Điểm tựa của nạn nhân da cam

03:08, 10/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin (NNCĐDC) Quảng Ngãi luôn là điểm tựa của nạn nhân da cam, giúp  họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.   

TIN LIÊN QUAN

Chăm lo đời sống vật chất

Dù căn nhà đang xây dựng dang dở nhưng ông Nguyễn Tiến Lực ở xã Phổ Quang (Đức Phổ) vẫn vui mừng khôn xiết. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt rắn rỏi, ông Lực, kể: Mình đi bộ đội bị nhiễm chất độc da cam. Cái thứ đó phá hoại cơ thể dữ lắm nên sức lực ngày một giảm dần, nên không xây được cái nhà cho vợ con ở đàng hoàng. Nhưng rồi may mắn được Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, Hội NNCĐDC tỉnh hỗ trợ gia đình ông 50 triệu đồng và được các con góp thêm nên mới xây được căn nhà thế này.

 

Giáo viên tại Trung tâm PHCN Nghĩa Thắng hướng dẫn cho nạn nhân và người nhà tập luyện.
Giáo viên tại Trung tâm PHCN Nghĩa Thắng hướng dẫn cho nạn nhân và người nhà tập luyện.

Đây là nguồn động viên rất lớn, giúp ông Lực vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Niềm vui ấy còn đến với đôi vợ chồng ông Võ Văn Cậy và bà Phùng Thị Thường ở thôn An Hòa Bắc, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa). Chiều mùa hè, trời nắng nóng oi bức, ông bà ra phía trước sân ngồi hóng mát trông rất tình cảm. Biết ý chúng tôi đến thăm, bà Thường vội nói: “Nhờ Hội quan tâm mới có cái nhà mới này đấy. Giờ đây, vợ chồng tôi không sợ mưa gió gì cả. Được sống tuổi già trong căn nhà này là mãn nguyện lắm rồi.
 
Được biết, bà Thường là người Nam Định, thời trẻ bà tham gia thanh niên xung phong được phân vào Quảng Ngãi rồi bà gặp và kết duyên với ông Cậy. Chất độc da cam nơi núi cao suối thẳm đã thấm vào máu thịt trong những năm lội suối, nằm rừng, làm cho cơ thể bà ngày một yếu. Còn ông Cậy cũng mang nhiều thương tật trên người. Cuộc sống gia đình nghèo khó, nhà cửa không ổn định. Khi con cái ra ở riêng, ông bà nương tựa nhau trong căn nhà bé tí, nắng rọi mưa dột. Năm 2013, Hội NNCĐDC cũng đã hỗ trợ ông bà 30 triệu đồng để xây dựng căn nhà khang trang như bây giờ.

…Đến hoà nhập cộng đồng

Không chỉ quan tâm đến việc giải quyết nhà ở, hỗ trợ nạn nhân trong cuộc sống, Hội NNCĐDC tỉnh còn luôn chú trọng đến công tác phục hồi chức năng (PHCN) cho nạn nhân là thế hệ thứ 2, thứ 3 giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Được đưa vào sử dụng năm 2012, Trung tâm PHCN bán trú Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) là TT PHCN đầu tiên của tỉnh. Hằng ngày, tại trung tâm có 15 cháu là NNCĐDC thế hệ thứ 2, 3 thường xuyên đến tập luyện với 2 cô hướng dẫn.

Ông Nguyễn Văn Thử ở thôn An Lạc, xã Nghĩa Thắng nay đã 78 tuổi, hàng ngày vẫn đưa con trai là anh Nguyễn Văn Lời (37 tuổi) đến trung tâm tập luyện. Cùng tham gia vào một buổi tập của con trai mình, vừa tập động tác với con, ông Thử bày tỏ: “Tôi có bốn người con đều bị nhiễm chất độc da cam từ vợ chồng tôi. Hai thằng vừa mất rồi. Giờ chỉ còn hy vọng vào Lời và một con gái thôi, nhưng tụi nó thì như thế này.

Trước đây Lời không ngồi được, hai chân và một tay bị teo. Từ ngày tập luyện tại trung tâm cháu biết ngồi, biết cầm đũa…cháu tiến bộ nhiều, tôi mừng lắm”. Không chỉ luyện tập tại trung tâm, khi về nhà ông Thử còn cùng tập với Lời những bài tập ông học được. Ông Lê Văn Tiền – Giám đốc TT PHCN Nghĩa Thắng cho biết: Phương pháp tập luyện tại trung tâm đã cải thiện được những khó khăn cho nạn nhân trong sinh hoạt thường ngày. Từ ngày thành lập đã có 7 cháu được trung tâm cho hòa nhập cộng đồng tốt, giảm gánh nặng cho gia đình các cháu.

Nối tiếp những hiệu quả của trung tâm này, hiện Hội NNCĐDC tỉnh sắp hoàn thiện và đưa vào sử dụng một trung tâm nữa tại thị trấn Đức Phổ (Đức Phổ) với quy mô dành cho 50 người (trong đó có cả đối tượng chính sách). Ông Nguyễn Thanh Phương – Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC Quảng Ngãi cho biết: Hiện toàn tỉnh có trên 2.000 cháu là thế hệ nạn nhân thứ 2, 3 bị phơi nhiễm chất độc da cam. Những nỗ lực trên cũng chỉ phần nào giúp đỡ các cháu, đồng thời giảm bớt nỗi đau của gia đình họ. Mong rằng trong thời gian tới, các tổ chức, cá nhân hảo tâm sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội NNCĐDC và nạn nhân trong toàn tỉnh để có thể xây dựng được nhiều căn nhà mới, nhiều TT PHCN nữa để nạn nhân có được niềm hy vọng trong cuộc sống, nhằm xoa dịu nỗi đau của bệnh tật.
    

Bài, ảnh: Vũ Yến
 


.