Không được chủ quan với "giặc lửa"

03:10, 05/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh có những diễn biến hết sức phức tạp. Nhiều gia đình, cơ sở sản xuất và rừng trồng bị cháy gây thiệt hại lớn. Nguyên nhân thì có nhiều, song cơ bản là do nhận thức về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của chính quyền địa phương và người dân còn thấp, chưa thấy hết vai trò của công tác PCCC.

TIN LIÊN QUAN

Vẫn còn chủ quan

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh, nhiều khu dân cư (KDC) mới được hình thành đã tạo cho bộ mặt đô thị trên địa bàn có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, đi cùng với đó là ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người dân còn hạn chế nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Ý thức của người dân về PCCC còn hạn chế, tình trạng thắp nhang, đốt vàng mã ngay tại nơi sản xuất, kinh doanh diễn ra phổ biến và thiếu cảnh giác trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn điện là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy, nổ trong thời gian qua.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy rừng ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh).                  ảnh: BS
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC tham gia chữa cháy rừng ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). ảnh: BS


Để thuận tiện trong buôn bán nhiều gia đình dọc đường Nguyễn Bá Loan, Ngô Quyền và xung quanh các chợ Thu Lộ,  Hàng Rượu, Đồng Cát, Đức Phổ, Sa Huỳnh… đã cơi nới nhà, quán lấn ra cả đường đi để lấy mặt bằng bày bán hàng hóa. Đã vậy, hệ thống điện được đấu nối chằng chịt dễ xảy ra cháy nổ. Điều đáng nói, tình trạng này tồn tại từ rất lâu, nhưng chưa được xử lý.

Chợ tạm Quảng Ngãi có diện tích khoảng 15 ngàn mét vuông, với trên 1.800 ki ốt. Đây là nơi tập trung hàng hóa lớn như quần, áo, giày, dép và các nông sản thực phẩm, phần lớn trong số này đều là những mặt hàng dễ cháy. Thế nhưng các tiểu thương ở đây vẫn còn chủ quan trong công tác PCCC. Một số khu vực có lối đi rộng 8m, nhưng các tiểu thương đã tự ý cơi nới, lấn chiếm, mở rộng các lô sạp của mình làm cho lối đi chỉ còn từ 2-3m, có nơi thậm chí chỉ còn 1m.  Vì thế nếu có sự cố cháy, nổ xảy ra rất khó tiếp cận và chữa cháy.

Hậu quả lớn

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 54 vụ cháy, nổ, làm 1 người chết, thiệt hại hơn 7 tỷ đồng, 25ha rừng bị thiêu rụi. Điển hình là vụ cháy xảy ra vào hồi 1 giờ sáng 13.3, tại Xí nghiệp chế biến gỗ Trung Anh, xã Phổ Hòa (Đức Phổ) làm thiêu rụi 4 chiếc xe máy, hơn 50m3 gỗ thành phẩm, nhà xưởng, phương tiện máy móc và gây hư hại nhiều vật dụng trong gia đình, ước tính thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Và mới đây, trên 30 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC Công an tỉnh đã phải điều động 4 xe chữa cháy đến dập tắt vụ cháy lớn ở cơ sở trữ lốp xe, đế giày, dép và cao su các loại của ông Lê Văn Hân tại KDC Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa). Dù kịp thời dập tắt đám cháy nhưng vụ cháy cũng gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng...

Đường Nguyễn Bá Loan bị  lấn chiếm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Đường Nguyễn Bá Loan bị lấn chiếm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.


Thượng tá Lê Xuân Hưng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh cho biết: Các KDC cũ thiếu hệ thống PCCC đã đành, nhưng các KDC mới cũng không khắc phục được điều này. Như KDC Trường Xuân, khi thiết kế xây dựng, Phòng Cảnh sát PCCC đã góp ý về phương án PCCC, nhưng khi xây dựng, chủ đầu tư không thực hiện theo ý kiến góp ý dẫn đến đường kỹ thuật giữa các phân lô theo quy định rộng tối thiểu 3m, nhưng họ làm quá hẹp. Thêm vào đó là các trụ lấy nước có xây dựng, nhưng đầu van không khớp với đầu nối vòi lấy nước của xe cứu hỏa. Về vấn đề tiểu thương ở chợ tạm Quảng Ngãi tự cơi nới, lấn đường, Phòng đã tham mưu lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP.Quảng Ngãi giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Một vấn đề tồn tại trong công tác PCCC ở cơ sở, nhất là ở các KDC là việc phân cấp quản lý công tác PCCC đến các địa phương rất rõ ràng, nhưng một số nơi, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức, để người dân tự ý xây dựng, cơi nới nhà cửa, hàng quán kinh doanh không đảm bảo quy định về PCCC… Lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ thiếu và yếu. Công tác PCCC được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” nhưng hoạt động của lực lượng tại chỗ chưa hiệu quả. Các bể, bến lấy nước để PCCC cũng chưa được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, mặc dù tỉnh đã ban hành Chỉ thị 13 đã 5 năm rồi. Các trang thiết, bị, phương tiện PCCC vẫn còn thiếu.

Theo Thượng tá Lê Xuân Hưng, để hạn chế nguy cơ cháy nổ, trước hết cần có những quy hoạch phát triển hạ tầng mang tính đồng bộ. Chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật PCCC đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phải thực hiện hiệu quả công tác 4 tại chỗ chuyên nghiệp hơn cả về năng lực và phương tiện chữa cháy, để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra…

Bài, ảnh: Bá Sơn

 


.