh viện, chưa được cấp giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại. Đến thời điểm này, toàn tỉnh cũng chỉ có mỗi Công ty  CP cơ điện Môi trường Lilama có chức năng xử lý chất thải nguy hại. Doanh nghiệp này đang hợp đồng xử lý CTRYT cho BV Đa khoa tỉnh, TP.Quảng Ngãi, Bình Sơn, BV Mắt, Trung tâm CSSKSS tỉnh, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Bà Vũ cảnh báo: “Điều đáng lo ngại không kém là việc tiêu hủy sau cùng CTRYT hầu như không được kiểm soát. CTRYT nguy hại ở các phòng khám tư nhân vẫn còn thu gom, vận chuyển, tiêu hủy chung với chất thải sinh hoạt. Tro của các lò đốt ở các BV đa khoa có lò đốt được vận chuyển chung với chất thải sinh hoạt tới bãi rác để chôn lấp; có nơi đổ không đúng nơi quy định, đều này ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.

Một thực tế hiện nay là nhiều BV đặt tại khu vực trung tâm của các huyện, tập trung đông dân cư nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, điều cần thiết là quy hoạch xây dựng khu xử lý rác tập trung và sử dụng công nghệ lò hấp để xử lý chất thải y tế nguy hại, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa tiết kiệm chi phí cho các cơ sở y tế.  Tuy nhiên, thiếu vốn đầu tư cho công nghệ là khó khăn lớn. Thiết nghĩ, đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng cơ sở xử lý nước thải, chất thải nguy hại y tế là điều cần được đẩy mạnh.     


 
Bài, ảnh: K.NGÂN

 


.