Kiểm tra công tác PCLB&TKCN: Còn nhiều việc phải làm

09:09, 11/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ lâu, các hồ thủy điện là những túi nước khổng lồ khiến người dân vùng hạ du thấp thỏm, lo âu mỗi khi mưa bão về. Biết thế, nhưng phương án đảm bảo an toàn người dân vùng hạ du vẫn chưa được Ban quản lý (BQL) các hồ thủy điện quan tâm, chú ý một cách đúng mức.  

TIN LIÊN QUAN

Trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) tại hai huyện Tây Trà, Trà Bồng vừa qua, BCH PCLB&TKCN tỉnh không khỏi bất ngờ trước sự chủ quan, thiếu sót của BQL hồ thủy điện Hà Nang khi mà hiện giờ, phương án đảm bảo an toàn người dân vùng hạ du của đơn vị này vẫn chưa được phê duyệt hoặc thiếu trang thiết bị và phương tiện ứng cứu sự cố ngay tại hồ…

Mong manh “túi” nước trên non

Trực tiếp kiểm tra một số hạng mục như đập, tràn xả lũ cũng như công tác chuẩn bị hậu cần, phương tiện và thiết bị PCLB ngay tại hồ thủy điện Hà Nang, Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Phó trưởng BCH PCLB&TKCN tỉnh Dương Văn Tô nhận định: “Dường như đơn vị này vẫn chưa sẵn sàng với việc ứng phó PCLB”. Dẫn chứng, ông Tô “điểm” những tồn tại của hồ thủy điện Hà Nang. Nào là đường cơ động vào hồ vẫn chưa được tu sửa khiến việc đi lại vô cùng khó khăn; cây cối mục nát nằm chi chít trong lòng hồ, ảnh hưởng đến việc lưu chuyển dòng chảy và sự an toàn của tràn, đập nhưng chưa được vệ sinh dọn dẹp; dù an toàn đập đã được kiểm định nhưng vẫn xảy ra tình trạng thấm lậu nước ở phía tây thân đập.

 

BCH PCLB&TKCN tỉnh kiểm tra tại hồ thủy điện Hà Nang.
BCH PCLB&TKCN tỉnh kiểm tra tại hồ thủy điện Hà Nang.



Đặc biệt, BQL hồ thủy điện Hà Nang chưa tổ chức diễn tập phương án PCLB, ứng cứu khi xảy ra sự cố, bão lũ; chưa xác định mức độ ngập lũ vùng hạ du ứng với lưu lượng nước qua tràn cũng như không lắp đặt thiết bị đo mưa tại hồ dù việc này đã được ngành chức năng nhắc nhở từ năm 2012.  

Điều quan ngại nữa là, mùa mưa bão đã đến, phương án đảm bảo an toàn đập cũng được phê duyệt nhưng ngay tại hồ thủy điện Hà Nang, chúng tôi không khỏi giật mình trước sự vắng lặng của nó. Đó là nhà trực thì cửa đóng then cài, còn phương tiện, vật tư (cọc, rọ đá, bao tải, đất, xe…) vẫn chưa được tập kết về hồ. Đơn vị này lại đắp con đường ngay trước cửa tràn xả lũ khiến ai nấy đều ngần ngại vì cao trình đường cao hơn ngưỡng tràn. Lý giải tình trạng này, lãnh đạo BQL hồ thủy điện Hà Nang cho rằng “đường là đắp tạm để giúp xe qua lại, còn hậu cần, phương tiện, thiết bị PCLB sẽ được đơn vị vận chuyển vào khi… nghe tin có mưa, bão!”. Tuy nhiên, giải thích này vấp phải sự phản ứng của các thành viên BCH PCLB&TKCN tỉnh. Bởi trời nắng đường khô cũng phải mất hơn 40 phút mới “bò” được tới hồ, liệu khi mưa bão, việc vận chuyển và ứng cứu có kịp thời?

“Tuyệt đối đảm bảo tính mạng, tài sản người dân”

Đó là ý kiến của Phó trưởng BCH PCLB&TKCN tỉnh Dương Văn Tô sau khi kiểm tra phương án PCLB&TKCN hai huyện Tây Trà và Trà Bồng. Bởi hai địa phương trên có địa hình hiểm trở, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét lại có nhiều điểm nguy cơ xảy ra sạt lở núi, sông, suối; vùng chia cắt rộng; tỷ lệ nhà kiên cố thấp…nên việc ứng phó với bão lũ là vô cùng khó khăn. Do đó, “với những vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt lâu thì ngay từ bây giờ, huyện nên chủ động rà soát mức độ thiếu đói của người dân, rồi chọn địa điểm để chuyển “gửi” lương thực, thực phẩm, dầu hỏa. Đồng thời kiểm tra phương tiện, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc để tránh xảy ra tình trạng “khi cần lại hỏng”, ông Tô nhấn mạnh.

Tuy nhiên vấn đề nan giải của huyện Trà Bồng và Tây Trà là “biện pháp ứng phó với bão cũng như liên đới chấn động động đất từ Thủy điện sông Gianh (Quảng Nam)”. Lý do, trên 95% nhà của người dân thuộc diện cấp 4 nên khi có bão, việc tránh trú sẽ rất khó khăn. Đấy là chưa kể đến trường hợp Thủy điện sông Gianh xảy ra liên đới chấn động trong mùa mưa bão-lúc các hồ thủy điện, hồ chứa nước (HCN) đều đầy nước thì phương án ứng phó và di dời dân như thế nào?

Điều lo âu nữa khi Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Văn Sương thông báo trên địa bàn có hồ chứa nước Vực Thành với đập đất cao đến 23m. Thế nhưng khi có mưa lớn, đường phục vụ ứng cứu duy nhất vào hồ lại…tắc (do đập Đồng Quang bị ngập). Ông Sương kiến nghị, “cấp trên nên sớm xem xét hỗ trợ dân xây dựng hầm trú bão, cũng như đầu tư nâng cấp đường vào HCN Vực Thành. Nếu không khi hồ xảy ra sự cố, hàng trăm hộ dân vùng hạ du sẽ vô cùng nguy hiểm vì…bị động”.     
    

Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.