Nước mắt người quả phụ trẻ

01:12, 05/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ròng rả 5 năm qua, chưa một đêm nào người quả phụ trẻ Nguyễn Thị Kiểm (35 tuổi) ở thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) có được trọn giấc ngủ ngon. Mà sao có thể yên lòng được một khi cái chết oan uổng của người chồng trong một vụ tai nạn giao thông chưa được làm sáng tỏ.

Đã bao đêm dài khóc thương chồng, cùng với đó là nỗi vất vả khi một mình lặn lội lo cho hai con ăn học đã khiến cho đôi mắt chị Kiểm hằn sâu và thâm quầng, gương mặt hốc hác và già đi khá nhiều so với cái tuổi 35. Dường như với chị, đã từ lâu lắm rồi, chuyện chăm sóc cho bản thân đã không còn trong suy nghĩ, mà thay vào đó là sự ray rứt trước vong linh của chồng  khi kẻ gây ra cái chết cho chồng vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Gạt dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má gầy nhom, chị Kiểm kể lại cái ngày định mệnh của chồng- anh Võ Như Trình (SN 1974): “Khoảng 3 giờ ngày 24.1.2010, anh ấy đi bộ trên con đường gần nhà thì bị 3 thanh niên đi trên cùng một xe máy mang biển số kiểm soát 76H2-1176 tông vào gây tử vong tại chỗ. Nghe tin, tôi không nghĩ đấy là sự thật, nhưng rồi oan nghiệt cũng đã xảy ra”.

Theo hồ sơ vụ án, 3 thanh niên gây ra tai nạn dẫn đến cái chết của anh Võ Như Trình là Lê Thanh Tùng (SN 1992), Đoàn Thanh Tú và Nguyễn Duy Quang cùng ở cùng xã Hành Tín Tây, đều có sử dụng bia rượu, không có giấy phép lái xe, nhưng vẫn điều khiển xe máy. Qua điều tra và kết quả giám định của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh), Công an huyện Nghĩa Hành kết luận, trong số 3 thanh niên nêu trên thì Lê Thanh Tùng là đối tượng trực tiếp điều khiển xe máy nói trên gây ra cái chết cho anh Trình nên bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam để phục vụ điều tra, chờ ngày ra trước vành móng ngựa.

Sau khi Viện KSND huyện Nghĩa Hành hoàn tất cáo trạng, ngày 11.5.2011, TAND huyện Nghĩa Hành đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Lê Thanh Tùng 30 tháng tù về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Chị Kiểm nhớ lại: Hôm ấy, dù không bằng lòng với mức án tòa tuyên, nhưng tôi tự nhủ với lòng, dù sao đi nữa thì chừng ấy thời gian cũng đủ để giáo dục kẻ gây ra cái chết cho chồng tôi và đồng thời cũng là bài học cho những thanh thiếu niên không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Nhưng rồi sau đó tôi vô cùng thất vọng, khi Tùng một mực kêu oan và Bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Nghĩa Hành bị TAND tỉnh hủy sau đó một năm (tháng 5.2012), giao cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Không riêng gì chị Kiểm, mà những cán bộ của Viện KSND huyện Nghĩa Hành trực tiếp xem xét, theo dõi vụ án này ngay từ lúc đầu cũng tỏ ra bất bình. Chính vì lẽ đó, mặc dù tòa phúc thẩm yêu cầu điều tra lại nhưng Viện KSND huyện Nghĩa Hành vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Tùng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm a khoản 2 Điều 202 BLHS.

 Ngày 26.9.2013, TAND huyện Nghĩa Hành đưa vụ án ra xét xử lại và cũng tuyên buộc bị cáo Tùng 30 tháng tù giam và bồi thường cho bị hại 47 triệu đồng tiền lo mai táng phí, tiền cấp dưỡng cho con chị Kiểm là cháu Võ Thanh Tuyền (SN 2008) là 1.150.000 đồng/tháng kể từ ngày 1.2.2010 cho đến khi cháu Tuyền tròn 18 tuổi. Nhưng rồi, vụ án này vẫn chưa đi đến hồi kết, cả hai bên đều kháng cáo.

Tại phiên xét xử phúc thẩm đầu năm 2014, tham gia giữ quyền công tố, Viện KSND tỉnh, bày tỏ quan điểm: Cấp sơ thẩm khởi tố, truy tố, xét xử bị cáo Tùng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Tùng. Đồng thời không chấp nhận kháng cáo của chị Kiểm và ông Mai Thanh Bình (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Tuy nhiên, một lần nữa TAND tỉnh tiếp tục tuyên hủy Bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Nghĩa Hành và giao vụ án cho Viện KSND huyện Nghĩa Hành để điều tra lại theo thủ tục chung, vì cho rằng truy tố Tùng can tội nêu trên là chưa đảm bảo thật sự khách quan.  

Như vậy, vụ án này xảy ra đã kéo dài 5 năm, 4 lần đưa ra xét xử nhưng vẫn chưa xong, khiến cho tinh thần của chị Kiểm ngày càng bấn loạn, vì không biết rồi đây công lý sẽ đi về đâu. Chị tâm sự với chúng tôi mà trong lòng trĩu nặng nỗi buồn: “Ngày anh ấy mất, cháu lớn mới học lớp 2 nay đã lên lớp 7. Còn cháu nhỏ lúc ấy 16 tháng tuổi nay đã bước vào lớp 1, mỗi lần đi học về hay ngủ dậy cháu đều đòi gặp ba càng khiến tôi đau xót hơn. Lúc anh ấy mất, gia đình Tùng có mang đến 10 triệu đồng để lo chi phí mai táng, còn từ đó đến nay không ai nói gì”.

Lời kết cho bài viết này, chúng tôi xin được trích lời tâm sự của một người dân thôn Tân Phú 1, xã Hành Tín Tây đã dự đầy đủ 4 phiên tòa trong vụ án này: “Cứ mỗi lần ra tòa, mẹ con Kiểm lại dắt díu nhau đến dự để rồi ra về trong nỗi thất vọng, ôm nhau khóc ròng cả tháng trời khiến cả xóm làng không một ai không khỏi động lòng. Vì vậy, vụ việc này càng kéo dài càng nhân đôi nỗi đau cho mẹ con chị Kiểm”.

Phú Đức
 


.