Quảng Ngãi, ngày trở về

02:07, 04/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi là người Quảng Ngãi, ở Quy Nhơn (Bình Định) tới 10 năm, nhưng khi tách tỉnh được về Quảng Ngãi quê nhà, tôi cũng không thể xác định ngay được cảm xúc của mình: Buồn hay vui? Có lẽ là cả buồn lẫn vui.

Tôi có nhiều bạn thân người Bình Định, và phải chia tay họ là một nỗi buồn đối với tôi. Nhiều vị quan chức quê Quảng Ngãi có rất nhiều tâm trạng khi tỉnh Nghĩa Bình lại chia đôi thành Quảng Ngãi và Bình Định. Thực ra, việc nhập tỉnh có phần đột ngột ấy đã được thực hiện trên toàn cõi Việt Nam chứ không riêng gì với Nghĩa Bình. 

 

Công viên Ba Tơ, TP. Quảng Ngãi.                      Ảnh: ĐĂNG LÂM
Công viên Ba Tơ, TP. Quảng Ngãi. Ảnh: ĐĂNG LÂM

Năm 1989 chia tỉnh. Phải qua mùa hè, tôi mới chính thức về “ngụ” tại quê hương mình, do phải chờ hai đứa con nhỏ hoàn thành năm học tại Quy Nhơn. Trong khi vợ tôi đã theo Báo Quảng Ngãi về trước. Mấy tháng đầu về Quảng Ngãi, vợ tôi phải ở nhờ gia đình nhà thơ Nguyễn Trung Hiếu. Quyền Tổng biên tập Báo Quảng Ngãi Trương Đình Chiểu cũng phải tá túc đâu đó để chuẩn bị ra số báo Quảng Ngãi đầu tiên, đúng vào ngày 8.7.1989.

Tôi có đóng góp vào số báo đầu tiên ấy bài thơ “Cứ thế sông Trà” với giọng thơ đầy… cảm khái: “Nghìn năm trước sông Trà vẫn thế/Nghìn năm sau cứ thế sông Trà/”. Hình như nhiều người về lại Quảng Ngãi cũng có tâm trạng “qua sông” như tôi. Nghìn năm sau, sông Trà dĩ nhiên vẫn là sông Trà, có gì mà mình cảm khái dữ vậy! Nhưng hồi ấy là thế.

Tháng ngày lận đận vui tình bạn

Bây giờ nghĩ lại, hóa ra, cái thời mới tách tỉnh với bao nhọc nhằn lại là thời nhiều niềm vui nhất. Chẳng biết vui vì cái gì, nhưng hình như cái gì mình cũng thấy vui. Như cái chuyện ở. Tôi ăn theo cơ quan của vợ - là Báo Quảng Ngãi - để có chỗ ở. Báo Quảng Ngãi được tạm chia cả tầng hai ngôi nhà vốn là Bảo tàng hay gì đó. Cả ban biên tập và phóng viên tờ báo xúm xít vừa ở vừa làm việc trên tầng hai ấy. Gia đình tôi được kê hai cái giường cá nhân, quây ri-đô xung quanh là thành… căn hộ cho 4 khẩu. Gia đình Quyền Tổng biên tập Trương Đình Chiểu cũng vậy. Rồi gia đình Phó Tổng biên tập Tạ Mỹ Khê cũng thế. Lúc bấy giờ, nhà Chiểu và nhà Khê đều đã có con, cũng bằng tuổi trứng gà trứng vịt với hai đứa con nhà tôi. Bố mẹ chơi thân với bố mẹ, thì con cái cũng chơi thân với nhau.

Cứ mỗi buổi chiều, chúng lại rủ nhau xuống nhà, ra vòi nước công cộng lấy nước để cả nhà dùng cho hôm sau. Những đứa bé đã biết lao động từ ngày ấy, và đó là điều khiến tôi rất vui. Khi về ở trụ sở Báo Quảng Ngãi, vợ Chiểu - làm ở Ủy ban Kế hoạch tỉnh - lại đang mang bầu. Hai “căn hộ” chúng tôi ở cách nhau… 1,5m. Quá tốt! Ở gần nhau như thế, hai gia đình càng thân thiết, càng dễ chia sẻ với nhau từ chén mắm tới bó rau. Ấy là hai bà vợ.

Còn cánh đàn ông chúng tôi thì chủ yếu chia sẻ… bia rượu với nhau. Nhà ở riêng, nhưng thức uống có cồn thì uống chung. Và không chỉ tôi với Chiểu, mà nhiều anh em, từ phóng viên tới… lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện và cả anh em… thất nghiệp, vẫn thường xuyên tụ tập tại tầng hai “ngôi nhà Báo” để chia sẻ với nhau nhiều thứ, tâm sự với nhau nhiều điều, và thường có “chất dẫn” là bia hay rượu. Hồi ấy mồi nhậu khan hiếm, chúng tôi lại không có tiền, nhưng rồi cũng đâu vào đó. Vui là chính. Và chính là vui vào mỗi buổi chiều tà. “Đối tác” thường xuyên tâm sự với chúng tôi là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Kiệt (Hai Kiệt), là Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Tư Nghĩa Nguyễn Thanh Tân (Sáu Tân), là Phó Giám đốc Công an tỉnh Lê Văn Diêu (Mười Diêu). Toàn là “quan chức cộm cán” nhưng cũng toàn là anh em thân thiết.

