Nỗi khổ ở xóm Đá Hang

08:09, 25/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù chỉ cách trung tâm xã 3km nhưng nhiều năm qua, người dân xóm Đá Hang, thôn Phú Thuận Tây, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) sống trong tình cảnh “ở không xong, đi cũng chẳng được”.

Lơ lửng tính mạng trên thành cầu

Con đường dẫn vào nhà những hộ dân sống ở xóm Đá Hang phải đi qua cầu Máng bắc ngang kênh Thạch Nham. Trong khi cầu đã xuống cấp từ lâu, hai bên đầu cầu đất thường xuyên bị xói mòn, sụt lún. Mùa nắng, người dân có thể đi lại trong lòng cầu. Nhưng hai bên đầu cầu dốc đứng, hư hỏng, phải quẹo gấp mới có thể chạy xe lên con đường đất dọc bờ kênh để đến các nơi khác. Nhiều người chở hàng hóa hay những bao lúa nặng thường bị tuột dốc dẫn đến té ngã.

 

Vào mùa mưa người dân phải đi trên thành cầu nhỏ hẹp, không có rào chắn bảo vệ nguy hiểm đến tính mạng.
Vào mùa mưa người dân phải đi trên thành cầu nhỏ hẹp, không có rào chắn bảo vệ nguy hiểm đến tính mạng.


Chưa dừng lại ở đó, chỉ cần trời mưa, nước ào ạt từ trên núi Hòn Gai chảy ngập lòng cầu khiến người dân chỉ còn cách đi trên thành cầu với bề mặt rộng 80cm, cách chân cầu khoảng 5m. Trong khi lối đi này không hề có rào chắn bảo vệ hai bên, cộng với nước từ kênh Thạch Nham lênh láng phía dưới, khiến ai cũng cảm thấy lo lắng.  

Ông Lê Thanh Hùng ở xóm Đá Hang, thôn Phú Thuận Tây cho biết: “Người dân ở đây đi lại vất vả lắm! Mùa nắng đi lại đã mệt vì hai đầu cầu xuống cấp, dốc đứng. Còn trời mưa đi lại ai cũng sợ, nhất là nhà nào có con em đi học phải cử người ra dẫn các em đi rồi thấp tha thấp thỏm chờ đến giờ tan học để ra đón về. Mới đây, bà con phải huy động ra đắp đá, đất hai bên đầu cầu chứ hai bên bị xói mòn, sạt lở dữ lắm”. Trời mưa thì bà con phải đi đường vòng lên xã Nghĩa Thọ, rồi xuống xã Nghĩa Thắng mới về đến trung tâm xã Nghĩa Thuận. Hoặc những đường vòng khác xa hơn khoảng chục cây số, ông Hùng cho biết thêm.

Còn bà Nguyễn Thị Thái, xóm Đá Hang cho hay: “Sợ lắm nhưng cũng phải đi thôi, vì tui ở một mình lấy ai mà chở xe máy đi đường vòng xa đến vậy”. Bà Thái tính toán mùa mưa bão này phải trữ mắm để dành ăn, chứ không dám “đánh cược” tính mạng khi đi qua thành cầu để đến chợ.

Gần nguồn nhưng thiếu nước!

Câu chuyện có vẻ như nghịch lý nhưng lại đang xảy ra với bà con nơi đây. Trong khi kênh Thạch Nham chảy ngang qua thôn Phú Thuận Tây nhưng đồng ruộng ở đây cao hơn bờ kênh dẫn đến không thể hưởng lợi từ nước kênh. “Chỉ chục năm trước, bọn tui còn sản xuất đến 3 vụ/năm vì có nguồn nước tự nhiên từ núi chảy xuống. Giờ núi bị cày xới để trồng keo, mưa thì nước ào ào chảy xuống ngập úng hết, trời nắng thì đồng ruộng khô hạn. Những năm gần đây, người dân chỉ có thể làm 1 vụ mùa/năm. Diện tích đồng ruộng bị bỏ hoang khoảng 20 ha, chỉ để cho trâu bò gặm cỏ”, ông Hùng xót xa. Vừa thiếu nước sản xuất, tính chất đất xấu nên dù cố gắng lắm ông Hùng chỉ có thể thu hoạch 5 bao lúa/sào. Còn bà Thái thì vụ mùa mới nhất chỉ gặt được 2 bao/sào.

Bao nhiêu cái khó quấn lấy người dân khi sản xuất gặp nhiều trở ngại vì thiếu nước canh tác, đất xấu, việc đi lại khó khăn, nguy hiểm. Hiện tại nhiều gia đình có con em phải bỏ học và nhiều hộ dân xóm Đá Hang tính đến chuyện chuyển đi nơi khác ở.

“Tuổi già rồi, tôi chỉ mong làm sao người dân được đi lại thuận tiện, an toàn hơn thôi nhất là trước mùa mưa bão sắp đến. Mong có cái trạm bơm để dẫn nước từ kênh về đồng ruộng để bà con cày cấy, đời sống ổn định hơn”, ông Hùng và những người dân khác bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Tôn Long Cần- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thuận cho biết, đã nghe phản ánh của người dân Đá Hang về việc đi lại khó khăn từ những năm trước. UBND xã cũng đã kiến nghị lên cấp trên để tìm cách hỗ trợ người dân đi lại dễ dàng hơn. Đồng thời ông Cần xác nhận những khó khăn của người dân vì thiếu nước cho sản xuất. Sắp tới tại đây sẽ được đầu tư hệ thống bơm nước để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc dẫn nước về đồng ruộng, ông Cần cho biết thêm.
 

Bài, ảnh: Bảo Hòa
 


.