Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

04:09, 13/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm, tin tưởng.

Hoàn thiện hệ thống giám định tư pháp

Theo thống kê của Sở Tư pháp, hiện nay, Quảng Ngãi có 64 cán bộ giám định tư pháp; trong đó 21 giám định viên tư pháp và 43 người giám định tư pháp theo vụ việc. Đối với công tác giám định pháp y thì có 2 hệ thống giám định pháp y là giám định pháp y y tế (Phòng Giám định pháp y thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và giám định pháp y công an. Giám định pháp y tâm thần do Bệnh viện Tâm thần thực hiện.

 

Hoạt động giám định tư pháp góp phần nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Hoạt động giám định tư pháp góp phần nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.


Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh có cơ sở vật chất, trang thiết bị giám định tương đối hiện đại, triển khai 8 lĩnh vực giám định (tài liệu; dấu vết đường vân; dấu vết cơ học súng, đạn; dấu vết hóa, ma túy; dấu vết sinh vật; ký tự đóng chìm trên vật liệu; pháp y), phục vụ hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Trong thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện công tác giám định tại địa phương, trong đó có quyết định phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2020 và quyết định ban hành quy định chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ, đại học và những người có trình độ sau đại học chuyên ngành y, dược đang công tác tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Để nội dung các quy định của Luật Giám định tư pháp đi vào cuộc sống, thu hút được nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động giám định, góp phần vào việc thực hiện xã hội hóa đối với lĩnh vực giám định tư pháp, Sở Tư pháp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Sự tích cực, chủ động của Sở Tư pháp trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giám định tư pháp thời gian qua đã phần nào củng cố và phát triển hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

Đổi mới cơ chế

Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giám định ở các tổ chức giám định còn thiếu, lạc hậu, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số sở, ngành chuyên môn chưa quan tâm đến công tác giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, đơn vị mình, nên chưa đề nghị công bố người làm giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực ngành mình quản lý, kinh phí đầu tư cho hoạt động giám định tư pháp chưa được quan tâm thỏa đáng. Mặt khác, cơ chế pháp luật về hoạt động giám định tư pháp chưa đồng bộ, thống nhất, nhất là cơ chế quản lý nhà nước, quản lý chuyên môn đã gây khó khăn cho hoạt động giám định tư pháp phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.

Trong điều kiện nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh còn thiếu và hạn chế về chuyên môn, UBND tỉnh đã chỉ đạo, định hướng và có những đảm bảo về tổ chức bộ máy, kinh phí, cơ sở vật chất để hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh đáp ứng được cơ bản nhu cầu của xã hội. Đồng thời, thường xuyên cử các giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp và các chức danh tiến hành tố tụng tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp…

Các lĩnh vực về giám định tư pháp được mở rộng, phát triển ở nhiều ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, giúp hoạt động xét xử khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Bài, ảnh: THANH-TRIỀU

 


.