Đường thành đê, dân chịu cảnh ngập nước

10:12, 26/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thôn Phước Lộc, xã Đức Phú và thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức) đều có nền đất quá thấp so với mặt đường. Không những thế, khi hai tuyến đường Đồng Cát- Suối Bùn và Bồ Đề- Mỹ Á được xây dựng, vô tình “trở thành con đê” khiến việc thoát nước vào mùa mưa lũ gặp nhiều khó khăn…

Những “lòng chảo” tích nước

Thôn Phước Lộc, xã Đức Phú nằm “gối đầu” dưới chân núi Cối nên mùa mưa năm nào, người dân trong thôn cũng phải hứng chịu một lượng nước khá lớn từ các con suối trên núi đổ về, nhất là suối Hố Vực. Trong khi đó, khi tuyến đường Đồng Cát - Suối Bùn được nâng cấp, thì mặt bằng của các khu dân cư dọc đường bị thấp hơn so với mặt đường hơn 1m. Vậy nên, theo ông Nguyễn Tuất - trưởng thôn Phước Lộc, vào mùa mưa, KDC số 1, số 2 và số 5 chẳng khác gì những lòng chảo hứng nước.

 

 Bị ngập nước thường xuyên, nên người dân sống gần cống Lỗ Tây (thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh) không sợ bị thiếu nước khi trồng lúa trên cát.
Bị ngập nước thường xuyên, nên người dân sống gần cống Lỗ Tây (thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh) không sợ bị thiếu nước khi trồng lúa trên cát.


“Trước đây, khi mặt đường còn thấp, thì có mưa mấy, nước cũng sang đường. Nên chuyện ngập rất ít khi xảy ra, trừ khi lũ lớn. Còn giờ, chỉ cần sau một trận mưa là nước lênh láng ngay”, ông Phạm Ngọc Kim, người bị sập chuồng bò và một phần nhà cửa trong đợt mưa lũ năm rồi cho biết.

Địa hình thấp, mặt đường cao. Tình trạng ngập úng diễn ra liên miên. Trong khi đó, cầu Bầu Trai, cầu tiêu thoát nước dài 12m trước đây lại bị thu hẹp chỉ còn là cống 3m khiến cho việc tiêu thoát nước đã khó lại càng thêm khó. Khả năng thoát nước hạn chế. Suối thoát nước Mương Soi nằm ngay chân cống thì bị bồi lấp. Vì thế, dù lượng mưa mấy ngày qua không lớn, nhưng nước không thoát hẳn qua cống mà tràn sang cả những đám ruộng kế bên. Hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân khu dân cư số 1, số 2 cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.

Cùng chung tình trạng trên, cống Hố Lở nằm cách cầu Bầu Trai khoảng 1.200m cũng rơi vào tình trạng quá tải khiến nhà của 30 hộ dân nằm sát khu vực cống thường xuyên bị ngập. Ông Nguyễn Văn Minh, người dân KDC số 5 nói trong chua xót: “Trước đây cống này không có tên. Nhưng vì nước dồn về, thoát không kịp, cứ xói lở mãi nên người dân đặt luôn cho cái tên Hố Lở”…
 

“Cái khó, ló sáng kiến”
Nhiều hộ gia đình ở Minh Tân Bắc, sau khi phải sống chung với cảnh ngập nước quá lâu, đã “sáng kiến” chuyển đổi sang trồng lúa nước ngay trong vườn nhà. Vậy là ngay bên tỉnh lộ Bồ Đề- Mỹ Á, hàng loạt ruộng lúa lúc nào cũng đầy ăm ắp nước, dù nơi đây chẳng có mương, cũng không có hồ…

Cần có giải pháp thoát nước

Không chỉ gần 100 hộ dân thôn Phước Lộc, xã Đức Phú luôn phải thấp thỏm với cảnh ngập nước, mà người dân Minh Tân Bắc, xã Đức Minh cũng chung cảnh ngộ, dù đây là vùng đất cát.

Lý giải nguyên nhân, người dân dọc tuyến đường Bồ Đề - Mỹ Á ngang qua địa phận Minh Tân Bắc, xã Đức Minh cho rằng, vì đường cao hơn đất nền, còn cống thoát nước thì phần lớn đều đã hư hỏng, xuống cấp từ năm 2003 nên người dân nơi đây đã hơn 10 năm phải sống với cảnh ngập triền miên.

Cống ngõ bà Hường bị bồi lấp, lại không có mương tiêu thoát nước. Cống Lỗ Tây, giáp ranh giữa Minh Tân Bắc và xã Đức Chánh (Mộ Đức) là cống vuông 2V (100x100) không kham nổi việc thoát nước cho cả vùng. Vì vậy, 10 nhà nằm gần cống ngõ bà Hường và 17 nhà nằm dọc hai bên cống Lỗ Tây lúc nào cũng rơi vào cảnh ngập nước. Diện tích đất vườn mà trước đây mọi người đều tận dụng để trồng trọt, giờ cũng đành bỏ hoang. Ông Đinh Văn Giáo - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Minh Tân Bắc trầm tư: “Làm công tác mặt trận nên năm nào tôi cũng đứng ra vận động bà con tự đào đường mương dọc hai bên đường để thoát nước. Nhưng sức dân có hạn, đào được vài chục mét chứ sao đào nổi vài cây số. Vả lại, những đoạn đào thủ công, chỉ cần mưa xuống là bồi lấp trở lại ngay”.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.