Con đường hoàn lương (kỳ 1)

08:10, 28/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã có lúc, cuộc đời của họ chìm trong bóng tối. Nhưng rồi, nhờ sự động viên của gia đình và sự cảm thông của xã hội, họ đã vượt qua mặc cảm để làm người lương thiện. Dẫu con đường hoàn lương không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, họ đã trở thành những công dân có ích cho xã hội.
 

Kỳ 1: Làm lại cuộc đời


Cuộc đời của hai người đàn ông Đồng Trọng Dũ và Nguyễn Văn Mạnh như minh chứng cho lời khẳng định: “Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội”.


Một cuộc đời tái sinh

Sinh ra trong một gia đình không êm ấm, tuổi thơ của Đồng Trọng Dũ (SN 1979), ở tổ 14, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi), là những ngày tháng chứng kiến vô số trận cãi vã của bố mẹ. Khi tổ ấm không còn là chốn đi về, Trọng Dũ liên tục bỏ học, theo đám bạn xấu chơi bời lêu lổng. Lên lớp 9, Dũ bỏ học. Những hình xăm vằn vện bắt đầu làm đổi thay cơ thể Dũ. Kể từ đó, cuộc đời Dũ gắn liền với chuỗi ngày lang bạt ăn công viên, ngủ vỉa hè và vô số những trận ẩu đả giữa các nhóm thanh niên. Chính bảng “thành tích” ấy mà anh được gắn biệt danh “Dũ siêu”. “Thời đó, nghe tên tôi ai cũng sợ”, Dũ kể thật lòng.

 

Lao động khuân vác tuy nặng nhọc, nhưng anh Dũ luôn cảm thấy cuộc sống đầy ý nghĩa.
Lao động khuân vác tuy nặng nhọc, nhưng anh Dũ luôn cảm thấy cuộc sống đầy ý nghĩa.


Đầu năm 2000, trong một cuộc nhậu, rượu vào lời ra, nhóm của Dũ đã gây gổ và đánh một nhóm khác ngay trong quán. Dũ phải trả giá cho hành vi của mình bằng một bản án 36 tháng tù giam. Mãn hạn tù, quay về với “mái nhà xưa”, bóng  tối vẫn bủa vây Dũ, nên suốt ngày anh chỉ biết ngập đầu vào nhậu, ma túy, đánh nhau... Hệ quả đó đã đưa Dũ trở lại trại giam 4 năm 6 tháng cho tội danh chống người thi hành công vụ. “Hồi đó mới ra trại, phần thì buồn chuyện gia đình, phần vì chán nản không có việc làm nên tôi đã tìm đến ma túy hòng quên đi mọi chuyện. Nhưng tôi đã không thể lường hết được tác hại của nó” , Dũ nhớ lại.

Nhưng rồi, trong cái rủi lại có cái may. Chính nhờ thời gian thụ án đủ dài đã giúp Dũ đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”. Và nhờ những lời dạy bảo của cán bộ trại giam đã giúp Dũ dần nhận ra ý nghĩa cuộc đời, tự nhủ với lòng sau khi ra tù sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời. “Lúc ra tù, tôi đã ở tuổi 31. Nhìn lại cuộc đời tôi chẳng có gì ngoài hai bản án phải mang, trong khi bạn bè cùng trang lứa đã có cuộc sống ổn định, nhiều người đã có vợ con”, Dũ nhớ lại. Cũng từ đây, Dũ làm lại cuộc đời mình từ những mảnh ghép cuộc đời bị vỡ. Dũ may mắn gặp được anh Kiệt- một ông chủ của điểm nhận trung chuyển hàng hóa ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa). Dũ đã trải lòng về cuộc đời mình với anh Kiệt và ngỏ ý muốn xin một chân bốc vác để kiếm kế sinh nhai. Và anh Kiệt đã gật đầu khi thấy Dũ chân thành và ăn năn hối cải trước những sai lầm của tuổi trẻ. Đến nay, Dũ đã có thâm niên trong nghề hơn bốn năm và đã tìm được cho mình tổ ấm nhỏ.

