Từ năm tới, bảo hiểm không thanh toán khám vượt tuyến

07:12, 24/12/2014
.

Từ ngày 1/1/2015 tới, Quỹ Bảo hiểm y tế sẽ chi trả 40% đối với bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến trung ương, không chi trả đối với trường hợp khám vượt tuyến.
 

Chiều 23/12, Bộ Y tế đã họp báo thông tin về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực 1/1/2015 và một số thông tin về giá dịch vụ y tế.

Điều trị nội trú vượt tuyến trung ương được bảo hiểm thanh toán 40% chi phí

Điểm đáng chú ý tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là, từ 1/1/2015, khi điều trị nội trú không đúng tuyến tuyến trung ương, bệnh nhân được bảo hiểm thanh toán 40% chi phí; còn điều trị nội trú trái tuyến tỉnh, bệnh nhân được bảo hiểm hiểm thanh toán 60% chi phí, kể từ 1/1/2021 là 100%, nhưng người khám trái các tuyến trên không được bảo hiểm thanh toán. Đây là điểm khác rất rõ so với quy định như hiện nay là khi khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh sẽ được chi trả ở các mức khác nhau, từ 30% đến 70%
 
Tuy nhiên, theo quy định mới, khám, chữa bệnh trái tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh được bảo hiểm thanh toán 70% chi phí kể từ 1/1/2015, và thanh toán 100% kể từ năm 2016.

Ông Lê Văn Khảm, Phó vụ trưởng Bảo hiểm y tế thuộc Bộ Y tế cho biết, theo Luật này, Bộ Y tế sẽ mở thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, từ ngày 1/1/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được mở thông tuyến khám chữa bệnh và được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương theo mức hưởng quy định.

Cũng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 1/1/2021, Bộ Y tế sẽ mở rộng khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước. Theo đó, khám, chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào cũng được thanh toán 100% chi phí điều trị BHYT. Điểm mới nữa của Luật là bắt buộc tham gia BHYT vì mục tiêu BHYT toàn dân...

Sẽ ban hành mức giá theo 5 hạng bệnh viện

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nam Liên-Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết, đầu năm 2015, liên Bộ Y tế - Tài chính sẽ ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất theo 5 hạng bệnh viện. Cụ thể sẽ ban hành mức giá theo 5 hạng bệnh viện: Bệnh viện hạng đặc biệt, Hạng I, Hạng II, Hạng III và Hạng IV; mức giá này vẫn chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp là: thuốc, máu, dịch truyền, vật tư; điện, nước; chi phí duy tu, bảo dưỡng tài sản; mức giá được tính trên mức bình quân gia quyền của các dịch vụ hiện đang thu theo hạng bệnh viện trong toàn quốc, có tính đến chỉ số giá tiêu dùng nhưng không vượt quá khung giá đã được liên Bộ Y tế - Tài chính ban.

Bên cạnh đó, có tính thêm chi phí phụ cấp thường trực 24/24 giờ vào giá ngày giường, chi phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào giá các phẫu thuật, thủ thuật. Theo đó, giá giường sẽ tăng khoảng 10.000-20.000 đồng/ngày theo hạng bệnh viện. Giá các loại phẫu thuật đặc biệt, thủ thuật cũng tăng.

Ông Liên cho rằng, giá dịch vụ y tế không đơn thuần là để người dân phải chi trả chi phí cho bệnh viện, mà còn là cơ sở để cơ quan BHXH thay mặt cho người dân thanh toán cho bệnh viện; mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là thực hiện BHYT toàn dân; do đó giá dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách BHYT; nó không như giá các hàng hóa, dịch vụ khác; mà còn là quyền lợi của người dân được hưởng khi tham gia BHYT.

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đủ chi phí để thực hiện chủ trương cải cách tài chính công, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế. Khi giá dịch vụ được tính đủ, bệnh viện không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí để hoạt động sẽ được BHYT thanh toán đối với người có thẻ BHYT và người bệnh không có thẻ BHYT chi trả. “Do đó, bệnh viện muốn tồn tại và phát triển thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu không, người bệnh không đến khám chữa bệnh hoặc cơ quan BHXH không ký hợp đồng thì bệnh viện không có bệnh nhân, không có nguồn kinh phí để hoạt động”-ông Liên nói.


Hương Thủy/Hà Nội mới


.