Những chuyện bất cập ở cơ sở (Kỳ 2)

08:07, 24/07/2014
.

TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Nỗi buồn mang tên chợ và nước

Chợ và nước sạch cũng là hai tiêu chí quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, nó thể hiện nếp sống văn minh, hiện đại của quá trình đô thị hoá đang lan toả về nông thôn. Ấy vậy mà có không ít công trình được đầu tư xây dựng với số tiền hàng tỷ đồng, nhưng rồi khi hoàn thành chỉ để nhìn. Trong khi đó, nhiều công trình đầu tư đang khát vốn, nhiều hộ dân cần tiền phát triển kinh tế gia đình thì lại không có nguồn.



Có chợ nhưng dân phải buôn bán ngoài đường

Đức Minh là một trong những xã bãi ngang ven biển của huyện Mộ Đức. Cuộc sống của người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mấy năm gần đây, nhiều công trình được đầu tư xây dựng tại địa phương đều hướng đến mục đích giúp người dân thoát khỏi cảnh nghèo.

Chợ xã Đức Minh (Mộ Đức).
Chợ xã Đức Minh (Mộ Đức).


Năm 2008, từ nhiều nguồn vốn, xã tiến hành xây dựng chợ Đức Minh mới, với số vốn khoảng 6 tỷ đồng. Khi đó, chính quyền và người dân nơi đây đều tin rằng, tương lai, xã sẽ có khu chợ khang trang, để buôn bán, góp phần tạo nên bộ mặt nông thôn mới cho xã. Công trình do UBND xã làm chủ đầu tư, với diện tích khoảng 8.500m2, quy mô 2 nhà lồng và hơn 30 ki-ốt, đáp ứng nhu cầu buôn bán của khoảng 400 người. Nhưng rồi, công trình xây dựng kéo dài 4 năm, đến năm 2012 mới hoàn thành. Tiếc thay, kể từ đó, chợ Đức Minh chưa tổ chức được một buổi họp chợ nào. Để rồi, hiện nay xung quanh chợ cỏ mọc um tùm, sân chợ được người dân tận dụng để phơi lúa, bắp.

Trong khi đó, trên tuyến đường nối xã Đức Minh với QL 1, nằm cách chợ Đức Minh mới chưa đầy 50m, người dân lại họp chợ buôn bán rất đông. Theo các tiểu thương, từ khi chợ hoàn thành, họ chưa nghe xã họp dân để bàn phương án đấu giá. Chị Trần Thị Thanh lo lắng: “Mỗi ngày, bán được vài con cá lời lãi chẳng bao nhiêu, nhưng nếu giá cho thuê chỗ bán đắt quá thì khó lòng kêu gọi tiểu thương vào chợ”. Đưa tay chỉ về hướng chợ Đức Minh cũ, chị Thanh bảo, giá như xã cho sửa chữa lại ngôi chợ này thì hay biết mấy, vì đất rộng, đi lại thuận tiện.

Ông Võ Minh Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh, lý giải: Hơn 2 năm qua, do có nhiều thay đổi trong quy định về cấp có thẩm quyền cho phép đấu giá chợ, nên xã phải điều chỉnh hồ sơ xin phép. Vì vậy mới dẫn đến sự chậm trễ trong khâu tổ chức cho bà con đấu giá để được vào chợ buôn bán. “Hiện xã đã hoàn tất hồ sơ xin phép gửi Phòng Tài chính huyện. Dự kiến đến hết tháng 7.2014, xã sẽ cho bà con có nhu cầu vào buôn bán trong chợ. Giá thuê sẽ chỉ dao động khoảng 5 - 6 triệu đồng/năm cho mỗi vị trí buôn bán. Đây là kinh phí phù hợp với người dân trên địa bàn xã”, ông Quang cho biết.

Chợ tiền tỷ chỉ để ngắm

Năm 2003, từ nguồn vốn của Chương trình 135, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) được chọn đầu tư xây dựng cụm chợ trung tâm Sơn Kỳ. Chợ nằm cạnh Tỉnh lộ 623, ngay trung tâm xã, được xem là vị trí rất thuận lợi để người dân tập trung buôn bán. Thế nhưng, sau ngần ấy năm, việc họp chợ ở đây được xem là “điều hiếm”. Do phơi nắng, phơi mưa hơn chục năm qua, chợ Sơn Kỳ hiện đã xuống cấp, tường vôi cũ mục, loang lỗ. Trong chợ chỉ lèo tèo một vài người dân đem rau quả đến bán. Xung quanh cỏ mọc um tùm.


Theo người dân sống cạnh chợ Sơn Kỳ, sở dĩ chợ không có người vào buôn bán là do chỉ xây dựng mỗi nhà lồng, không có sạp, quày hay ki ốt. Hơn nữa, đường sá phát triển, nhiều tiểu thương đem hoa màu, cá thịt từ đồng bằng lên Sơn Kỳ bằng xe máy, xe tải, nên đồng bào thích mua hàng hóa đó hơn. Vì vậy, chợ Sơn Kỳ chẳng thể hút được bà con vào buôn bán.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ Sơn Kỳ kết hợp bến xe được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 630 triệu đồng (vào năm 2003, số tiền này là rất lớn). Sau nhiều lần tu sửa, số vốn đầu tư cho chợ Sơn Kỳ cũng lên đến 1,3 tỷ đồng. Đầu tư số tiền lớn như vậy, nhưng việc chợ Sơn Kỳ không phát huy tác dụng đã gây lãng phí lớn. Thời gian qua, xã Sơn Kỳ đã tổ chức vận động các hộ dân đăng ký vào chợ buôn bán, kèm chính sách ưu đãi 2 năm đầu không thu thuế, nhưng số lần họp chợ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.  

