"Đội quân tóc dài" vì môi trường...

02:11, 24/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Về Đức Lợi (Mộ Đức) những ngày này, cảnh bờ biển, con đường, góc chợ ứ rác của những năm trước đây đã không còn nữa, mà thay vào đó là một diện mạo nông thôn mới sạch sẽ, thoáng đãng. Có được điều đó là nhờ những phụ nữ  thu gom rác thải của xã  đã góp phần làm cho môi trường ở đây trở nên xanh - sạch - đẹp.

Có một chiếc xe để thu gom rác là niềm mơ ước của người dân Đức Lợi. Vì đã bao năm rồi họ phải chịu cảnh... sống chung với rác. Thế nhưng, vì là một xã ven biển nên ngân sách hằng năm của Đức Lợi hầu hết đều sử dụng vào việc tu bổ bờ kè, chống sạt lở, hỗ trợ ngư dân… Việc đầu tư một chiếc xe thu gom rác đối với xã dường như là điều không thể. Hiểu được cái khó, cái khổ của địa phương, chị Nguyễn Thị Tám (42 tuổi, thôn Kỳ Tân) đã tự nguyện bỏ tiền túi mua chiếc xe tải ba trăm triệu đồng để thu gom rác cho bà con trong xã.

“Đi nhiều nơi, thấy các địa phương khác đều có xe thu gom rác, môi trường sạch đẹp mà xã mình lại không có nên cũng hơi chạnh lòng. Về nhà, mình liền bàn với chồng mua xe đi thu gom rác cho bà con, với suy nghĩ vừa làm sạch môi trường sống của mình, vừa làm đẹp bộ mặt quê hương và tạo công ăn việc làm cho chị em”, chị Tám chia sẻ.

Thế là hơn một năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, 3 người phụ nữ trong đội thu gom rác thải xã Đức Lợi, tuổi đời đã ngấp nghé tứ tuần, cứ 3 giờ rưỡi sáng lại tất bật rong ruổi trên mọi nẻo đường của các thôn An Mô, An Chuẩn, Kỳ Tân, Vinh Phú để thu gom rác. Và khi chiếc xe trọng tải 6 tấn đầy ụ rác thì cũng là lúc công việc của các chị kết thúc. Nhờ đó, môi trường cộng đồng tại xã Đức Lợi hiện nay đã được cải thiện đáng kể, khiến bà con vô cùng phấn khởi.

Đức Lợi với môi trường xanh - sạch - đẹp.
Đức Lợi với môi trường xanh - sạch - đẹp.


“Nhà tôi gần chợ. Trước đây rác thải do buôn bán hải sản đổ đầy ra bốc mùi hôi thối không chịu được, ruồi nhặng bay cả đàn mất vệ sinh lắm! Nhưng từ ngày có chị em trong đội thu gom rác thải, tình trạng đó không còn nữa”, bà Huỳnh Thị Cúc ở thôn Kỳ Tân nói.

Mang lợi ích đến cho cộng đồng là vậy nhưng thu nhập, đời sống của các thành viên trong đội thu gom rác chưa được đảm bảo. Bởi hoạt động đã hơn một năm nay nhưng chưa có tháng nào đội thu gom rác của chị Tám không bị thua lỗ.

“Gần 1.200 hộ gia đình đăng ký thu gom rác, với mức phí 15.000 đồng/hộ/tháng, nhưng chúng tôi chỉ thu về được khoảng 15 triệu đồng/tháng. Vì nhiều khi bà con nói không có tiền đóng rồi khất mãi. Hay các cụ già, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đóng vài ngàn chúng tôi cũng chịu. Tiền lương cho 3 chị trong đội cùng anh tài xế hết 10 triệu đồng, tiền xăng dầu 4 triệu đồng cùng các khoản chi phí phát sinh khác khiến chúng tôi lỗ nặng. Mà khổ là khổ cho các chị, lao động vất vả nhưng cuối tháng chỉ được trả công có 2 triệu đồng”, chị Tám trăn trở.

Bên cạnh đó, không như rác thải thành thị, rác thải nông thôn không chỉ là bao bì, rác thông thường mà còn các thứ “hằm bà lằn”. Đôi khi là cây đu đủ, cây ổi bà con chặt bỏ, đôi khi là cái giường bị gãy, cái tủ hư… khuân vác vật nặng nên cảnh tay chân các chị bầm tím vì va đập là chuyện như cơm bữa. Nhưng các chị không nề hà, vẫn kiên trì gắn bó với cái nghề mà theo lời chị Trần Thị Tuyết – một thành viên khác trong đội là “nghề chưa được xã hội coi trọng”.

Bài, ảnh: THU HIỀN
 


.