Ban hành thủ tục hành chính: Để "dễ" cho dân

08:10, 16/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tăng cường kiểm soát việc ban hành thủ tục hành chính (TTHC) hiện nay trên địa bàn tỉnh được xem là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện thành công việc cải cách TTHC.

Nhận diện bất cập


Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho hay: Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát việc ban hành và thực thi TTHC trên địa bàn tỉnh. Đối với các cơ quan giải quyết TTHC cũng đã có hành động tích cực trong cải cách TTHC thuộc phạm vi, địa phương được giao nhiệm vụ quản lý. Theo đó, tổng số TTHC của 3 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã được rà soát công bố hiện có 1.222 thủ tục, trong đó cấp tỉnh 1.016 thủ tục, cấp huyện 96 thủ tục, cấp xã 110 thủ tục.

Bảng thông tin các TTHC được niêm yết tại trụ sở Ban Quản lý KKT Dung Quất.
Bảng thông tin các TTHC được niêm yết tại trụ sở Ban Quản lý KKT Dung Quất.


Hiện nay, công tác ban hành TTHC trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hầu hết UBND các cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đều có ban hành văn bản để quy định về TTHC, dẫn đến TTHC được quy định không có sự thống nhất giữa quy định của Trung ương với địa phương hoặc giữa địa phương này với địa phương khác… Hơn nữa, TTHC thường không quan tâm đến mục tiêu nhằm mang lại sự thuận lợi cho người dân mà thường hay tính toán đến sự thuận lợi của Nhà nước, để dễ kiểm soát, dễ quản lý từ việc ban hành quy định này. Chính điều này đã làm cho TTHC thường gồm rất nhiều loại giấy tờ, trong khi có nhiều vấn đề thuộc về trách nhiệm xác minh của cơ quan có thẩm quyền hoặc chính cơ quan tiếp nhận, giải quyết TTHC buộc phải biết chứ không có quyền yêu cầu người dân phải thực hiện.

Bên cạnh việc ban hành TTHC, cơ quan ban hành không quan tâm đến việc rà soát để đánh giá TTHC đó được thực hiện trong thực tiễn như thế nào, có khả thi hay không, có được xã hội đồng thuận thực hiện không… để sửa đổi hoặc bãi bỏ thủ tục khi nó không còn phù hợp, không còn cần thiết. “Nhiều cơ quan chức năng khi ban hành TTHC không quan tâm đến sự tác động của TTHC vào đời sống xã hội như thế nào, như TTHC này sẽ giải quyết được nhu cầu và mang lại lợi ích gì cho người dân, chi phí thực hiện TTHC cao hay thấp so với kết quả nó mang lại…Nếu những vấn đề này không được xem xét trước khi ban hành thì có thể TTHC sau khi ban hành sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và làm cản trở sự phát triển kinh tế xã hội” - ông Thắng băn khoăn.

Để dân được thuận tiện

Theo ông Thắng, để hạn chế những tồn tại, bất cập trong ban hành TTHC, thì cần đẩy mạnh việc kiểm tra hoạt động ban hành TTHC hiện nay tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Theo quy định của pháp luật thì ở địa phương UBND tỉnh mới có thẩm quyền quy định về TTHC, còn UBND cấp huyện, cấp xã không có thẩm quyền quy định về TTHC và các sở, ban, ngành, cũng như các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không được ban hành văn bản hướng dẫn TTHC trái với quy định, nhất là ban hành hướng dẫn nhưng thực chất là đặt ra quy định, điều kiện về TTHC. “Các sở, ban, ngành khi tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản để quy định về TTHC cần phải đánh giá đầy đủ tác động của TTHC đối với đời sống xã hội, dự kiến chi phí người dân phải tiêu tốn khi thực hiện thủ tục để xác định sự cần thiết hay không cần thiết ban hành thủ tục hành chính, tránh tình trạng ban hành TTHC tràn lan như thời gian vừa qua” - ông Thắng nêu đề xuất.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần thực hiện công khai, minh bạch TTHC từ khâu ban hành cho đến khâu tiếp nhận, giải quyết. Các cơ quan phải thường xuyên cập nhật trình Chủ tịch UBND tỉnh công bố mới, công bố sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ khi quy định về TTHC có sự thay đổi để người dân, tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Việc ban hành TTHC trong một thời điểm, một giai đoạn nhất định không thể dự báo hết được những bất cập có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện. Vì vậy, để TTHC ngày một đơn giản, thuận tiện hơn trong thực hiện, thì các cơ quan nhà nước phải thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện kiến nghị sửa đổi những TTHC có nội dung quy định không phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh công tác truyền thông giúp người dân và tổ chức nắm bắt đầy đủ quyền được yêu cầu cơ quan nhà nước giải quyết TTHC, quyền được giám sát việc tiếp nhận, giải quyết TTHC và quyền được phản ánh, kiến nghị của mình khi phát hiện cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết TTHC không đúng quy định.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU
 


.