"Bùa hộ mệnh" của xóm ghe

07:10, 04/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa sự thay đổi chóng mặt của cuộc sống đô thị, từ bao đời nay bà con xóm ghe, thuộc thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) luôn chung sức chung lòng gìn giữ và bảo vệ những lũy tre làng xanh tốt. Bởi từ bao đời nay, cây tre đã góp phần giữ đất, giữ làng và làm nên những vật dụng không thể thiếu đối với người dân.

Xóm ghe nằm dọc theo bờ bắc sông Trà, đoạn giữa chân cầu Trà Khúc 1 và cầu Trà Khúc 2. Bà con ở đây sống chủ yếu phụ thuộc vào nghề sông nước. Hầu như nhà nào cũng sắm một chiếc ghe làm phương tiện để mưu sinh. Vùng trũng thấp nên nỗi ám ảnh mưa lũ luôn hằn sâu trong tâm trí bà con nơi đây.

 

Cây tre đã gắn bó lâu đời với xóm ghe ở thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi)
Cây tre đã gắn bó lâu đời với xóm ghe ở thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi)


Về xóm ghe hầu như ai cũng rất ấn tượng bởi những bụi tre kiên cố được tạo bởi nhiều thân tre gắn kết nhau. Ngồi nghỉ dưới chân cầu Trà Khúc 2 sau khi cắt cỏ cho bò, ông Lê Văn Nhì (50 tuổi) chỉ tay về những bụi tre liên tiếp nhau dọc theo lối đi chung của người dân, nhớ lại: “Chẳng biết những lũy tre này có từ khi nào, lúc tôi còn nhỏ đã cùng đám bạn bày trò chơi bên những đám tre rồi. Nếu không có những bờ tre này che chắn, bảo vệ khỏi nước sông xâm thực, xói lở bờ sông, cản lũ thì có lẽ cả xóm bị “xóa sổ” rồi.

Còn bà Nguyễn Thị Hà (57 tuổi) cho biết, trước khi lấy chồng về xóm ghe này, bà còn nhớ rất rõ những lũy tre cao to đã bao bọc, che chắn cho cả xóm. Trận lũ kinh hoàng năm 1999 và 2013 vừa qua, cả xóm đều bị ngập nặng. Dù người dân bị thiệt hại nặng nề, nhưng nhờ vào những bụi tre đã góp phần cản sức nước, rễ tre giữ đất không bị xói mòn đã hạn chế phần nào tổn thất.

“Cách đây chục năm, người dân cùng nhau trồng thêm những bụi tre mới cùng với cỏ chống xòi mòn. Rễ tre nhiều, lan rộng đã giữ đất lắng lại. Những lũy tre cứ dần dần phát triển thêm tạo thành “bờ đê xanh” cho cả xóm, trải dài chừng một cây số”, ông Nhì cho hay.

Không chỉ là “thành trì” bảo vệ người dân trước nước lũ của sông Trà Khúc, từ bao đời nay, cây tre đã trở thành tài sản vô giá với người dân nghèo xóm ghe. Lũy tre làng đã mang lại bóng mát cho cả khu dân cư. Những lúc rảnh rỗi, bà con trong xóm lại rủ nhau ra ngồi hóng mát, kể chuyện cho nhau nghe dưới bóng tre. Lũ trẻ con thì nối đuôi đùa giỡn, tiếng cười tinh nghịch vang cả một góc xóm.

Bờ tre cũng là “mạch sống” cho người dân nơi đây. Từ tre, người dân đan thành rổ, sàn, dũi để đi bắt con cá, con don, hến mang ra chợ bán. Lá tre và những cành tre khô được làm chất đốt. Tre cũng là vật liệu quan trọng góp phần vào việc dựng nhà cửa của bà con.

Không chỉ có giá trị vật chất, cây tre đã gắn bó như một phần máu thịt với xóm bờ sông. Trong khi với nhiều nơi khác, măng tre là món ăn ngon lạ, thì với người dân nơi đây họ “không dám ăn măng” mà để măng phát triển thành tre. Không ai bảo ai, người dân của xóm đều ý thức bảo vệ lũy tre xanh như tài sản vô giá, bởi những lũy tre xanh này là “bùa hộ mệnh”, bảo vệ xóm ghe từ bao đời nay.
           

Bài, ảnh: Bảo Hòa
 


.