Nhiều năm mơ một chiếc cầu

08:11, 16/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) bị chia cắt bởi con sông Vệ. Nhiều năm qua, người dân nơi đây làm cầu tre vượt qua con sông rộng để đi lại, giao thương. Nhưng cứ đến mùa mưa cầu bị nước cuốn trôi nên phải đi đò trong phập phồng lo âu.

TIN LIÊN QUAN

Lũ về... cầu trôi

Đợt mưa lớn hồi cuối tháng 10.2014, nước dâng cao, cuốn trôi chiếc cầu tre do người dân đầu tư gần 160 triệu đồng bắt ngang sông Vệ. Cây cầu từng đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con Hành Tín Đông và Hành Tín Tây. Cầu bị trôi nên dân đôi bờ sông giờ phải “lụy đò”, dù chính quyền địa phương đã nghiêm cấm bến đò hoạt động.

Mới đầu mùa mưa mà chiếc cầu tạm trị giá hàng trăm triệu đồng đã bị nước cuốn trôi.
Mới đầu mùa mưa mà chiếc cầu tạm trị giá hàng trăm triệu đồng đã bị nước cuốn trôi.


Đang đợi đò để sang sông, thầy giáo Tâm, chỉ về bên kia sông bảo: Nếu đi đò thì chỉ mất 15 phút, nhưng nếu đi đường vòng phải vượt qua khoảng 20 – 25km, mất gần một giờ mới đến trường. Năm nay mưa bão chưa về, nên giờ còn đi ghe được, chứ mấy năm trước, giờ này là đi đường vòng rất tốn công.

Đúng là cảnh gần nhà mà xa ngõ! Anh Hồ Tấn Vàng ở thôn Phú Khương xã Hành Tín Tây, bộc bạch: “Đáng thương hơn cả là học sinh ở Trũng Kè, Phú Khương xã Hành Tín Tây. Nhà tận trên hóc núi, nên muốn qua bên Hành Tín Đông học thêm, các em phải vượt quãng đường xa mà còn phải tốn tiền đò”. Nhiều bà con ở Hành Tín Tây làm được nông sản muốn qua chợ Hành Tín Đông bán phải mất thêm tiền đi đò nên thu nhập càng “teo tóp” hơn.

Đi đò, tai họa chực chờ

Lệ thường, sau mùa mưa bão, khoảng tháng giêng, tháng hai, nước sông cạn là người dân hai xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây làm cầu tre. Cầu dài khoảng 180m, rộng khoảng 1,2m. Vì con sông quá rộng và cầu làm bằng tre, không có lan can nên đã có nhiều trường hợp xảy ra tai nạn khi qua cầu. Vợ anh Võ Thủy ở thôn Đồng Miếu xã Hành Tín Đông kể trong sự bàng hoàng: “Hôm đó trời ngả về chiều, vợ chồng lấy cộ kéo qua cầu cắt cỏ. Chẳng may, đi đến giữa cầu thì bị trượt chân cả người và cộ đều rớt xuống sông. May mà nước cạn, lòng sông có cát nên chỉ trầy sướt nhẹ...”.

 Trong mùa nước lớn nguy hiểm luôn chực chờ đối với mỗi chuyến đò vượt sông Vệ.
Trong mùa nước lớn nguy hiểm luôn chực chờ đối với mỗi chuyến đò vượt sông Vệ.


Nhiều người ở bến sông này vẫn còn nhớ trường hợp của anh Nguyễn Thanh và Lê Tuân thôn Nhơn Lộc 2 xã Hành Tín Đông bị rơi xuống sông cả người lẫn xe nên phải đi bệnh viện. Còn chiếc xe thì bị hư hỏng nặng. Tuy vậy, bà con ở hai xã trên vẫn sợ nhất là học sinh đi lại qua cầu. Chị vợ anh Thủy kể: “Cách đây chừng 4 tháng, có thằng nhỏ trong xóm đạp xe qua bên kia sông thăm ông bà thì cả người và xe cũng bổ nhào xuống sông. Thằng nhỏ gãy tay phải đưa đi bệnh viện”. Ông Võ Thảo nhà gần bến sông, lo ngại: “Rơi xuống sông mùa cạn còn đỡ, chứ cách đây vài năm, trường hợp hai cô giáo chết vì ghe bị lật cách bến sông này chỉ vài chục mét. Giờ không có cầu bà con đi đò qua sông trong mùa mưa lũ làm sao không đối diện với nguy hiểm chực chờ”.

 Đóng lệ phí cao

Người dân xã Hành Tín Đông và Hành Tín Tây sống chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, dòng sông Vệ chia cắt nên đất sản xuất phân bổ không đồng đều. Bên Hành Tín Đông thì núi chiếm diện tích lớn, xã Hành Tín Tây  diện tích đất nà, đất sản xuất rộng hơn. Vì vậy, từ lâu dân hai xã này đã hỗ trợ cho nhau. Mỗi khi kết thúc vụ mùa thì dân bên Hành Tín Tây qua sông làm công thu hoạch keo, trồng rừng, kiếm thêm thu nhập. Dân bên Hành Tín Đông thì qua bên Hành Tín Tây trồng cỏ, chăn nuôi. Nhu cầu đi lại của bà con diễn ra hàng ngày. Thế nhưng, vì sông cách trở muốn đi lại, bên cạnh đối diện với rủi ro, bà con phải tốn phí khá lớn.

 Anh Võ Thủy thôn Nhơn Lộc 2 xã Hành Tín Đông nhẩm tính, riêng gia đình anh một năm phải đóng 600.000 đồng tiền qua lại cầu. Đối với giáo viên, cán bộ thì khoảng 300.000 – 400.000 đồng/năm. Những hộ dân không thường xuyên qua lại sông thì tính phí 4.000 đồng/xe máy, 2.000 đồng đối với xe đạp.  

Trao đổi với ông Nguyễn Tấn Diệp, người nhận thầu xây dựng cầu tre hằng năm về chuyện thu phí cao, ông lý giải: “Kinh phí mua vật liệu và tiền công để làm cầu quá lớn. Mỗi lần làm mới mất gần 160 triệu đồng. Nhưng đây là cầu tạm, có năm phải làm cầu hai đến ba lần nên đành phải thu phí của bà con”.

Hành Tín Đông và Hành Tín Tây là vùng quê cách mạng. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên bà con hai xã luôn mong mỏi Nhà nước đầu tư xây dựng chiếc cầu. Qua các đợt đại biểu Quốc hội, HĐND tiếp xúc cử tri người dân cũng bày tỏ nguyện vọng, nhưng đến nay ý nguyện đó vẫn chưa  được đáp ứng. Vì vậy mỗi ngày họ phải vất vả khi đi lại và đối diện với nguy hiểm mỗi khi sang sông.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.