Động lực từ những cây cầu

01:11, 12/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được sự quan tâm của tỉnh, nhiều chiếc cầu nối liền bờ vui đã được đầu tư, xây dựng, xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cách chợ”. Vững chãi băng sông, những chiếc cầu ấy đã mang đến niềm vui và hy vọng cho người dân trong hiện tại và tương lai…

Nối niềm hy vọng

Đã hơn một tuần kể từ ngày cầu Tịnh Đố, xã Thanh An (Minh Long) được khánh thành, nhưng không khí nơi đây vẫn chưa hết rộn ràng. Trong câu chuyện của mình, bà con cứ tấm tắc về chiếc cầu vững chãi, bắc qua con sông Phước Giang. Nhìn người dân chộn rộn lùa trâu về chuồng, đám trẻ trong thôn sau giờ học vui đùa trên cầu, ông Đinh Văn Kim ở thôn Làng Đố, hân hoan: “Thế là từ nay đám trẻ đến trường sẽ không phải băng qua con nước dữ mỗi khi mùa lũ về. Bà con hai thôn Dương Chơn và Làng Đố có thể dễ dàng qua lại trao tay mớ rau, con cá. Còn tui thì thồ hàng không phải đi đoạn đường xa, gập ghềnh nữa”.

Cầu Hiệp Phổ do tỉnh đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng đã đem lại niềm vui cho người dân xã Hành Trung (Nghĩa Hành).
Cầu Hiệp Phổ do tỉnh đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng đã đem lại niềm vui cho người dân xã Hành Trung (Nghĩa Hành).


Ông Nguyễn Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy xã Thanh An, chia sẻ: “Cầu Tịnh Đố đi vào hoạt động không chỉ là niềm vui của riêng người dân Thanh An mà còn là niềm vui chung của cả huyện Minh Long. Bởi, ngoài việc trao đổi, mua bán hàng hóa, giao thông đi lại của nhân dân địa phương thuận lợi, cầu Tịnh Đố sẽ nối Khu du lịch Thác Trắng và đập Đồng Cần. Từ đó hoàn thiện dự án khu du lịch sinh thái Thác Trắng - đập Đồng Cần, mở ra hướng đi mới, tạo thêm nguồn lợi từ kinh doanh dịch vụ du lịch cho huyện nhà”.

Nếu như ở Minh Long, nhờ cầu Tịnh Đố mà người dân bắt đầu hy vọng về một hướng đi mới trong tương lai, thì ở Hành Trung (Nghĩa Hành), nhờ vào cây cầu kiên cố Hiệp Phổ mà “con đường nông sản” của cả vùng được thông suốt, liền mạch. “Ngày trước, nông dân trồng cây mì, cây mía, được mùa đấy nhưng chẳng dám vui đâu. Vì cầu cũ yếu quá, nên xe chở nông sản của các nhà máy thu mua cứ bị “kẹt” ngay giữa cầu, tiến không được, lùi chẳng xong. Mì với mía cứ thế mà ùn ứ. Nhưng giờ thì không lo nữa. Bao nhiêu mì, mía cũng qua được hết.” ông Lê Văn Danh, ở thôn Hiệp Phổ Bắc nói.

Những tín hiệu vui mới

Cầu Hiệp Phổ chỉ là một trong số những cây cầu được huyện Nghĩa Hành đầu tư thời gian vừa qua. Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2013, Nghĩa Hành đã xây dựng và đưa vào sử dụng 7 chiếc cầu từ nguồn vốn của tỉnh và huyện, như cầu Gò Mã (Hành Đức), cầu Suối (Hành Phước), cầu Hóc Dâu, cầu Bà Thống (Hành Thịnh)… Người dân Nghĩa Hành rất phấn khởi khi có cầu bê tông vững chãi, một trong những khó khăn của họ đã được giải quyết.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Quảng Ngãi xây dựng 15 cây cầu nông thôn trong giai đoạn 2014 - 2020. Đây là những cây cầu thuộc đề án xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Theo đó, huyện Nghĩa Hành sẽ được đầu tư xây dựng thêm 5 cầu mới là Thanh Niên (Hành Dũng), Đồng Thóc (Hành Thịnh), Đám Lớn (Hành Minh), Kỳ Thọ Nam 2 (Hành Đức) và cầu Quan (Hành Nhân); huyện Bình Sơn có 4 cầu được xây mới là: Thượng Hòa (Bình Đông), Thanh Trà (Bình Khương), Làng Ngà (Bình Mỹ), Thanh Niên (Bình Minh); 6 cầu còn lại thuộc huyện Tư Nghĩa, gồm Hố Tre (Nghĩa Lâm), Bến Gáo, Láng Sơn, Mỹ Sơn 2 (Nghĩa Thương), Kênh N10 (Nghĩa Hòa).

Những cây cầu nối liền bờ vui luôn được người dân háo hức, trông chờ. Bởi nó không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân vào mùa mưa lũ, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Bài, ảnh: THU HIỀN
 


.