Nhọc nhằn đời nữ thợ hồ

10:07, 31/07/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nghề thợ hồ với nam giới đã rất vất vả nhưng với phụ nữ còn vất vả hơn nhiều. Không ít nguy hiểm luôn rình rập cuộc sống của “đội quân tóc dài” trên các công trình xây dựng. Dẫu biết rằng đây nghề không phù hợp nhưng các chị vẫn bám công trình để mưu sinh.
 
 
Khổ trăm bề
 
Dọc các công trình xây dựng trên tuyến quốc lộ 1 qua các địa bàn toàn tỉnh, không khó để bắt gặp cảnh các chị em phụ nữ vác từng bao xi măng, khiêng cát, trộn hồ, đưa gạch. Thậm chí, có chị còn đứng trên các giàn giáo cao tầng đúc trụ, xây tường, tô tường cho các ngôi nhà nằm trong diện giải tỏa mặt bằng.
 
Buổi trưa, khi cái nắng chói chang của mùa hạ đang khá gay gắt, oi nồng. Tại công trình xây dựng nhà ở cho người dân, đoạn đi qua thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, chị Phạm Thị Kim Phát (30 tuổi, ngụ ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) vẫn đang tất bật tô cho xong bức tường để kịp về nấu cơm trưa cho các con. Suốt tuần, không buổi trưa nào chị kịp chợp mắt.
 
Cẩn thận bước xuống từ giàn giáo, mặt mày lấm lem vì bụi, đất đá và xi măng, tháo nhẹ chiếc khẩu trang, chị Phát thở phì phào: “Mệt quá em ơi, âu cũng vì chén cơm, manh áo và con chữ cho các con nên phải ráng, chứ phụ nữ mà làm nghề thợ hồ vất vả quá!”. Vừa nói chị vừa quệt vài giọt mồ hôi trên trán.
 
Chị
Tiếng là làm phụ hồ nhưng chị Phạm Thị Kim Phát kiêm luôn công việc của một thợ xây.
 
Ngồi dựa vào một góc để nghỉ mệt, trong tiếng ồn ào của tiếng máy khoan, máy trộn bê tông, chị Phát bộc bạch: "Quanh năm phơi mặt giữa trời, làm bạn với đống sắt, gạch, xi măng nhiều khi nghĩ mình chẳng khác gì đàn ông. Những người trụ từ 10 năm trở lên như chị đều đã luyện mình thành “mình đồng da sắt” hết cả rồi”.
 
Chị Phát chia sẻ, tính luôn tiền ăn, cật lực lắm mỗi ngày chỉ kiếm được từ 150 đến 180 chục nghìn đồng, dù cường độ công việc có khi ngang ngửa cánh thợ xây chính. Nhiều lúc chạy cho kịp tiến độ công trình, còn phải làm đến khuya. Làm khuya thì tiền công cao hơn nhưng người mệt rã rời. Về đến nhà, tắm rửa qua quýt là đi ngủ luôn tới sáng. 
 
150 đến 180 nghìn đồng mỗi ngày, đối với chị Phát còn được ưu ái. Với một số chị em không biết làm thêm những công việc của thợ, chỉ biết bê gạch, trộn hồ thì chẳng được bao nhiêu. Được cái chủ thầu thường trả tiền theo tuần nên cũng kịp xoay sở cho gia đình. Nói vội mấy câu, chị lại tất tả đội nón, trùm khẩu trang kín mít tiếp tục với công việc của mình.
 
Nghề phụ hồ không đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật như nhiều nghề khác nhưng lại đòi hỏi ở người phụ nữ sức khỏe, khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt. Khoảng tiền trên thì có “thấm béo” vào đâu. 
 
Một ngày, tính ra khối lượng gạch, cát, xi măng mà các chị nâng lên, hạ xuống trong cả tuần phải lên tới hàng tấn. Cực nhọc, nắng mưa, nghề vắt kiệt sức khỏe của các chị do môi trường lao động phức tạp, khói bụi, mất vệ sinh. 
 
Hơn 10 năm trong nghề, chị Phát phải đánh đổi bằng sự “xuống cấp” của cả nhan sắc và sức khỏe. Bắp tay to ra do vác nặng, bàn tay chai sạn, khuôn mặt đen sạm vì nắng gió, rồi vì ngày ngày phải hít bụi xi măng nên chị mắc phải các căn bệnh như viêm xoang mãn tính, khớp.
 
Nguy hiểm luôn rình rập
 
Tại một nhà dân đang xây trên tuyến quốc lộ 1, đoạn đi ngang qua huyện Mộ Đức, chị Lê Thị Liên (50 tuổi, phường Nghĩa Lộ, Tp.Quảng Ngãi) cặm cụi bốc từng viên gạch bỏ vào xe rùa. 
 
Đang lom khom, một sợi dây ròng rọc cùng một chiếc xe rùa được thả cái phịch từ tầng 3 xuống. Một chút giật mình, chị Liên lấy bình tĩnh tháo chiếc xe rùa được thả xuống ra, rồi móc một xe rùa chất đầy gạch vào ròng rọc. 
 
B
Từng xe gạch được  chị Lê Thị Liên móc vào ròng rọc để đẩy lên trên cho thợ.
 
Bên trên, một chị với dáng người nhỏ nhắn, trạc 30 tuổi hì hục kéo lên. Phía dưới, chị Liên lại tiếp tục công việc mà không để ý những nguy hiểm rình rập trên đầu mình. Ở một ngôi nhà đang xây gần đó, có chị còn ném từng viên gạch lên cho thợ.
 
Các chị hầu như không trang bị một dụng cụ bảo hộ. Rủi ro, sợi dây đứt hay viên gạch không được ném đến tay người thợ, nguy hiểm luôn rình rập các chị bất cứ lúc nào. Đây lại là công việc chỉ được thỏa thuận bằng miệng chứ không theo một hợp đồng cụ thể nào.
 
Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh vừa qua là bài học cảnh giác cho không ít người. Khi có chuyện xảy ra, các chị phải tự bỏ tiền mua thuốc, đi bệnh viện, nghỉ dài ngày còn bị mất việc. Lúc đó, chủ thầu sẽ tìm người khác thay thế. Chị Liên nói, chị hiểu hết những nguy hiểm mà công việc mình đang làm nhưng nhiều khi nghĩ đến tiền, lo làm mà chẳng bận tâm gì tới bản thân.
 
Ông Trần Tư, một thầu xây dựng ở phường Nghĩa Lộ, Tp.Quảng Ngãi chia sẻ: “Hiện nay, hầu hết các công trình xây dựng đều cần đến nữ. Đây là lực lượng phục vụ tuyến hai cho anh em thợ xây. Mức trả tiền công vừa phải lại làm được việc nên công trình nào cũng rất cần, nhất là lao động ở các vùng nông thôn”.
 
Trong cuộc sống, mỗi nghề đều có những nỗi vất vả riêng nhưng không thể không cảm thấy xót xa khi gánh nặng của sự nhọc nhằn đang đè lên vai những người phụ nữ với nghề phụ hồ, thợ xây. 
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.