Sân bóng của lòng dân

10:06, 26/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để có chỗ vui chơi thể thao, người dân thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn) đã tự nguyện đóng góp hơn 40 triệu đồng để xây dựng sân bóng chuyền. Sân bóng được thảm bê tông phẳng lì, có khung lưới hẳn hoi... đã trở thành “địa chỉ vàng” của những người đam mê thể thao.

Rộn ràng sân bóng

Về thôn Tuyết Diêm 2 vào những ngày hè oi ả. Ngay trung tâm thôn, là hai sân bóng chuyền với diện tích 560m2 nằm sát nhau. Dù mới xây dựng xong, nhưng hai sân bóng này đã in dấu chân của không biết bao nhiêu “vận động viên” nghiệp dư của thôn. Niềm vui mừng, háo hức hiện rõ trên từng gương mặt của người dân nơi đây, khi ngay ở nông thôn, tại một làng quê nghèo, họ cũng được vui chơi trên một sân bóng quy mô, bề thế. Chị Trần Thị Thủy, một người sống gần sân bóng cho biết: “Có sân bóng, ai cũng hào hứng. Cứ mỗi buổi chiều lại có đến 7, 8 đội ra đây đánh bóng nên sân lúc nào cũng kín lịch, kín chỗ”.

 

Hai sân bóng chuyền được xây dựng nhờ “lòng dân” ở thôn Tuyết Diêm 2.
Hai sân bóng chuyền được xây dựng nhờ “lòng dân” ở thôn Tuyết Diêm 2.


Trước đây, cũng giống như các sân bóng khác trên địa bàn xã Bình Thuận, sân bóng chuyền của thôn Tuyết Diêm 2 cũng chỉ là một bãi đất trống, được giăng lưới tạm bợ. Vì vậy, chỉ cần một trận mưa, sân bóng đã trở nên nhão nhoẹt khiến người dân dù muốn, vẫn không thể tham gia. Cũng bởi thế mà phong trào thể dục thể thao của thôn bị hạn chế. Còn giờ, không chỉ thanh niên mặn mà tham gia, mà trẻ em, phụ nữ trong thôn cũng rủ nhau kéo ra sân bóng để luyện tập thể dục thể thao. Không khí tại sân bóng vào mỗi buổi chiều trở nên rộn ràng, hăng hái hẳn.

Thành quả của sự đồng lòng

Đã bước sang tuổi 70, nhưng khi nghe thông tin địa phương muốn tìm mặt bằng để xây dựng sân bóng, bà Nguyễn Thị Tống, một người con của xã Bình Thuận, hiện đang sinh sống ở thị trấn Châu Ổ, Bình Sơn đã không ngại ngần cho thôn mượn đất để xây dựng. Mảnh vườn rộng cả ngàn mét vuông của cụ Tống từng “cửa đóng then cài” giờ trở thành địa điểm vui chơi, giải trí cho bà con. Dù không còn ở Tuyết Diêm 2, không “hưởng lợi” được từ công trình, nhưng được chia sẻ vì quê hương, với cụ Tống, đó là niềm hạnh phúc.

Không riêng gì cụ Tống, mà hàng loạt người dân xa quê cũng một lòng hướng về quê hương. Của ít lòng nhiều, người 200 nghìn, người 500, 1 triệu… sân bóng chuyền của thôn dần hình thành, cũng nhờ vào những đóng góp đầy tình cảm ấy. Giở quyển sổ ghi thông tin về những cá nhân đóng góp, anh Nguyễn Hữu Thái - Trưởng thôn Tuyết Diêm 2 chỉ cho chúng tôi xem bảng danh sách dày đặc của những cái tên đến từ Sơn Hà, Sơn Tây… mà theo anh Thái, đó là những người con của Tuyết Diêm 2 xa quê lập nghiệp. Thế nhưng, chỉ cần một cú điện thoại, những tấm lòng ấy, lại đồng loạt đóng góp vì phong trào chung của địa phương.

Bên cạnh số tiền hơn 40 triệu đồng, để có được sân bóng tươm tất như ngày hôm nay, hơn 100 người, mà chủ yếu là thanh niên địa phương đã góp ngày công của mình vào công trình, tiết kiệm được chi phí thuê nhân công.

“Năm nào, địa phương cũng tổ chức giải bóng chuyền truyền thống vào ngày mùng 4 Tết. Những giải đấu như thế, góp phần khơi dậy tinh thần rèn luyện thể dục thể thao cho người dân trong xã. Bởi thế, hầu hết các thôn trong xã đều tổ chức sân chơi bóng chuyền. Riêng thôn Tuyết Diêm 2, là thôn đầu tiên tự vận động để xây dựng một sân chơi bài bản”, ông Phan Thanh Vĩnh - Phó chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết.                  
                

    Bài, ảnh: Ý THU

 


.