Với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng mỗi tháng, Dũ đã có thể tự nuôi sống bản thân và người vợ trẻ cùng với đứa con trai hơn ba tháng tuổi của mình. Dũ tâm sự: “Chính đứa con trai đã cho tôi thấy còn nợ cuộc đời này quá nhiều. Nhìn con lớn lên mỗi ngày, nghe tiếng con cười nói, cùng vợ chăm sóc cho con  mới cảm nhận được hạnh phúc lớn lao mà mình đang có. Giờ chỉ mong muốn lao động chuộc lại những lỗi lầm đã qua và nuôi sống gia đình”.

Trả nợ cuộc đời…

Ngồi nhâm nhi ly cà phê cùng tôi trong quán một buổi chiều trời mưa như trút nước. Bên ngoài đường, bầu trời xám xịt, như cái quãng đời trước đây của Nguyễn Văn Mạnh (34 tuổi), ở tổ 12, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi). Lật từng trang ký ức buồn đến tê tái, Mạnh như đang tiếc nuối một quãng đời tuổi trẻ đẹp nhất đã qua. Tuổi 20, Mạnh lang thang theo đám “anh chị” ở cái thị xã Quảng Ngãi bé nhỏ đi cướp giật, để rồi phải vào tù vì tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Nhưng sau cơn mưa rồi trời cũng sẽ sáng. Mãn hạn tù, Mạnh về nhà tìm kế mưu sinh bằng nghề vệ sĩ, mặc dù đám bạn lêu lổng ngày ấy mãi chèo kéo. Rồi Mạnh được yên bề gia thất cùng người vợ đảm đang. Nhờ đó, Mạnh bắt đầu hành trình “trả nợ” đời khi trở thành “tai, mắt” của các chiến sĩ Công an phường Nghĩa Lộ. Những ngày Mạnh bảo vệ Bệnh viện Đa khoa tỉnh là thời gian anh cung cấp nhiều thông tin quý giá cho Công an phường Nghĩa Lộ về các đối tượng trộm cắp. “Ngày trước lang bạt nhiều, rồi khi ở trại giam va chạm với nhiều hạng người nên bây giờ nhìn nhất cử nhất động của bọn xấu là tôi biết ngay”, Mạnh kể.

Nhiều đêm nằm bên vợ con nhưng anh luôn trằn trọc, suy nghĩ, vì trong đám trẻ trộm cướp ấy dường như luôn có hình ảnh của anh ngày xưa. Anh tự hỏi, biết đâu gia cảnh của chúng cũng đầy rẫy bất hạnh. Báo cho các anh Công an thì tụi nó đối mặt tù tội, còn không thì mình lại tiếp tay cho tội phạm. Và rồi, anh quyết định khuyên nhủ bọn trẻ bằng chính hình ảnh của mình trước khi quyết định gọi điện báo Công an, bởi chỉ có như vậy mới giúp bọn trẻ dừng lại hành vi tội lỗi.

 Bây giờ, Mạnh không còn gắn bó với nghề vệ sĩ mà chọn nghề làm cửa sắt. Bởi theo Mạnh, khi thạo nghề và tích cóp đủ vốn, anh sẽ mở tiệm làm sắt của riêng mình, để một ngày nào đó cơ sở của anh sẽ là điểm dừng chân cho những mảnh đời lầm lỡ làm lại cuộc đời.

Nhắc đến Mạnh, thượng úy Lê Nhất Duy - Phó Trưởng Công an phường Nghĩa Lộ, không khỏi nể phục: “Mạnh là tấm gương sáng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Đóng góp và quyết tâm hoàn lương của anh đã khiến nhiều đứa trẻ hư hỏng quay trở lại con đường lương thiện”. Vâng! Cuộc đời sẽ không phụ bạc bất kỳ một ai, bóng tối rồi cũng sẽ qua đi, bình minh luôn đón chờ phía trước, nếu như ai đó một thời lầm lỗi biết ăn năn hối cải.


PHƯƠNGTRIỀU - LÊ DANH


*Kỳ 2: Bến đỗ cho người hoàn lương


 


.