Báo động nạn tự tử ở miền núi

01:10, 31/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ cần xảy ra những xích mích nhỏ trong gia đình, họ có thể tìm đến cái chết. Những cái chết hết sức đau lòng đã và đang xảy ra ở Sơn Tây thời gian qua khiến chính quyền và người dân lo lắng…

TIN LIÊN QUAN

Có chuyện là tìm lá ngón

Cuối tháng 10, những cơn mưa rừng nặng hạt trút nước xối xả, mây đen bao trùm càng làm cho khung cảnh ở khu tái định cư Đak Lang xã Sơn Dung (Sơn Tây) trở nên đượm buồn. Những tiếng khóc vang lên trong ngôi nhà mới vừa xây dựng của đôi vợ chồng trẻ Đinh Văn Sò, khiến nhiều người xót xa.

Là trụ cột trong gia đình, học thức ít nên quanh năm anh Sò chỉ bám rừng, bám rẫy nuôi vợ con. Những tích cóp sau nhiều năm trời lao động, cộng với tiền đền bù từ Dự án thủy điện Đắkđrinh, anh Sò xây dựng ngôi nhà mới khá khang trang. Niềm vui chưa được bao lâu thì chiều 22.10, hàng xóm bàng hoàng phát hiện anh Sò tự tử bằng lá ngón. Dân làng đưa anh đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu, nhưng đã quá muộn!

Lá ngón đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân miền núi.                                                                                                         (Ảnh minh họa)
Lá ngón đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân miền núi. (Ảnh minh họa)


Ngồi bên thi thể chồng, chị Đinh Thị Hãy, khóc thút thít. Chị Hãy cho biết, từ hơn một tuần qua vợ chồng có xảy ra xích mích. “Vợ chồng nào mà không có lúc này lúc kia. Đâu ngờ sáng hôm đó tôi và các con lên rẫy, ảnh ở nhà tự tử bằng lá ngón. Nhà mới xây xong chưa kịp ở mà giờ ảnh mất rồi!. Bốn đứa con tôi giờ mồ côi cha!…” – chị Hãy khóc òa rồi thiếp đi.

Không chỉ anh Sò mà theo người dân địa phương, trong 9 tháng năm 2014 trên địa bàn khu dân cư Nước Lang đã xảy ra 3 trường hợp tự tử bằng lá ngón. Trước đó, em Đinh Văn Sờ, vì bị người thân la rầy nên đã lên rừng tìm lá ngón và kết thúc cuộc đời. Hay vào tháng 6.2014, anh Đinh Văn Phà, vì giận vợ con không lo làm việc mà mãi ở nhà nên cũng đã tìm đến lá ngón. Để giờ ngôi nhà nằm ở cuối khu tái định cư Nước Lang cửa đóng then cài,  khi vợ và các con anh đã bỏ nhà đi đến nơi khác ở. Trước đó người dân thôn Đak Lang bàng hoàng khi hay tin em Đinh Thị Cầm, học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện dùng lá ngón tự vẫn chỉ vì gia đình cấm yêu chàng trai cùng xã.

Theo già làng Đinh Văn Đeo, việc thanh niên trong làng dùng lá ngón để tự vẫn là đáng lo ngại. Bởi không chỉ khiến gia đình họ mất người thân, hàng xóm mất đi láng giềng mà còn ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người dân. “Dùng lá ngón để tự tử vì giận nhau, vì bị cấm đoán chuyện này chuyện kia là không nên. Mình tự tử chết đi cũng không giải quyết được việc gì mà còn làm người thân, làng xóm buồn phiền. Hãy giải quyết mâu thuẫn bằng lời nói, hòa giải đừng nên tìm đến lá ngón!” – già Đeo khuyên.

Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức

Không chỉ tự vẫn bằng lá ngón mà vụ việc anh Đinh Văn Rã, thôn Đak Doa, xã Sơn Liên tự vẫn vào tháng 9.2014 vẫn khiến nhiều người rùng mình và lo lắng. Trước đó, vợ anh là chị Đinh Thị Mép, là cán bộ Hội phụ nữ thôn được xã cử đi học lớp bồi dưỡng ở TP. Quảng Ngãi. Trong lúc trà dư tửu hậu, nghe bạn bè bảo phụ nữ đi xa dễ ngoại tình. Nghe thế nghĩ đến vợ, thế là anh Rã bốc điện thoại điện một mực đòi vợ bỏ lớp học để về nhà. Vì đang theo học nên chị Mép không thể về được. Thế là ở nhà anh Rã tìm cách tự tử. Rất may được hàng xóm phát hiện ngăn cản và đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên tính mạng của anh Rã được an toàn. Giờ dù hạnh phúc bên gia đình nhưng giọng nói của anh không còn rõ như trước do bị ảnh hưởng của vụ tự tử bất thành.

Theo Thượng tá Đinh Quang Ven - Trưởng Công an huyện Sơn Tây, tình trạng người dân tự tử hiện nay có dấu hiệu gia tăng và rất đáng lo ngại. “Nhiều trường hợp sau đó Công an có đến làm việc, tìm hiểu nạn nhân có bị ép làm việc này hay vì nguyên nhân nào khác  thì tuyệt nhiên không có. Họ tự tử là do suy nghĩ nông cạn, tìm đến cái chết để như là giải thoát cho mình vậy” – Thượng tá Ven cho hay.

Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để cho biết, huyện đã chỉ đạo các địa phương cần phải thường xuyên tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động,  nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. “Nhưng cái khó là trình độ dân trí của người dân còn thấp nên mỗi khi có vấn đề là họ không nhận thức được, không phân tích đúng sai nên rất khó khăn. Thời gian tới chúng tôi sẽ yêu cầu các địa phương  phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền không chỉ bằng miệng mà phải có hình ảnh, có dẫn chứng cụ thể để sớm loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, cũng như nâng cao nhận thức cho người dân” – ông Để nói.     
 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.