Những chuyện bất cập ở cơ sở (Kỳ 3)

06:07, 28/07/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 3: Rêu phong trên những công trình


Hiện nay, trên địa tỉnh có nhiều công trình là tài sản công bị bỏ không, hoang hóa, xuống cấp. Một số công trình được doanh nghiệp đầu tư từ vài chục triệu đồng đến cả trăm tỷ đồng ở các khu “đất vàng” đã không thể hoàn thành như dự kiến và đang xuống cấp từng ngày.



Cha chung không ai khóc

Nằm ngay sát QL 24B đoạn đi qua xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), cách bãi biển Mỹ Khê chừng 50m, có khu đất đang bỏ hoang hơn 6 năm qua. Nguyên khu đất này có diện tích hơn 11.000m2 (kho lương thực: 5.900m2 thuộc Công ty lương thực huyện Sơn Tịnh và  Xí nghiệp thuỷ sản huyện Sơn Tịnh: 5.400m2). Sau khi các đơn vị trên giải thể, phần đất này giao cho UBND huyện Sơn Tịnh (nay là TP.Quảng Ngãi) quản lý, tài sản trên đất đã được bán thanh lý nhưng đến nay người mua vẫn chưa tháo dỡ. Riêng khu nông sản tại xã Tịnh Khê có diện tích 4.360m2, sau khi làm đường Mỹ Trà- Mỹ Khê còn lại 3.000m 2.

 

“Khu đất vàng” ở xã Tịnh Khê bỏ hoang nhiều năm nay.
“Khu đất vàng” ở xã Tịnh Khê bỏ hoang nhiều năm nay.


Nguyên thửa đất này của Công ty Thương nghiệp Sơn Tịnh, sau khi giải thể năm 1990 thì giao lại cho UBND huyện Sơn Tịnh quản lý. Năm 2002, cả 3 khu đất trên được quy hoạch vào Khu du lịch Mỹ Khê, nhưng đến cuối năm 2012 thì tỉnh điều chỉnh ra khỏi quy hoạch. Tuy nhiên, do buông lỏng công tác quản lý nên có 1 hộ gia đình tự lấn chiếm đất thuộc Xí nghiệp thuỷ sản làm nhà ở với diện tích 200m2 và một hộ mua nhà thanh lý và chiếm đất xung quanh để làm vườn.  Ông Võ Văn Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, cho biết: Năm 2008, huyện Sơn Tịnh bàn giao khu đất này cho UBND xã Tịnh Khê quản lý và cũng chỉ kèm theo nhiệm vụ là không cho người dân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa, hàng quán trên khu đất này. “Đây là khu đất vàng mà bỏ hoang mấy năm nay thì lãng phí thật”, ông Đại trăn trở.

 

Trạm Kiểm lâm huyện Nghĩa Hành xuống cấp.
Trạm Kiểm lâm huyện Nghĩa Hành xuống cấp.


Còn tại thôn Phú Lâm, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), Trạm Kiểm lâm Nghĩa Hành được xây dựng năm 1980, có khuôn viên diện tích khoảng 700m2, bị bỏ hoang hơn 10 năm nay. Trách nhiệm chính để xảy ra sự lãng phí này là lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Nghĩa Hành và cơ quan liên quan là Sở NN&PTNT, Sở Tài chính. Chủ tịch UBND xã Hành Thiện Mai Duy Tuấn, nói: “Sau khi không sử dụng nữa, đơn vị này cũng không có động thái gì để bàn giao cho xã quản lý. Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đồng ý giao nhưng kèm điều kiện là phải tìm khu đất khác để “trả lại” cho Hạt Kiểm lâm huyện Nghĩa Hành. Nhưng xã không thể đáp ứng yêu cầu này, nên chúng tôi chưa chấp nhận”. Cũng tại xã Hành Thiện, điểm bưu điện Phú Lâm Tây (Bưu điện huyện Nghĩa Hành) được xây dựng từ năm 1992, trên khu đất rộng hơn 110m2, bị bỏ không từ năm 2000 đến nay. “Sự quản lý thiếu chặt chẽ, lãng phí công trình này trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan Bưu điện và có liên đới đến chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Minh Tài- GĐ Sở Tài chính tỉnh, nói.
    

“Ba khu đất: Kho lương thực, Xí nghiệp thuỷ sản, khu nông sản Tịnh Khê không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nên không thuộc trách nhiệm của Sở Tài chính. Tuy nhiên, qua việc quản lý, sử dụng 3 khu đất trên của UBND huyện Sơn Tịnh trước đây và các cơ quan liên quan (Sở VH-TT&DL, Sở TN&MT) cho thấy việc quản lý thiếu chặt chẽ, lãng phí nguồn lực đất đai của Nhà nước”.
Ông Nguyễn Minh Tài- Giám đốc Sở Tài chính, nhấn mạnh.

“Đội trên đầu đống mục nát”

Hẻm 279 Nguyễn Nghiêm nằm ngay khu trung tâm TP.Quảng Ngãi, nhưng có 10 ngôi nhà thuộc sở hữu nhà nước đang trong tình trạng mục nát là chốn nương thân của các gia đình nghèo từ nhiều năm nay. Bà La Thị Thúy Hồng sống trong căn nhà số 279/6 Nguyễn Nghiêm, năm nay đã 70 tuổi, tóc bạc, đôi chân không còn đi đứng vững vàng. Nhiều năm qua, bà Hồng vẫn miệt mài đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng để mong trước lúc nhắm mắt, xuôi tay được cầm cuốn “sổ đỏ” của ngôi nhà bà đang sống, mà yên tâm giao lại cửa nhà cho đứa con gái.

