Sai phạm trong xây dựng cơ bản ở Tây Trà (kỳ 1)

09:09, 19/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nhiều chương trình, dự án khác nhau được đầu tư để đưa huyện miền núi Tây Trà thoát nghèo. Thế nhưng, chủ đầu tư là UBND huyện, các phòng, ban và UBND các xã lại chưa làm tròn trách nhiệm để xảy ra nhiều sai phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước và bức xúc trong nhân dân.
 

Kỳ 1: Buông lỏng trong quản lý, sử dụng đất


Dân chiếm đất tái định cư (TĐC) để xây dựng nhà ở trái phép, thế nhưng chính quyền lại không hay biết. Việc thực thi các thủ tục hành chính về đất đai, giao rừng, cho thuê rừng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), TĐC, quản lý đầu tư, xây dựng... đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, sai phạm.


Quản lý tái định cư lỏng lẻo

Để đảm bảo cho hàng chục hộ dân thôn Gò Rô, xã Trà Phong có cuộc sống ổn định, năm 2006, huyện Tây Trà đã đầu tư xây dựng khu tái định cư trung tâm huyện nhằm bố trí TĐC cho những hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi. Dự án do Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện làm chủ đầu tư, đã hoàn thành hạng mục san nền, hệ thống điện, nước sinh hoạt... Thế nhưng, đến nay 73 lô đất của khu TĐC lại không có một hộ dân nào nằm trong vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở núi đến ở, mà chủ yếu là những người bên ngoài vào lấn chiếm xây nhà trái phép. Đi dọc con đường ven sông Hà Riềng, là những ngôi nhà tạm bợ, xen lẫn là những ngôi nhà xây kiên cố. Theo ông Hoàng Như Lâm-Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, toàn bộ 73 lô đất trên đã bị 52 hộ dân tự phát đến dựng nhà ở và lấn chiếm.

Nhà xây dựng trái phép trong khu TĐC Trung tâm huyện Tây Trà .
Nhà xây dựng trái phép trong khu TĐC Trung tâm huyện Tây Trà .


“Hiện hồ sơ dự án đã thất lạc nên không có đầy đủ thông tin. Thời gian tới huyện sẽ chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp tục rà soát hồ sơ. Tuy nhiên, do hầu hết các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở không chịu đến nơi TĐC mà chủ yếu là cho bà con của mình đến ở và số khác là tự ý đến chiếm đất làm nhà trái phép. Chúng tôi sẽ tiến hành thu tiền đất đối với những hộ dân chiếm đất ở trái phép. Cái khó là dự án trên do người tiền nhiệm để lại nên chưa thể xử lý được” – ông Lâm nói.

Ngoài khu TĐC trung tâm huyện, từ 2006 đến nay huyện Tây Trà đã đầu tư xây dựng nhiều khu TĐC để bố trí cho người dân trong vùng nguy hiểm. Đến nay, huyện đã bố trí cho 187/342 hộ dân vào ở  9 khu TĐC. Tuy nhiên, hiện có 36 hộ không có tên trong danh sách di dời nhưng vẫn tự ý đến chiếm đất để ở; 13 hộ có tên nhưng chưa vào ở; 17 hộ đã vào ở trong khu TĐC sau thời gian ngắn bỏ về nơi ở cũ hoặc chuyển đi nơi khác sinh sống.

Ngoài ra, khu TĐC Đồi Ma Mùn, xã Trà Lãnh, theo thiết kế chỉ bố trí cho 20 hộ dân đến TĐC. Thế nhưng, đến nay đã có hơn 50 hộ dân đến lấn chiếm, xây dựng nhà ở kiên cố dẫn đến diện tích đất bình quân cho mỗi hộ dân nhỏ hơn thiết kế đã được duyệt. Hạng mục nước sinh hoạt bị hư hỏng không được sửa chữa kịp thời dẫn đến không sử dụng được.

Sai sót trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư

Bên cạnh việc buông lỏng quản lý đất TĐC, thì một số xã và phòng ban trên địa bàn huyện Tây Trà còn để xảy ra những sai phạm khác. Riêng Phòng TN&MT  giải quyết hồ sơ thủ tục về đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất (SDĐ) trong các năm 2010 - 2012 chưa đảm bảo đúng theo quy định. Trong đó, có 3 hồ sơ thiếu trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính, 1 hồ sơ không có bản chính hợp đồng chuyển nhượng quyền SDÐ, 9 hồ sơ thiếu đơn đăng ký biến động về SDÐ và đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 “Nguyên nhân là do từ khi thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, biên chế con người thực hiện nhiệm vụ không đảm bảo theo quy định. Do đó, việc bố trí nhân viên để thực hiện các thủ tục liên quan đến đất chưa đảm bảo. Tuy nhiên, việc ban hành Công văn số 33/TN&MT thu phí thẩm định 20 ngàn đồng/hồ sơ là trái quy định pháp luật tại Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND”, ông Nguyễn Thế Hải - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng TN&MT huyện Tây Trà thừa nhận.

Ngoài ra, việc lập phương án bồi thường GPMB, TĐC từ năm 2010 - 2012, cũng xảy ra nhiều sai sót. Riêng xã Trà Thanh, có 6 phương án thu hồi, GPMB nhưng lại không thực hiện niêm yết công khai chủ trương thu hồi đất. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Tây Trà có 28 phương án, Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện có 25 phương án và Phòng NN&PTNT có 1 phương án, nhưng hầu hết các đơn vị này lại không thực hiện việc lập danh sách đề nghị UBND huyện phê duyệt loại đất, diện tích, chủ sử dụng đối với các thửa đất để áp giá đền bù mà tự ý thực hiện.

Không chỉ các phòng, ban của huyện mà lãnh đạo UBND các xã đại diện chủ đầu tư xây dựng các công trình cũng để xảy ra nhiều sai sót. “Cụ thể 9 xã trên địa bàn huyện đều để xảy ra sai sót trong quá trình quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Nguyên nhân là do năng lực quản lý, trình độ chuyên môn của lãnh đạo UBND các xã còn hạn chế, năng lực kiểm tra, thẩm định yếu nên để xảy ra sai sót. Huyện sẽ yêu cầu các địa phương sửa sai trong thời gian tới”, ông Hoàng Như Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho hay.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

*Kỳ 2: Làm sai vẫn quyết toán


 


.