Gìn giữ nếp xưa

10:07, 18/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù nền kinh tế thị trường tồn tại khá nhiều mặt trái, thế nhưng nhiều gia đình, dòng tộc vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Điển hình là dòng tộc Phan Tấn ở Điền Trang, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa.

 Dòng tộc đoàn kết

Ông Phan Tấn Nộ-Chủ tịch Hội đồng gia tộc Phan Tấn ở Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) cho biết, vào thế kỷ 17 ông tiền hiền Phan Văn Lượng và cha là thủy tổ Phan Văn Hường vào đất Điền Trang lập ấp. Đến nay tộc Phan Tấn có trên 150 hộ với gần 600 khẩu đang sinh sống ở xã Nghĩa Trung và khoảng 50 hộ lập nghiệp ở các địa phương khác. Trong một gia tộc lớn khó tránh khỏi mâu thuẫn nhưng nhờ có hội đồng gia tộc tham gia hòa giải, giáo dục và khuyên răn đúng lúc nên luôn giữ được hòa khí. Người lớn tuổi trong gia tộc luôn làm gương để con cháu noi theo. Ngược lại, con cháu luôn kính trọng, yêu thương ông bà, cha mẹ.

 

Gia đình ông Phùng hạnh phúc bên bữa cơm gia đình.
Gia đình ông Phùng hạnh phúc bên bữa cơm gia đình.


Không chỉ giữ vững nét đẹp văn hóa truyền thống, gia tộc Phan Tấn còn được nhiều người biết đến vì là gia tộc hiếu học. “Hằng năm, dòng tộc vận động con cháu làm ăn thành đạt ở TP.Hồ Chí Minh đóng góp hàng trăm triệu đồng vào quỹ khuyến học nhằm khuyến khích tinh thần học tập của các cháu. Nhờ vậy đến nay, dòng tộc có 2 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 4 cháu đang học thạc sĩ và nhiều cháu đạt học sinh giỏi các cấp”, ông Nộ tự hào.

Đối với gia tộc Phan Tấn, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng góp phần gìn giữ tình đoàn kết, keo sơn trong dòng tộc. Bà Bùi Thị Kim Hoàng (vợ ông Phan Tấn Nộ) cho hay, từ sự mẫu mực của mẹ chồng,  các chị em dâu noi theo để ứng xử. Nhờ đó qua hàng chục năm về làm dâu trong một dòng tộc lớn, các chị em dâu chưa để xảy ra mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến quan hệ dòng tộc. “Bản thân là dâu trưởng, tôi luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em dâu để từ đó giúp mọi người hiểu nhau hơn. Đặc biệt, trong những ngày giỗ, chị em cùng nhau gánh vác công việc. Tất cả đều thành tâm góp sức bởi ngày giỗ là ngày đoàn tụ cháu con”, bà Hoàng bộc bạch.

Gia đình yêu thương

Để minh chứng cho nét đẹp văn hóa của gia đình, dòng tộc, ông Phan Tấn Phải (hiện là Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung) dẫn tôi đến nhà ông Phan Văn Phùng (72 tuổi). Trong ngôi nhà cấp 4 khang trang, ông Phùng kể, ông và bà lấy nhau ngót 50 năm. Nhà nghèo, con đông (6 gái, 2 trai) nên ông vất vả làm thuê kiếm tiền nuôi các con. “Nhiều hôm tôi phải đi bộ từ 10 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau mới đến được huyện Ba Tơ để làm thuê. Tôi làm xây dựng dân dụng. Hôm nào có việc thì kiếm được ít đồng  lo cho con cái bữa ăn tươm tất. Có hôm đi bộ cả đêm mới tới nơi, không có việc đành lội bộ trở về…”, ông Phùng nhớ lại. Vất vả không kể xiết, nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm nuôi con ăn học. Và rồi, ông đã có thể nở nụ cười khi cả 8 đứa con đều ăn học đến nơi đến chốn và có công việc ổn định. Bốn đứa con gái làm giáo viên, 2 làm kế toán, còn 2 đứa con trai làm bên ngành xây dựng.

Tuổi xế chiều, vợ chồng ông Phùng mãn nguyện khi thấy con cái vui vầy, hạnh phúc. Ông bà hiện đang sống cùng vợ chồng người con trai với hai cháu nội và con gái út. Gia đình có 3 thế hệ chung sống nhưng lúc nào cũng chan hòa tình thương và đầy ắp tiếng cười. Ông Phùng chia sẻ: “Người  đàn ông là trụ cột trong gia đình. Để gia đình yên ấm đòi hỏi người trụ cột phải minh bạch, công bằng và là tấm gương thiết thực nhất cho cháu con noi theo”.  

Bà Nguyễn Thị Hát (vợ ông Phùng) thì bảo rằng, nét đẹp truyền thống của gia đình phải được gìn giữ qua bữa cơm đầm ấm. Hằng ngày, dù bận rộn đến mấy bà cũng cố gắng chuẩn bị bữa cơm tươm tất cho các con. Bữa cơm là dịp để cả nhà quây quần bên nhau, thể hiện sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau sau một ngày làm việc vất vả. “Mỗi đứa trẻ lớn lên, sẽ được giáo dục nhân cách qua các quan  hệ ứng xử từ những bữa ăn trong gia đình”, bà Hát nói.

Mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu khiến nhiều gia đình bị rạn nứt, song đối với bà Hát: “Con dâu cũng là con cái trong gia đình, phải yêu thương và tôn trọng lẫn nhau”. Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống với sự uyển chuyển, linh hoạt trong quan hệ ứng xử và quyết tâm vun đắp hạnh phúc là “bí quyết” giúp gia đình ông Phùng xây nên mái ấm ngập tràn tình yêu thương.  

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.