Người lái đò bên sông Xà Lò

10:07, 27/07/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Gần một năm nay, không bỏ sót một ngày, người lái đò ấy vẫn luôn miệt mài đưa người dân thôn Mô - Nít sang sông một cách an toàn. Ông là cựu chiến binh Đinh Văn Họp, 68 tuổi, người ở thôn Mô - Nít, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà.
 
 
Chuyện đường sá là một trong những bất cập từ nhiều năm nay ở thôn Mô - Nít. Tuyến đường Sơn Kỳ - Mô Nít chỉ dài khoảng 13km, nhưng không một chỗ nào bằng phẳng. Cây cối um tùm, đá cuội nổi đầy trên nền đường, phải mất gần nửa ngày vừa dắt xe, vừa cuốc bộ mới đến được thôn. 
 
Với hơn 60 hộ dân ở thôn Mô - Nít, lối đi và lối về quen thuộc lâu nay là băng qua sông Xà Lò, đi nhờ đường ở xã Sơn Lập (Sơn Tây).  Lắm hôm, chứng kiến cảnh các thầy cô giáo và các em lặn lội đường sá xa xôi đến trường, cảnh ba bốn người cùng vác một chiếc xe máy qua sông, ông Họp thấy dân mình sao vất vả quá. 
 
Từ nhiều năm nay, việc đi lại của người dân thôn Mô - Nít luôn gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm.
Từ nhiều năm nay, việc đi lại của người dân thôn Mô - Nít luôn gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm.
 
Ông về nhà, nghĩ cách làm một con đò nhỏ. Nói là con đò, nhưng thật ra, trông nó như một chiếc bè với các miếng gỗ xếp lớp ở trên, bên dưới là ruột xe bằng cao su, chúng được gắn chặt với nhau. Để đưa đò qua sông, ông không chèo mà bấu víu vào một sợi dây được nối từ bờ sông bên này qua bờ sông bên kia.
 
Ngày nào cũng vậy, 5 giờ sáng, khi chiếc đồng hồ báo thức reo cũng là lúc ông Họp chuẩn bị ra bến đò, bắt đầu với công việc quen thuộc. Chuyến đò sớm nhất trong ngày của ông là đưa các em học sinh đi học và bà con đi làm. Chuyến muộn nhất là lúc người cuối cùng trong thôn trở về, khoảng 6 giờ chiều.
 
Có mặt bên bờ sông khi trời đã đứng bóng, trước mắt chúng tôi, từng tốp người đang chuẩn bị qua sông. Mọi người đang chuyện trò, cười nói rất vui vẻ. 
 
Phía xa xa, giữa dòng sông, ông Họp với dáng người nhỏ nhắn, nước da sạm đen vì nắng gió đang cố gắng đưa đò sang bờ, đón khách. Nụ cười rạng ngời của mọi người khi thấy ông sắp đến như một niềm vui, một lời động viên lớn đối với ông.
 
Ông Đinh Văn Họp đang đến đón người dân sang bờ vào thôn Mô - Nít.
Ông Đinh Văn Họp đang lái đò đến đón người dân vào thôn Mô - Nít.
 
Trò chuyện với ông Đinh Văn Đề, một người dân trong thôn đi cùng chuyến đò cho biết: “Có những hôm ốm đau, gia đình không cho ông Họp lái đò nhưng vì cần gấp quá, ông cũng vội vàng ra chở mà chẳng bao giờ đòi hỏi tiền nong gì cả. Tấm lòng của ông với người dân nơi đây thật quý. Không có đò của ông, chắc khóc quá!”.
 
Điều đặc biệt, những chuyến đò của ông không hề có “tiền công”. Chuyến nào đông người thì dân tự góp cho 1.000 đồng, còn chở xe máy thì góp cho ông khoảng 10.000 đồng, gọi là mua con cá, con mắm hằng ngày phụ thêm cho vợ. Suy nghĩ của ông thật bình dị: “Chỉ cần các cháu học sinh được ngày ngày vui vẻ đến trường và học tập cho thật tốt, người dân qua sông an toàn là tôi vui rồi”.
 
“Những đồng tiền thù lao mà ông Họp nhận được đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện, chẳng khi nào ông mở miệng hỏi. Có lẽ vì vậy, bến đò bên sông Xà Lò, không khi nào vắng khách qua lại”, ông Đinh Văn Đề cho biết thêm. 
 
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trên dòng sông này, ông Họp thông thạo từng dòng nước xoáy trên sông và thấu hiểu hết những hiểm nguy mà sông nước mang lại, nhất là vào mùa mưa lũ. Khi nước dâng cao, ông sẽ đem bè vào bờ, cột chặt lại ở một gốc cây. Sau đó, ông động viên người dân chịu khó đi đường xa, đi đò qua sông dễ xảy ra tai nạn đuối nước. "Không chỉ mùa mưa lũ, lái đò đưa người sang sông vào mùa khô mà không có phao cứu hộ như thế này, nhiều lúc tôi cũng lo lắm!", ông Họp nói.
 
Nhận xét về công việc cũng như những đóng góp của ông Họp đối với người dân địa phương, anh  Đinh Văn Chinh, trưởng thôn Mô - Nít tự hào: “Đó là một con người luôn hết mình vì mọi người. Những gì ông đã làm đã cống hiến cho quê hương tuy thầm lặng nhưng thật cao đẹp. Thôn chúng tôi rất may mắn khi có một người lái đò tận tâm như ông Họp”.
 
“Bao giờ thì ông thôi lái đò ở bến sông này?”, tôi hỏi. Ông cười lặng lẽ: “Đến khi nào không còn sức khoẻ để lái đò nữa, tôi sẽ nghỉ”. 
 
Ánh mắt khắc khoải, nhìn xa xăm vào đôi bờ bị chia cắt bởi dòng sông, ông Họp trầm ngâm: “Hơn lúc nào hết, tôi ao ước quê nghèo của tôi có được cây cầu nho nhỏ bắc qua sông Xà Lò, hay một con đường khang trang vào thẳng thôn Mô - Nít để người dân không phải vất vả nữa. Và cũng để vợ tôi không phải trông ngóng tôi mỗi ngày, nhất là những lúc giỗ chạp hay trái gió trở trời..."
 
 
Bài, ảnh: Th.Hậu
 

.