Mưu sinh bên cạnh "tử thần"

09:08, 19/08/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Chỉ cần một bình ắc quy 12V, cộng thêm bộ kích điện, một cái vợt tự chế và dụng cụ đựng cá, tôm là đã đủ bộ đồ nghề của một người đi bắt cá, tôm bằng kích điện. Mặc dù, đây là hành vi bị cấm, thế nhưng đối với một số người dân thì việc đánh bắt tôm, cá  bằng kích điện là một nghề “kiếm cơm” hàng ngày của họ.

TIN LIÊN QUAN

Dạo quanh khu vực đầm nước mặn ở xã Bình Châu (Bình Sơn), Tịnh Hòa, Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi)... khi thủy triều xuống không khó để chúng ta bắt gặp những người dân, trong đó đa số là chị em phụ nữ dùng kích điện để đánh bắt các loại thủy sản. 
 
“Đồ nghề” nghề khá đơn giản, chỉ gồm một cái thau nhựa lớn để chứa một bình ắc quy khoảng 12V, bộ kích điện cùng chiếc vợt tự chế loại lớn có cán dài đẩy đi dưới nước. 
 
Qua quan sát của chúng tôi, việc sử dụng bộ kích điện để đánh cá khá đơn giản. Khi nguồn điện từ bình ắc quy nối với bộ kích điện gắn vào vợt  nhúng xuống nước, các loài thủy sinh ở gần đó bị điện giật chết nổi lên. Lúc đó, chỉ cần dùng vợt  người ta có thể thu về “chiến lợi phẩm” là các loài thủy sản lớn, bé. Tầm sát thương của công cụ này khá rộng từ 1-2m, người dùng lại có thể len lỏi cơ động vào các ngóc ngách để hành nghề.
 
Bất chấp nguy hiểm, không ít người dân lấy nghề kích điện làm công việc để mưu sinh
Bất chấp nguy hiểm, không ít người dân dùng kích điện để mưu sinh.
 
Hành nghề kích điện đã được hơn 2 năm nay, chị Ngoan ở xã Tịnh Hòa chia sẻ: Chúng tôi chủ yếu dùng vợt có gắn nguồn điện để đánh bắt tôm. Cái này đánh bắt tôm hiệu quả lắm. Nói đoạn, chị đưa cái vợt dẫn điện tự chế xuống nước. Bộ kích điện phát ra những tiếng rè rè... Dưới nước, những nơi chị đưa vợt đi qua các loại tôm, cá lớn nhỏ trong phạm vi ảnh hưởng của nguồn điện phát ra đều nổi bồng bềnh lên mặt nước và trôi vào vợt.
 
Chúng tôi thắc mắc: "Chị đi dưới nước như vậy không sợ bị điện giật à?". Đáp lại sự thắc mắc của chúng tôi, chị Ngoan cho rằng, đôi lúc cũng bị giật điện chứ, nhưng may mắn là chưa bị sao, biết là rất nguy hiểm nhưng vì cuộc sống khó khăn nên mình cũng đành... liều”.
 
"Nhờ nghề này mà mỗi ngày tôi cũng kiếm được 80 - 100 nghìn đồng để trang trải cuộc sống gia đình"- chị Ngoan cho hay.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số những người dân hành nghề này là những lao động thuộc diện cuộc sống còn khó khăn. Khi được hỏi, hầu hết họ đều biết cách khai thác này sẽ gây hại cho môi trường và đi ngược với quy định pháp luật. 
 
"Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cũng nhiều lần cảnh báo, cũng như cấm sử dụng phương pháp đánh bắt này, nhưng vì miếng cơm manh áo, chúng tôi đành lờ đi để mưu sinh, nuôi sống gia đình"- chị Thương- một người hành nghề này lâu năm cho hay. 
 
Nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại môi trường, theo Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 2.1.1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Trong đó, nêu rõ, "Sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản là hành động hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh và gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản" và "Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản ở tất cả các vùng nước”. Tuy nhiên cho đến nay, ở nhiều nơi việc chấp hành pháp luật vẫn còn chưa nghiêm.
 
Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại môi trường và các tai nạn đáng tiếc xảy ra
Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại môi trường và các tai nạn đáng tiếc xảy ra
 
Thực tế cho thấy, từ sự chủ quan, bất chấp nguy hiểm và cảnh báo của chính của chính quyền địa phương cũng như pháp luật không cho phép sử dụng hình thức đánh bắt này, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì món lợi trước mắt, tình trạng đánh bắt thủy sản bằng phương pháp kích điện vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Thời gian qua, đã có không ít cái chết thương tâm đã xảy ra khi người đi kích điện bị điện giật. 
 
Từ những hậu quả gây ra đối với môi trường thủy sinh và con người, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng ở các địa phương cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, phân tích những tác hại, nguy hiểm từ hình thức đánh bắt thủy sản bằng phương pháp dùng kích điện nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại môi trường và ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời, cần quyết liệt hơn trong việc kiểm tra,  xử lý những hành vi vi phạm theo quy định. 
 
 
Bảo Ngọc
 
 

.