Những phụ nữ "sợ nghèo"

01:10, 22/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi gắn với xây dựng gia đình văn hóa. Các mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ ngày càng đa dạng và xuất hiện nhiều gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi.

TIN LIÊN QUAN


Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Trà Bình (Trà Bồng) nên chị Nguyễn Thị Chi (39 tuổi) quanh năm vất vả lo toan mưu sinh. Chị Chi kể,  những năm đầu lập gia đình, cuộc sống hết sức khó khăn, nên nhiều lúc có ý định rời quê hương đi làm ăn xa. Biết hoàn cảnh của chị, nên Hội phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho chị tham gia sinh hoạt hội để học hỏi kinh nghiệm làm ăn của những phụ nữ làm kinh tế giỏi.

 Ngoài trồng trọt, chị Chi còn phát triển chăn nuôi tăng thu nhập cho gia đình.
Ngoài trồng trọt, chị Chi còn phát triển chăn nuôi tăng thu nhập cho gia đình.


Thông qua những buổi sinh hoạt, chị được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt... nên chị ngày càng tự tin hơn trong đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Năm 2002, chị vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện mua 3 con bò. Đến năm 2004, chị  tiếp tục vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ nghèo để mua thêm 2 con bò. Không dừng lại ở đó, chị còn mạnh dạn tham gia vay vốn từ Chương trình WB3 để trồng rừng, kết hợp trồng thanh long ruột đỏ, mì, trồng bắp, đào ao thả cá…Đến nay, gia đình chị sở hữu 6ha keo, 50gốc thanh long ruột đỏ, nuôi 800 con gà, vịt, 7 con bò, 7 con trâu và 1 ao cá… với thu nhập hằng năm gần 100 triệu đồng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị ngày một khấm khá hơn.   

Còn chị Võ Thị Xí (57 tuổi)- Chi hội trưởng phụ nữ Chi hội 1, phường Nguyễn Nghiêm (TP. Quảng Ngãi) trước đây là tiểu thương buôn bán tại chợ Quảng Ngãi. Sau khi chợ cháy, chị mất trắng, số tiền hỗ trợ quá ít ỏi, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên chị không có vốn để tiếp tục buôn bán. Nhờ sự động viên của Hội LHPN phường, chị mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề sang làm dịch vụ nấu đám cưới, tiệc…  

Nhờ sự nỗ lực của bản thân, chị đã xây dựng được thương hiệu “Dịch vụ đám tiệc Xí Trung”. Hiện số vốn của chị đã lên đến hơn 200 triệu đồng, có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ đám tiệc. Hằng tháng chị tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 chị em phụ nữ, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vượt khó làm kinh tế gia đình, bản thân chị còn quan tâm đến công tác xã hội. Trong những chuyến nấu đám, tiệc tại các địa phương trong tỉnh, chị luôn tìm hiểu những hoàn cảnh phụ nữ khó khăn để sau đó vận động chị em và người thân trong gia đình giúp đỡ để họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) rất nhiều người ái mộ chị Từ Thị Tân Anh (53 tuổi). Chị Tân không chỉ biết cách làm giàu cho gia đình mà còn có cái tâm nhân ái, sống hết lòng vì cộng đồng. Chị lập gia đình với anh Đặng Văn Anh năm 1986. Lúc bấy giờ chị là nhân viên của Công ty Thuỷ sản Bình Sơn, còn anh Anh công tác ở một cơ quan nhà nước, nhưng còn trong thời kỳ bao cấp nên cuộc sống bề bộn những khó khăn. Vì lẽ đó, năm 1995 vợ chồng chị cùng nghỉ việc, bắt đầu với nghề kinh doanh thủy sản, cung cấp ngư lưới cụ và các mặt hàng phục vụ đánh bắt thủy sản. Với vốn kiến thức tích lũy trong những năm công tác trong ngành, chị Tân đã tự tin bước vào nghề, mặc dù lúc đầu gặp nhiều khó khăn về nguồn  vốn.

Đến nay, chị cung cấp vốn và đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các tàu cá. Nhờ đó, hằng năm chị chủ động được nguồn cá mua vào và bán ra khoảng 5 nghìn tấn, trừ chi phí còn lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. Khi kinh tế gia đình khá giả, chị bắt đầu giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều chủ tàu lúc hoạn nạn. Cơ sở của chị còn tạo công ăn việc làm cho hơn 50 lao động có hoàn cảnh khó khăn với mức lương trung bình từ 2,5 triệu đồng trở lên/người/tháng.

Đằng sau sự thành công của các chị luôn có những người chồng hết lòng giúp đỡ, ủng hộ cho những việc làm của các chị. Và hơn hết, những đứa con ngoan, học giỏi luôn là niềm động viên tinh thần lớn lao giúp các chị nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.