Sẽ không dùng cơm gạo ủ, gạo mốc

07:08, 28/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để từng bước ngăn chặn Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, huyện Ba Tơ đã tiến hành cấp gạo trắng cho người dân các xã Ba Điền, Ba Tô và  Ba Nam. Bên cạnh đó, huyện Ba Tơ còn tập trung tuyên truyền, vận động để người dân tiến tới chỉ sử dụng gạo trắng, không còn dùng gạo ủ, gạo mốc.

TIN LIÊN QUAN

Niềm vui khi được ăn gạo trắng

Bước vào vụ gieo sạ năm nay, gia đình chị Phạm Thị Ly, thôn Làng Rêu, xã Ba Điền (Ba Tơ) rất phấn khởi vì lúa đạt năng suất cao khi dùng giống mới. Những năm trước kia, với 1 sào ruộng như mọi năm, chị thu hoạch chưa đến 7 bao lúa (loại 50kg), thì nay đã tăng gần 10 bao lúa. Ngoài ra, cán bộ Trạm Khuyến nông còn ra tận ruộng hướng dẫn bà con làm sạch lúa ngay ngoài đồng. Chị Ly hồ hởi nói: Khi chưa được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách bảo quản lúa, người dân ở đây không phơi. Khi đó, bà con chỉ biết đưa lúa từ ruộng đem về nhà rồi cất vào chòi theo phong tục của người Hrê. Bây giờ thì ai cũng biết dùng tấm bạt để phơi lúa đủ ba nắng cho khô xong rồi mới cất trong chòi.

Người dân xã Ba Điền (Ba Tơ) dùng bạt phơi lúa khô trước khi cất vào chòi.
Người dân xã Ba Điền (Ba Tơ) dùng bạt phơi lúa khô trước khi cất vào chòi.


Tương tự gia đình chị Lý, bà Phạm Thị Sái (xã Ba Nam, Ba Tơ) cũng đã dần sử dụng gạo trắng trong bữa ăn hằng ngày của gia đình mình. Ngày trước, gia đình bà Sái gặt lúa về là cho ngay vào chòi, khi nào ăn mới lấy ra phơi, đi xay nên gạo bị ẩm mốc, kém chất lượng. Sau khi thực hiện đúng chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông, bà Sái thấy hạt gạo trắng hơn, chứ không còn bị đen như trước.

Từ khi được Nhà nước hỗ trợ gạo trắng, và chủ động được nguồn gạo sạch, người dân xã Ba Tô nấu cơm thấy thơm ngon không có mùi ẩm mốc như gạo ủ. Không ai bảo ai, các gia đình ở Ba Tô từ đó mỗi khi thu hoạch lúa về là đem phơi thật khô và đóng vào bao bảo quản nơi khô ráo. Vì vậy, cùng với gạo trắng do Nhà nước cấp, cộng với lúa thu hoạch được, các gia đình đã có đủ gạo trắng để ăn. Anh Phạm Văn Thới, thôn Mô Lang, xã Ba Tô (Ba Tơ) cho biết: Trước kia, bà con ăn toàn là gạo ủ, gạo đen nên mới dễ mắc bệnh. Bây giờ được Nhà nước cấp gạo trắng để ăn, bà con rất vui. Từ đó, mọi người đều “bắt chước” để sản xuất được gạo trắng dự trữ trong gia đình.

Chủ động nguồn cung

Theo khảo sát của các chuyên gia đầu ngành Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng viên da dày sừng bàn tay bàn chân ở các địa phương huyện Ba Tơ có thể là do độc tố Aflatoxin. Độc tố này xuất hiện khi người dân ăn gạo ủ, gạo mốc. Do đó, Nhà nước đã tổ chức nhiều đợt cấp gạo trắng cho nhân dân. Nhưng việc cấp gạo chỉ là giải pháp tạm thời, hiệu quả lâu dài cần có những giải pháp thay đổi dần tập quán của người dân trong việc dùng gạo mốc, gạo ủ thay vào đó là tự sản xuất gạo sạch dùng hàng ngày để bảo vệ sức khỏe. Trước thực tế này, huyện Ba Tơ triển khai chương trình hỗ trợ nhân dân Ba Điền canh tác bằng giống lúa mới, hướng dẫn phương pháp thu hoạch và bảo quản nhằm nâng cao chất lượng gạo. Năm 2013, huyện Ba Tơ đã hỗ trợ giống lúa mới như: KD đột biến, ĐV108, TH6, DDH815-6 cho nhân dân thay thế giống lúa đỏ cũ mà người dân lâu nay vẫn sử dụng.

Thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho gần 400 người dân xã Ba Điền, để hướng dẫn kỹ thuật bảo quản nông sản cho nông dân, trang bị những kiến thức bảo quản nông sản khỏi bị mốc sau thu hoạch, đặc biệt là lúa. Trạm Khuyến nông huyện cũng đã phối hợp với các trưởng thôn và UBND xã Ba Điền tiến hành đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn nông dân thực hiện tốt vấn đề đem lúa đã ủ ra phơi. Nhờ đó, qua khảo sát đã có 100% hộ nông dân đều phơi lúa từ 2 - 3 nắng mới đem cất.

Ông Nguyễn Anh Khoa - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền, cho biết: Thay đổi rõ rệt nhất là bà con đã biết áp dụng những quy trình của khoa học kỹ thuật như: Gieo sạ, bón phân, phun thuốc trừ sâu hay phòng trừ dịch bệnh. Sau khi thu hoạch, người dân đã phơi tại chỗ và biết bảo quản đúng cách. Đây là những thay đổi tích cực trong tập quán sinh hoạt của đồng bào Hrê.

Bác sĩ Đặng Thị Phượng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, cho biết: Gạo ẩm mốc cũng là một trong những nguyên nhân gây nên Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, nên thời gian qua các cấp, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ gạo cho người dân. Đây cũng là một trong những can thiệp tại cộng đồng, làm giảm tỷ lệ mắc Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Nhưng về lâu dài, mong các ngành chức năng hỗ trợ người dân trong việc bảo quản lương thực, tạo thói quen cho người dân miền núi dùng gạo trắng để đảm bảo sức khỏe.

Bài, ảnh: NG.TRIỀU – TR.CHI
 


.