Đưa pháp luật về với đồng bào vùng cao

09:09, 19/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở các huyện miền núi trong tỉnh, hầu hết người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều huyện có 100% xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức trên 50%. Trình độ dân trí thấp, không đồng đều, trình độ cán bộ cấp xã, thôn năng lực còn nhiều hạn chế… Đây là những khó khăn lớn trong công tác tuyên truyền, đưa pháp luật về cơ sở. Tuy nhiên, bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, pháp luật đã được đưa về đến từng thôn, xã, vào từng nhà dân.


Sáng tạo và thiết thực

Trong thời gian qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) đã đưa các trợ giúp viên tỏa về các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh để phổ biến một số chuyên đề pháp luật thiết thực cho đồng bào, như: Hôn nhân gia đình, hộ tịch và đất đai. Bên cạnh đó, các trợ giúp viên còn thực hiện tư vấn pháp luật cho bà con có yêu cầu trợ giúp pháp lý. Ông Bùi Phú Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý, cho hay: Nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân các huyện miền núi là rất cao. Rất nhiều vướng mắc về mặt pháp luật như các vấn đề về đăng ký quyền sử dụng đất và thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai luôn được bà con quan tâm tìm hiểu.

 

Cán bộ và người dân huyện Sơn Hà tham gia một buổi phổ biến giáo dục pháp luật.
Cán bộ và người dân huyện Sơn Hà tham gia một buổi phổ biến giáo dục pháp luật.


Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã tổ chức được 5 đợt trợ giúp pháp lý lưu động có sử dụng máy chiếu. Thông qua hình thức này, các trợ giúp viên nhận thấy hiệu quả rõ rệt từ việc áp dụng công nghệ cho việc tuyên truyền pháp luật. Nhiều nội dung rất hấp dẫn, thiết thực, dễ hiểu, có tính giáo dục cao. Đó là trong nội dung từng luật có minh họa bằng hình ảnh.

Những hình ảnh đó được ghi lại tại các vụ xử án của tòa án huyện mà đối tượng vi phạm pháp luật là người địa phương. Vì vậy, tính giáo dục rất cao. Với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cách tuyên truyền này phù hợp và hiệu quả. So với cách thức hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động trước đây, người dân rất ngại hỏi, khiến buổi trợ giúp pháp lý lưu động chưa thật sự hiệu quả. Khi sử dụng máy chiếu, bằng những hình ảnh minh họa sinh động và tranh biếm họa, đã giúp cho người dân có cách tiếp cận với pháp luật mới, góp phần nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân.

Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền

Theo ông Bùi Phú Vũ, trong thời gian đến, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh sẽ tiếp tục đa dạng hóa và đổi mới cách thức thực hiện, phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của từng đơn vị, địa phương, cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, đồng bào dân tộc thiểu số thuận lợi trong việc tiếp cận, tìm hiểu pháp luật. Các trợ giúp viên sẽ chú trọng tuyên truyền miệng qua các hoạt động văn hoá, lễ hội, tuyên truyền lưu động; phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, chú trọng phổ biến qua mạng lưới truyền thanh cơ sở phát bằng nhiều thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn) vào thời gian thích hợp để đồng bào dễ dàng nghe và tiếp thu được; biên dịch và chuyển thể nội dung những nguyên tắc chung, cơ bản của pháp luật, những quy định của pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày sang tiếng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số và dưới dạng lời nói vần tương tự như hình thức thể hiện và lưu truyền các luật tục để truyền bá rộng rãi trong đồng bào. Trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật cũng cần đề cao vai trò, uy tín của các già làng có uy tín, trưởng thôn, cán bộ hoà giải vì những người này có thuận lợi là biết ngôn ngữ, lại am hiểu phong tục tập quán, đặc điểm đời sống của đồng bào nên việc tuyên truyền của họ sẽ có hiệu quả hơn.

Bài, ảnh: ĐÌNH NGUYÊN

 


.