Sức sống ở một vùng quê

01:08, 29/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thôn An Mô, xã Đức Lợi (Mộ Đức) - vùng đất “đầu sóng ngọn gió” này từng là căn cứ cách mạng, bị địch biến thành vành đai trắng. Sau ngày miền Nam giải phóng, người dân trở về làng, đồng lòng chịu thương, chịu khó, nỗ lực khai hoang, phục hóa biến mảnh đất hoang tàn An Mô thành làng rau trù phú, xanh mát quanh năm.

Căn cứ cách mạng năm xưa

Cụ ông Lê Minh Tân (người thôn An Mô) năm nay đã 84 tuổi vẫn nhớ như in lịch sử quê hương của mình. Ông Tân tự hào cho biết, những năm 1964 - 1975, An Mô là căn cứ cách mạng bảo vệ lực lượng chủ lực và địa phương, nuôi giữ cán bộ, du kích, các đội công tác của cách mạng và là bàn đạp để giải phóng vùng Đông Tư Nghĩa.

Cổng chào thôn An Mô do những người con xa quê đóng góp xây dựng.
Cổng chào thôn An Mô do những người con xa quê đóng góp xây dựng.


Ông Lê Minh Tân nhớ lại khi đang là Xã đội trưởng Đức Lợi: Một buổi sáng vào năm 1968, có 7 tiểu đoàn của ngụy tấn công vào làng An Mô. Máy bay của địch rà khắp nơi, tiếng gầm rú của động cơ vang trời. Dù địch được trang bị vũ khí, với thế và lực đông, mạnh nhưng địch vẫn không thể nào tiến được vào làng, vì quân ta có đặc công của đơn vị 81 và lực lượng địa phương anh dũng đánh trả. Quân ta đánh thắng trận ấy, ước tính số địch thiệt hại bằng một tiểu đoàn. Ông Tân bảo, trận thắng ấy nhờ được nhân dân phát hiện địch sắp tấn công đã lập tức báo tin về. Bộ đội ta dàn quân tại các công sự, luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trận đánh kéo dài từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, địch thiệt hại nặng nề, phải tháo chạy.

Để thực hiện âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh”, đầu năm 1969, Mỹ tập trung toàn bộ lực lượng quân ngụy, có cố vấn Mỹ liên tiếp tổ chức các cuộc hành quân, đóng chốt thêm một số điểm. Tại Đức Lợi, địch đóng thêm một số điểm tại Kỳ Tân, An Chuẩn gây cho dân quân địa phương nhiều khó khăn. Năm 1970, quân địch tập trung 40 xe ủi, máy cày ủi phát quang, thả bom xăng mục đích biến thôn An Mô thành vành đai trắng. Cả một vùng đất không còn bờ cây ngọn cỏ nào. Dù trong nguy hiểm, lực lượng địa phương vẫn đứng vững, không hề nao núng bám sát địch đến cùng.

Huy  động sức dân xây dựng quê hương

Trong cuộc chiến chống Mỹ ngụy, nhân dân An Mô đã đóng góp sức người sức của nuôi giấu cán bộ, du kích. Người dân thành lập các tổ liên lạc hợp pháp để nắm tình hình địch hàng ngày, ban đêm đặt các tín hiệu báo tin cho các đoàn công tác lên, xuống đánh địch. Lòng dân luôn sẵn sàng chiến đấu trong những trận càn quét lấn chiếm của địch.

Người dân đi làm đồng từ lúc tờ mờ sáng hoặc thâu đêm để tránh máy bay địch. Hạt thóc củ khoai làm ra chẳng những thấm mồ hôi mà còn thấm cả máu của người lao động. Đi đôi với sản xuất, nhân dân triệt để thực hành tiết kiệm, trồng thêm hoa màu. Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tiết kiệm, phát huy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái lẫn nhau đã góp phần phục vụ cho chiến đấu.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng đất An Mô chứa đầy bom, mìn do địch để lại. Bà con khai hoang, phục hóa, đào, gỡ bom mìn lấy đất sản xuất. Nằm tại vùng “cuối nước ngọt, đầu nước mặn”, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, người dân An Mô bao đời chăm chỉ làm ăn đã biến vùng đất này thành một làng rau trù phú. Nhà nhà đều có một mảnh đất để chăm bón, là nơi cung cấp rau xanh cho địa phương và các vùng lân cận.

Đi qua thời chiến đến thời bình, sức mạnh nhân dân luôn được phát huy trong việc xây dựng quê hương ngày một phát triển. Người dân đóng góp xây dựng các nhà tình thương, nhà văn hóa cho địa phương, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, tiêu biểu như hộ bà Bùi Thị Hỉ, ông Võ Dân... 100% con em được phổ cập giáo dục THCS.

Ông Trần Văn Thú- Trưởng thôn An Mô cho biết, dù hoàn cảnh khó khăn, nhiều hộ gia đình vẫn nuôi con ăn học, thi đỗ đại học trở thành những tấm gương sáng về gia đình hiếu học tiêu biểu như hộ ông Lê Hoàng Minh (2 con đậu đại học, 1 người con có bằng tiến sĩ), hộ ông Bùi Minh Tịnh (4 con thi đỗ đại học), ông Huỳnh Hà (3 con học đại học)... Cuốn sổ “Tấm lòng vàng” của địa phương ngày càng dày lên bởi nhiều đóng góp của con em đi làm ăn xa luôn hướng về quê hương như đóng góp làm nhà văn hóa, xây dựng cổng làng...

Đến An Mô hôm nay, có thể tận mắt chứng kiến những lũy tre làng được bà con bao đời gìn giữ. Những lũy tre như bao bọc xóm làng lại với nhau tránh khỏi sạt lở do nước biển xâm thực, thiên tai lũ lụt. Thân tre nhỏ, vươn dài trong gió có sức sống mãnh liệt như chính người dân nơi đây, dù còn nhiều khó khăn vẫn đoàn kết, gắn bó đi lên.

Bài, ảnh: Bảo Hòa
 


.