Nỗi lo từ những chiếc cầu (Kỳ 1)

02:09, 07/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước mùa mưa bão, người dân ở các khu dân cư ở miền núi đang đối diện với nỗi lo thường trực. Đó là họ phải qua sông, suối trên những chiếc cầu không mấy an toàn.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 1: Bấm bụng vượt cầu “tử thần”


Cuối tháng 8 hằng năm, khi mùa mưa lũ cận kề, bà con tại các thôn xóm vùng sâu, vùng xa nơi rẻo cao Tây Trà lại bắt tay vào việc dựng cầu tạm để vượt sông, băng suối. Ọp ẹp, tròng trành, những chiến cầu “tử thần” trở nên nhỏ bé trước con nước dữ của mưa nguồn.


Chênh vênh trên lòng sông đá

Nghe chúng tôi muốn tìm đến thôn Đông, xã Trà Khê (Tây Trà), anh Hồ Văn Linh, ở ngay trung tâm xã dặn dò: “Đường vào thôn hễ mưa là bị sạt nên không quay ra được đâu. May ra chỉ còn cách vượt sông Hà Riềng, qua đến Trà Thanh thì mới ra khỏi thôn được”.

Chiếc cầu treo chênh vênh của người dân thôn Đông, xã Trà Khê, huyện Tây Trà.
Chiếc cầu treo chênh vênh của người dân thôn Đông, xã Trà Khê, huyện Tây Trà.


Từ trung tâm xã Trà Khê, vượt thêm 7km đường đất lầy lội là đến tổ 4, thôn Đông, xã Trà Khê. Gần 20 nóc nhà nằm co cụm ngay mé sông Hà Riềng, còn đất sản xuất lại nằm phía bên kia sông, nên hàng chục hộ dân tổ 3, tổ 4 thôn Đông hợp sức làm cầu tạm vượt sông. Không có nhiều kinh phí để làm cầu, nên người góp cây lồ ô, người góp dây mây rừng…chiếc cầu treo của người dân thôn Đông được xây dựng chỉ bằng những vật liệu thô sơ như thế.

Dài 30m, cách mặt sông gần 10m, chiếc cầu treo được cố định bằng 2 trụ gỗ. Còn phần dây treo, bà con nơi đây dùng mây rừng luồn qua thân cầu rồi cột vào một gốc cây mọc ngay bờ sông. Phía dưới chiếc cầu rộng chưa đầy 2 gang tay là sông Hà Riềng, ngổn ngang đá sỏi. Những phiến đá sắc nhọn dưới chân cầu như “thách thức” bản lĩnh “thép” của những người muốn dùng cầu vượt sông.

Nghe chúng tôi có ý định lên cầu treo, anh Hồ Văn Xuyên, một người dân sống ở tổ 4, thôn Đông can ngăn: “Cầu này, người lạ đi không được đâu. Khó đi lắm! Đi là tự sát đó”. Hiểm nguy luôn cận kề trên thân cầu ọp ẹp, ấy vậy mà hàng chục năm nay, người dân thôn Đông, Trà Khê vẫn dùng cách này để vượt sông.

Khát khao được xây cầu

“Bí” lối qua sông, suối vào mùa mưa lũ, nên trên địa bàn huyện Tây Trà, hiện có đến 15 điểm cầu dân sinh tạm bợ do người dân xây dựng để vượt sông. Không chỉ một, mà nhiều xã còn có từ 2-3 điểm cầu tạm. Như  xã Trà Xinh có đến 3 điểm cầu bắc qua suối La, suối Lang, suối Xoay nằm ở thôn Kem, Trà Veo, Trà Ôi… Xã Trà Nham cũng có 3 điểm cầu ngang qua suối TàWat, suối Duốt ở thôn Trà Cương, Trà Vân, Trà Long…

Với lượng mưa trung bình hằng năm khá lớn, nên nhiều địa phương ở huyện Tây Trà  thường xảy ra lũ quét. Vì thế, việc đi lại bằng cầu tạm bợ, thiếu an toàn để vượt sông có thể đe dọa tính mạng người dân bất cứ lúc nào.  Biết là thế, nhưng người dân nơi đây vẫn phải dựng cầu tạm qua sông để khỏi rơi vào tình trạng bị cô lập khi mùa mưa bão đến. Như trường hợp 33 khẩu của thôn Xanh, xã Trà Trung. Do nhà ở ngăn cách với đường giao thông bởi con suối Nước Biếc, nên đến mùa mưa, khi nước suối dâng cao, thì ngoài việc phải “xé” đường rừng, người dân nơi đây không còn cách nào khác để vượt suối.  

Ông Lê Anh Chiến - Phó Trưởng phòng Kinh tế -hạ tầng huyện Tây Trà trăn trở: “Sau khi kiểm tra, khảo sát những vị trí vượt sông suối ở khu vực có địa hình hiểm trở, chúng tôi nhận thấy việc xây dựng cầu dân sinh để đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông là rất cần thiết và cấp bách”. Tuy nhiên, cũng theo ông Chiến, do nguồn ngân sách của huyện còn hạn chế, nên việc tìm nguồn kinh phí để xây dựng cầu treo, cầu bê tông…vượt sông, suối là một vấn đề nan giải đối với địa phương.

Bài, ảnh: Ý THU


*Kỳ 2: Nơi an tâm, chỗ thấp thỏm


 


.