Cùng với Thái Anh, Tăng Quỳnh, Phạm Đương… thảy đều là “lính lác”, nhà thơ nhà báo nhà nghèo, vậy mà anh em chúng tôi chơi với nhau rất thân thiết, nghĩa tình, tuyệt nhiên không phân biệt. Cứ “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” như thế mà chơi với nhau. Còn nhớ, đối diện với tầng hai “Nhà Báo” là nhà công vụ của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Quang Thắng. Ông Năm Thắng - chúng tôi quen gọi ông như vậy - là người rất hiền lành.

Nhiều hôm, ông ngồi bên nhà mình nhìn sang “nhà” chúng tôi, thấy “đám trẻ” chúng tôi tụ tập cười la toang toác, chắc ông cũng phát mệt. Nhưng ông không nói gì, có lẽ vì đã hiểu tính chúng tôi. Với anh Năm, chúng tôi toàn là những đứa em quen thân với ông, có lẽ vì thế ông không nỡ la mắng. Chỉ thấy ông… cười cười, và mắng… yêu. Vậy là ổn. Trong những tháng ngày mới tách tỉnh ấy, quan hệ giữa lãnh đạo với cán bộ là quan hệ rất anh em, rất gắn bó, vì cùng một cảnh ngộ. Quảng Ngãi hồi ấy thật nghèo, các cơ quan chia tách tỉnh từ Bình Định ra cũng chẳng có của nả gì. Nhiều khi tới cái ghế ngồi cũng không đủ cho mỗi người một cái.

 Cái chí của tờ báo, nghề báo của tờ tạp chí

Quyền Tổng biên tập Trương Đình Chiểu - một người có chí khí làm báo. Trong tay Chiểu, tờ báo Quảng Ngãi hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” của Cụ N.V.L, xông lên đấu tranh chống tiêu cực gây được tiếng vang. Nhưng “vang” quá thì cũng… phiền. Dù sau này không còn làm báo nữa, nhưng Trương Đình Chiểu vẫn là nhà báo hồn nhiên và dễ thương bậc nhất mà tôi gặp trong suốt cuộc đời làm báo của mình.

Phần tôi, không làm báo, mà làm tạp chí văn nghệ. Nhưng tôi vốn là nhà báo chuyên nghiệp, nên khi làm tạp chí, dù là tạp chí văn nghệ, tôi vẫn muốn đưa chất “báo” vào “chí”, khiến nó sinh động, hấp dẫn và dễ đọc hơn với nhiều đối tượng người đọc. Chúng tôi đã làm tạp chí “Sông Trà” số 1 trên tinh thần “đưa báo vào chí” như vậy. Cất công ra tận Hà Nội để phỏng vấn GS Vật lý Nguyễn Hoàng Phương về đề tài “Trường sinh học” nổi tiếng của ông hồi ấy, tôi đã có cho “Sông Trà” một bài phỏng vấn sinh động và hấp dẫn. Đặt bài cho nhiều nhà báo về những đề tài mang đậm tính báo chí bên cạnh những sáng tác và phê bình văn học, chúng tôi muốn “Sông Trà” mang được “hơi thở đương đại”. Nhà văn Tô Hoài - một cây đại thụ của văn xuôi Việt Nam, cũng là người không hề xa lạ với hoạt động báo chí, đã từng viết thư khen cách làm tạp chí văn nghệ “Sông Trà” của chúng tôi:  

 “Tôi mới viết được cái tạp văn về một người bạn đã mất, gửi Sông Trà, nhân đọc bài của Thanh Thảo viết “Đọc nhật ký Dương Thị Xuân Quý”(Sông Trà tháng 7). Tôi thường đọc tạp chí Sông Trà (mượn của thư viện Hội Văn nghệ Hà Nội) Thanh Thảo làm tạp chí rất giỏi, bài vở mang dấu vết Sông Trà nhưng mà cả nước đọc được, đọc hay”.  

Nhà văn Tô Hoài quá khen, chứ riêng tôi thì cảm giác mình làm tạp chí văn nghệ hồi ấy là “mệt nhiều hơn hay”. Ngày ấy, ai cũng vất vả, ai cũng mệt. Và khó ai hình dung Quảng Ngãi lại được như bây giờ mình đang sống. Nhưng cũng đã 25 năm rồi còn gì!
 
Thanh Thảo
 

.