Còn ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), tháng 9.2010, UBND xã đầu tư xây dựng chợ  với số vốn dự kiến 5 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi triển khai xây dựng phần móng, vài trụ bê tông với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách xã thì chợ Tịnh Hà chính thức bị “khai tử”. Nguyên nhân, do vị trí xây chợ chưa hợp lý, vướng phải hành lang an toàn của đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Vì vậy, 1,5 tỷ đồng ngân sách kia chẳng khác gì đem “muối bỏ biển” và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí này?

Còn ở xã Bình Hải (Bình Sơn), sự nhiệt tình của doanh nghiệp đã nhận phải  "trái đắng". Năm 2010, UBND xã Bình Hải kêu gọi Công ty Hùng Thịnh xây dựng chợ tạm Vạn Tường để đáp ứng nhu cầu buôn bán, kinh doanh cho người dân. Khi đó, lãnh đạo xã Bình Hải cam kết sẽ để chợ tạm Vạn Tường hoạt động trong thời gian ít nhất là 5 năm, và “hứa” sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành thủ tục, hồ sơ và đưa các tiểu thương vào buôn bán. Nhưng khi xây dựng hoàn thành chợ tạm Vạn Tường, với số vốn gần 5 tỷ đồng, thì cũng là lúc chợ này phải đóng cửa, vì trên cùng một xã không thể hoạt động cùng lúc 2 cái chợ hoành tráng được. Điều đó khiến số vốn doanh nghiệp đầu tư bị “chôn”, đẩy doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần.  

Hai công trình chung một nỗi buồn

Hơn 10 năm trước, người dân xã Tịnh Thiện - Sơn Tịnh (nay thuộc TP.Quảng Ngãi) rất phấn khởi khi xã được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt Long Thành. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 760 triệu đồng (vốn đối ứng của xã 20%) cung cấp nước sạch cho 480 hộ dân. Sau các lần sửa chữa, số vốn cấp cho công trình cũng ngót 1 tỷ đồng. Hoạt động đến năm 2008 thì công trình xuống cấp, nguồn nước ô nhiễm. Năm 2010, công trình ngừng hoạt động, người dân phải dùng nước giếng nhưng nước cũng bị nhiễm phèn.

 

Công trình cấp nước sinh hoạt Long Thành đã bị bỏ hoang hơn 4 năm qua.
Công trình cấp nước sinh hoạt Long Thành đã bị bỏ hoang hơn 4 năm qua.


Ông Trần Văn Nhân ở thôn Long Thành, bức xúc: “Công trình đầu tư cả tỷ đồng, trong đó có phần đóng góp trực tiếp của người dân địa phương nhưng đến giờ chúng tôi cũng không có nước để dùng”. Để “cứu công trình tiền tỷ này”, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Quảng Ngãi  gợi ý với xã là xây dựng đường ống dẫn nước sạch từ xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) về Tịnh Thiện, nhưng sau khi “trưng cầu ý dân”, xã đành khước từ, vì tính khả thi thấp.

Công trình cấp nước sinh hoạt Thọ An (Bình Sơn) cũng cùng cảnh ngộ. Ông Nguyễn Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình An, cho biết: Năm 2003, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Quảng Ngãi đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng công trình nhằm giúp 200 hộ dân (gần 600 khẩu) ở thôn Thọ An có nguồn nước sạch để sử dụng. Nhưng cũng chỉ hoạt động được vài năm, đến năm 2009, công trình bị hư hỏng toàn bộ đường ống và chính thức “sạch nước” từ đó. Điều oái oăm là, khi nghe có công trình cấp nước sạch, nhiều hộ dân đã lấp giếng đào, nên giờ phải đào lại giếng hoặc ra suối lấy nước về dùng.

Công trình chợ Tịnh Hà (Sơn Tịnh).                          Ảnh: N.TRIỀU
Công trình chợ Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Ảnh: N.TRIỀU


Trong khi công trình này chưa khắc phục thì năm 2012, UBND xã Bình An lại tiếp tục làm chủ đầu tư công trình nước sinh hoạt xóm Hố Dài (Thọ An), với kinh phí 970 triệu đồng. Do công tác quản lý yếu kém, nên 20m đường ống sắt đã bị gãy, khiến hệ thống ngưng hoạt động hơn 1 tháng nay. Rõ ràng, người dân thôn Thọ An đang “bội thực” công trình nước sạch, nhưng lại “khát” nước sạch.

Được biết, tháng 3.2014, trong công văn gửi Bộ KH&ĐT báo cáo về các dự án đầu tư công dàn trải, thiếu hiệu quả, UBND tỉnh cũng đã đưa công trình cấp nước sinh hoạt Tịnh Thiện và Bình An vào danh mục các dự án “đầu tư không hiệu quả”. UBND tỉnh thừa nhận là 2 công trình trên đã “ngưng hoạt động”.


PHÚ ĐỨC – NGUYỄN TRIỀU

*Kỳ 3: Rêu phong trên những công trình


 


.