Người dân "ốc đảo" chủ động ứng phó với bão lũ

02:09, 23/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa mưa lũ đã cận kề. Các “ốc đảo” ở xã Bình Dương (Bình Sơn), Tịnh Hà (Sơn Tịnh) có thể bị cô lập bất cứ lúc nào. Người dân ở những nơi này đang tất bật dự trữ lương thực và chuẩn bị ghe thuyền nhằm ứng phó với bão lũ.

TIN LIÊN QUAN

Chúng tôi về thôn Đông Yên 3 xã Bình Dương đúng vào ngày người dân vừa dỡ xong chiếc cầu tạm dài hơn 130m bắc ngang con sông Trà Bồng. Là phương tiện duy nhất để qua sông, nhưng người dân ở đây chẳng thể qua lại khi đến mùa mưa lũ. Ông Phạm Kha cho biết: “Mấy ngày gần đây, nước sông đã dâng lên mấp mé bờ, nước chảy xiết hơn những ngày trước. Vì thế chúng tôi huy động bà con mỗi người một tay cùng nhau gỡ chiếc cầu cất đi để nước khỏi cuốn trôi. Bây giờ, toàn bộ người dân muốn vào xã hay đi qua các thôn khác thì phải đi ghe. Đến tháng 11 âm lịch bà con mới lắp lại chiếc cầu để đi”.

 

Bà Nguyễn Thị Vạn, thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn) cất trữ lương thực trước mùa bão lũ.
Bà Nguyễn Thị Vạn, thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương (Bình Sơn) cất trữ lương thực trước mùa bão lũ.


Không chỉ chủ động trong việc chuẩn bị phương tiện đi lại trong mùa mưa lũ mà hầu hết bà con ở những “ốc đảo” còn dự trữ một nguồn lương thực lớn để “sống chung với lũ”. Dẫn chúng tôi lên căn gác lửng trong nhà, chỉ tay vào 20 bao thóc, bà Nguyễn Thị Vạn, thôn Đông Yên 3, xã Bình Dương cho biết: “Trước kia chủ quan không dự trữ lúa gạo nên lũ về không có gạo ăn. Năm ngoái cả thôn bị cô lập hoàn toàn, không đi đâu được. Thế nên năm nay phải  chủ động dự trữ lúa gạo ngay từ đầu mùa mưa lũ!”.

Còn ông Võ Tấn Luân ở khu chợ Mới, thôn Lâm Lộc, xã Tịnh Hà chia sẻ: “Lũ về là cả vùng này nước chảy xiết lắm. Mọi phương tiện đi lại đều rất khó khăn. Cả khu bị cô lập hoàn toàn nên việc mua lương thực rất khó. Vì thế năm nay cả gia đình tôi đều trữ rất nhiều lúa gạo trong kho, phòng khi mưa lũ lớn có lương thực mà dùng”.

Tinh thần chủ động và sẵn sàng ứng phó với bão lũ của người dân ở những vùng dễ bị cô lập là rất cao. Ghe thuyền đi lại, lương thực, đèn, dầu… cũng như đồ bảo hộ được trang bị kĩ lưỡng. Ngoài ra, các xã luôn tuyên truyền và phổ biến các kĩ năng, kiến thức để bà con nắm rõ và biết cách xử lý khi có bão lũ về bất chợt. Công tác phát thanh và cập nhật thông tin về bão lũ cho bà theo dõi luôn được các địa phương duy trì, thông báo trên các loa phát thanh địa phương.

Bên cạnh đó, các xã đã phổ biến cho người dân phương án phòng, chống lụt bão với phương châm "4 tại chỗ" và "3 sẵn sàng". Theo phương án, mỗi gia đình phải chuẩn bị lương thực, nước uống, thuốc men, đèn dầu trong gia đình ít nhất là 10 ngày. Ông Huỳnh Công Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết: “Bình Dương là  xã mà bốn bên đều bị sông suối bao quanh. Chính vì thế mỗi khi mưa bão về là các thôn trong xã rất dễ bị cô lập. Bà con ở đây có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với bão lũ. Trước mùa bão lũ họ tự giác dự trữ lương thực, cùng nhau huy động để gỡ cầu, chuẩn bị ghe thuyền để đi lại… Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức họp để tuyên truyền, hướng dẫn kĩ lưỡng cách ứng phó với bão lũ cho bà con”.

Cũng như Bình Dương, chính quyền xã Tịnh Hà luôn quan tâm và chủ động chỉ đạo cũng như hướng dẫn cho bà con cách ứng phó trước mùa mưa lũ. Ông Nguyễn Thanh Đình, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà cho biết: “Việc sẵn sàng ứng phó với bão lũ trong thời gian đến là vô cùng quan trọng và cần thiết. Mỗi người dân phải chuẩn bị tinh thần để có thể kịp thời xử lý trong mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bên cạnh đó, UBND xã cũng luôn theo dõi tình hình ở các địa phương để kịp thời di tản dân đến những nơi an toàn nhất”.


    Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.