Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô
Hà Nội và người nhập cư

09:10, 11/10/2014
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Tôi có thể cũng được tính là người nhập cư Hà Nội, dù chỉ trong một khoảng thời gian, khi tôi còn là học sinh phổ thông, là sinh viên sơ tán, và một năm công tác ở Hà Nội trong quân ngũ sau khi ra trường.  Không nhiều lắm, nhưng với tôi, như thế cũng đủ để gắn bó với Hà Nội, để biết yêu Hà Nội bằng tình yêu riêng của mình.

TIN LIÊN QUAN

Những người nhập cư bao giờ cũng là vấn đề của những thành phố lớn, không chỉ của Hà Nội. Ở một số thành phố lớn trên thế giới, người nhập cư đã trở thành một vấn nạn, và người ta tìm nhiều biện pháp để hạn chế người nhập cư, nhất là ở những khu trung tâm, những nội ô.

 


Không phải người ta không biết vai trò quan trọng của người nhập cư trong đời sống và công cuộc xây dựng thành phố, nhưng người ta luôn e ngại những “vấn đề” người nhập cư tạo ra và để lại khi sống trong lòng các thành phố, nhất là các thành phố phát triển, những thủ đô. Tôi đã có lần đến Paris, và đi xem bóng đá Euro (xem qua ti-vi thôi) ở một khu lao động toàn người nhập cư Bồ Đào Nha. Hôm ấy do có trận đấu giữa đội Bồ Đào Nha với đội Nga và tôi muốn xem bóng đá Bồ, xem những thần tượng Luis Figo hay C.Ronaldo trình diễn bóng đá nghệ thuật. Xem cùng với người Bồ, giữa những người Bồ.

Hóa ra, Paris hoa lệ đã dành cho người nhập cư Bồ Đào Nha-họ hầu hết là thợ xây dựng, bên mình gọi là thợ hồ-ở một khu riêng thuộc vùng ngoại ô Bắc Paris. Đó là một khu vực đang phát triển, và nằm ngay dưới đường bay lớn của sân bay Charles De Gaulle. Ở đó gần như 24/24 giờ trong ngày đều phải nghe tiếng máy bay trên đầu mình. Đó chẳng phải điều thú vị gì, nhất là với người già, trẻ con và phụ nữ.

Nhưng người nhập cư Bồ Đào Nha phải chấp nhận môi trường ô nhiễm tiếng ồn đó, nếu họ muốn sống và làm việc ở Paris. Đó chính là sự phân biệt, ở một thủ đô nổi tiếng như Paris.  

Nhưng với Hà Nội, lịch sử người nhập cư lại luôn gắn liền với những thăng trầm của thành phố, với công cuộc kiến tạo và chống ngoại xâm của thành phố, với những vinh quang và cay đắng của thành phố. Hà Nội từ bao đời nay đã là kinh đô của người Việt, đã là biểu tượng cho sự hướng về, sự tập hợp, sự đoàn kết của người Việt, nhất là trước nạn ngoại xâm.

Đó là điểm đặc biệt nhất của Hà Nội, nếu so với nhiều thủ đô lớn trên thế giới. Để chống quân xâm lược, người Hà Nội đã hơn một lần can trường đứng lên đốt cháy những dãy phố của mình, biến chúng thành pháo đài chống giặc. Ngay cách người Hà Nội làm “vườn không nhà trống”, sẵn sàng ra đi sơ tán về những vùng quê, tạo điều kiện cho quân đội đánh thắng giặc, đã cho thấy sự gắn bó máu thịt của người Hà Nội với từng con phố của mình, và không chỉ như thế.

Đó còn là sự gắn bó ruột rà giữa người Hà Nội, quê gốc Hà Nội với những vùng quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ, và sau này, là khắp cả ba miền đất nước. Sau hiệp định Geneve, rất nhiều cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc đã sinh sống và định cư tại Hà Nội. Còn người quê ở miền Bắc thì như những con nước nhỏ tích tụ liên tục về Thủ đô.

Hà Nội đã thay đổi sau những làn sóng người nhập cư. Nhưng bản chất lịch sử của Hà Nội-một thành phố mở- đã khiến nó đón nhận vấn đề người nhập cư một cách cởi mở, ôn hòa, thân thiện. Hà Nội đón người nhập cư như đón những người bà con từ quê ra thành phố, không hề xa lạ. Những kỳ thị, nếu có, chỉ là số ít, và không hề tiêu biểu cho cách sống và cách nhìn nhận người nhập cư của Hà Nội.
   
Hà Nội là một thành phố mở, và nhất định phải là một thành phố mở. Từ nhiều đời, người ở cả đồng bằng Bắc Bộ đã “lên kinh kỳ” để mưu sinh, và “chốt” lại cuộc sống gia đình mình ở đó. Bây giờ cũng vậy. Chính những người nhập cư, từ bao đời, đã góp phần quan trọng nhất làm nên Hà Nội hôm nay. Quan tâm chăm sóc đến đời sống những người nhập cư là việc thành phố Hà Nội phải làm. Bởi hầu hết những người nhập cư vào Hà Nội là những người lao động. Họ phải có được niềm tự hào mình cũng là người Hà Nội.

Như người bố chịu sống ở ống cống mười năm, làm thuê kiếm tiền nuôi con ăn học, và con đậu thủ khoa Đại học Y Hà Nội. Người bố ấy chính là người Hà Nội gốc. Gốc ở lý tưởng sống. Gốc ở niềm tin. Gốc ở sự chịu đựng. Và sao không, gốc ở văn hóa.

Tôi đã có những dịp gặp gỡ và trò chuyện thân tình với nhiều người lao động-đa phần là nông dân-ra Hà Nội kiếm sống. Họ là những người nhập cư vào Hà Nội, dù họ cũng chưa có ý thức đầy đủ về điều này. Chỉ biết là ở quê làm ăn khó khăn, ra Hà Nội làm “thợ đụng” kiếm cơm và gửi tiền về nhà quê nuôi cha mẹ già hay con thơ ăn học. Đơn giản vậy thôi. Nhưng chính những người lao động lương thiện và lặng lẽ ấy đã góp phần quan trọng để Hà Nội có được gương mặt đẹp đẽ như hôm nay. Dù chưa phải đã hoàn hảo.

Những người nhập cư ấy không chỉ đến từ đồng bằng Bắc bộ. Tôi đã gặp những đội thợ xây dựng từ Quảng Nam-Đà Nẵng ra Hà Nội thi công nhiều công trình lớn ở Thủ đô. Họ là những đội thợ xây “hàng hiệu” đã nổi tiếng khắp cả nước về tay nghề. Họ làm việc năng động, tỉ mỉ và cần mẫn. Một số người trong nhiều tốp thợ ấy đã sống và làm việc nhiều năm ở Thủ đô. Và đã định cư ở Hà Nội. Gọi họ là “người Hà Nội” thì chỉ tự hào hơn cho Hà Nội mà thôi. Vì họ là những người thợ giỏi, những công dân tốt. Họ là người lao động.

Hà Nội có thể là thành phố du lịch, dịch vụ. Nhưng nếu không có người lao động, nhất là những người lao động chân tay vất vả cực nhọc làm việc suốt ngày đêm, thì Hà Nội sẽ sống thế nào? Hầu hết những người lao động ấy đều là nông dân, xuất thân từ nông thôn. Và bây giờ, họ là người Hà Nội. Thế thôi./.  
 


.