Nhưng rồi đến đâu bà cũng nhận được câu trả lời: Chờ! Gọi là nhà nhưng chỉ rộng khoảng 42m2, nên vừa chật chội, vừa ẩm thấp. “Mới đây, nghe tỉnh đồng ý bán cho tôi rồi nhưng chẳng thấy ai nói gì. Cả đời sống chật vật, về già tưởng đỡ hơn. Ai ngờ…”, bà Hồng trăn trở. Cạnh đó là nhà ông Trần Như Xít (42m2). Tiếp chúng tôi ông Xít nói với giọng đầy lo lắng: “Dãy nhà này đã tồn tại 30 năm rồi nên không xuống cấp mới là chuyện lạ. Không biết đến bao giờ chúng tôi hết đội trên đầu đống mục nát này”. Thật vậy, dây điện chằng chịt trước nhà, hẻm nhỏ, mái ngói rệu rã rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ.

Theo Sở Xây dựng, hiện 2 trong 10 căn nhà ở hẻm 279 Nguyễn Nghiêm đủ điều kiện để bán (nhà bà Hồng và ông Xít). Năm 2011, UBND tỉnh ra quyết định bán cho 2 hộ này, nhưng đến năm 2013, UBND tỉnh lại có quyết định tạm dừng. Tuy nhiên, hiện nay, UBND tỉnh đã thống nhất bán 2 căn nhà đó. Riêng đối với 8 trường hợp còn lại, diện tích sử dụng của các căn nhà này nhỏ (chỉ từ 20 - 30m2 và bề ngang chỉ khoảng 2,5m), cũng đang được xem xét bán cho người đang thuê. Ông Nguyễn Đức Hiệp - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay: Dự kiến trong quý III năm 2014, UBND tỉnh sẽ ban hành Quy định về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định bán nhà ở cũ cho người đang thuê. “Vì các căn nhà này có diện tích nhỏ, nên trong quá trình soạn thảo, ban hành Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị, TP.Quảng Ngãi cần có quy định cụ thể việc quản lý, chỉnh trang những căn nhà nhỏ, tránh gây phiền hà về sau cho người dân”, ông Hiệp lưu ý.

Đem tiền tỷ phơi sương

Những năm qua, KKT Dung Quất đã thu hút được rất nhiều dự án đầu tư, hoạt động hiệu quả, mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Bên cạnh đó, vẫn còn một số dự án triển khai dở dang, bỏ hoang phế từng ngày. Trên tuyến đường một chiều, ngay trung tâm KKT Dung Quất, dự án khu vui chơi giải trí của Nhà máy đóng tàu Dung Quất đổ nát, mái tôn gãy đổ. Ngày trước khu giải trí là sân tập golf, nhưng nay cỏ mọc um tùm. Hàng rào bằng lưới sắt ngã đổ.

 

Dự án khu vui chơi giải trí của Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã đổ nát, hoang phế.                        Ảnh: NG. TRIỀU
Dự án khu vui chơi giải trí của Nhà máy đóng tàu Dung Quất đã đổ nát, hoang phế. Ảnh: NG. TRIỀU


Dự án trung tâm khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí ở TP.Vạn Tường, do Công ty Vạn Năm làm chủ đầu tư, cũng ngổn ngang, dang dở. Ngôi nhà 3 tầng được xây dựng quy mô, bề thế, giờ đã rêu phong. Theo kế hoạch, dự án này hoàn thành với tổng kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Thế nhưng, công trình không biết đến khi nào mới được tiếp tục xây dựng nữa. Vì vậy, hàng chục tỷ đồng đã trót “đổ” xuống đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Khu nhà ở dành cho công nhân Nhà máy đóng tàu Dung Quất cũng đang dần xuống cấp, hoang tàn, với phần khung nằm chỏng chơ. Trước việc nhiều dự án ngừng triển khai hoặc chậm triển khai ở KKT Dung Quất, việc thu hồi là điều cần làm, để KKT Dung Quất tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Những khu “đất vàng” cần được giao cho doanh nghiệp có uy tín và đủ khả năng thi công các dự án đã đăng ký. Khi đó mới hy vọng đô thị Vạn Tường sẽ có những đổi thay tích cực hơn.

Còn ở TP.Quảng Ngãi, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản. Nhưng rồi, do thiếu tầm nhìn chiến lược trong phát triển và sự đóng băng của thị trường bất động sản đã kéo theo những hệ lụy làm ảnh hưởng đến quá trình chỉnh trang và nâng cấp đô thị của thành phố. Nhiều nhà phố liền kề ở Đê bao sông Trà không có người mua, rêu phủ xám xịt. Một số hạng mục công trình xây dựng của dự án bất động sản Phú Mỹ (Nghĩa Chánh) được đầu tư tiền tỷ phải phơi mình dưới nắng mưa, do chủ đầu tư tạm dừng thi công.  


Tuy là tỉnh có nguồn thu ngân sách nằm ở tốp 10 cả nước, song Quảng Ngãi chưa phải là tỉnh giàu. Do vậy, nhìn những công trình đầu tư tiền tỷ, những khu đất chưa được sử dụng có hiệu quả khiến chúng ta không khỏi xót xa.
 
PHÚ ĐỨC - NGUYỄN TRIỀU
 

.