Quan tâm đến quyền lợi người dân Nông trường 25.3

06:06, 20/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau một thời gian dài hoạt động không hiệu quả, Nông trường 25.3 phải sáp nhập, rồi giải thể, thanh lý. Nhưng đến nay đã hàng chục năm trôi qua, các hộ dân vốn là công nhân nông trường sinh sống ở đây vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, mặc dù họ đã nhiều lần kiến nghị lên cấp uỷ, chính quyền các cấp.

Hệ quả sau giải thể

Nông trường 25.3 được thành lập từ năm 1977, có diện tích đất sản xuất hơn 600ha. Năm 1994, theo chủ trương của Đảng, người dân các địa phương đăng ký lên nông trường xây dựng khu kinh tế mới. Lúc đó, người dân được hỗ trợ tiền, giao đất xây dựng nhà ở, giao đất sản xuất. Đến năm 2003, Nông trường sáp nhập vào Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Quảng Ngãi, nhưng hoạt động được một thời gian thì phá sản nên Nông trường 25.3 cùng chịu chung số phận. Điều đáng nói ở đây là, sau khi sáp nhập, Công ty đã thế chấp tài sản nông trường cho ngân hàng. Do đó, sau khi phá sản, tòa án đã niêm phong tài sản nông trường và tiến hành thu hồi nợ, trong khi đất người dân đang sản xuất, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Nhiều hộ dân làm nhà ở ổn định hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Nhiều hộ dân làm nhà ở ổn định hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa được cấp sổ đỏ.


Năm 2008, UBND tỉnh đồng ý cho Công ty Cao su Quảng Ngãi thuê đất của Nông trường 25.3 để phát triển cây cao su, khiến người dân lo lắng. Anh Hồ Ngọc Quang, thôn Tân An, xã Tịnh Đông, cho biết, năm 2008, cây trồng của dân được kiểm kê, áp giá, nhưng sau đó vẫn không thấy công ty thực hiện đền bù, nên người dân trồng keo, bạch đàn, sao đen để kiếm kế sinh nhai. “Chúng tôi sống ở đây nhưng luôn canh cánh nỗi lo, vì không biết đến bao giờ các cấp uỷ, chính quyền các cấp mới giải quyết dứt điểm những vướng mắc này”, anh Quang nói. Cũng theo anh Quang, nếu năm 2008 Công ty cao su lấy đất thì gia đình anh mất trắng 2 tỷ đồng. Hiện nay, rừng cây sao đen của anh được 14 năm tuổi, có đường kính 35 - 50cm và chỉ 5 năm nữa là có thể khai thác với doanh thu tiền tỷ. Có lẽ vì thế mà anh mong Đảng uỷ xã Tịnh Đông kiến nghị với cấp trên sớm cấp sổ đỏ khu đất này để gia đình anh yên tâm làm ăn, khỏi phải bán cây non.

Anh Nguyễn Văn Chính thì kể: Khi Nông trường thành lập, anh cùng 3 anh em trong xóm rủ nhau lên Nông trường nhận đất canh tác và cứ nghĩ cuộc sống của gia đình sẽ đỡ khó khăn, nhưng không ngờ Nông trường lại phá sản. Đã vậy, đến nay phần đất người dân nhận sản xuất chưa được xem xét cấp sổ đỏ.  Hàng chục năm nay, người dân sản xuất nhưng chẳng có một giấy tờ gì để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhiều hộ không dám khai thác cây lâm nghiệp dù đã đến tuổi, vì sau khi khai thác sợ bị người khác tranh giành, lấn chiếm. “Người dân muốn đầu tư trồng những cây có giá trị kinh tế lâu dài như dầu, sao đen, lim… nhưng không có sổ đỏ nên không vay được vốn để đầu tư”, ông Chính chỉ tay về phía khu rừng 4ha keo 3 năm tuổi của ông và nói.

Cấp uỷ, chính quyền vào cuộc, nhưng khó…

Ngày 3.6.2014, UBND tỉnh có quyết định thu hồi 92ha đất nông nghiệp, phi nông nghiệp mà 75 hộ dân vùng kinh tế mới và các gia đình công nhân Nông trường 25.3 đang sinh sống, giao xã quản lý để cấp sổ đỏ cho dân. Anh Bùi Minh Cảnh - Cán bộ địa chính xã Tịnh Đông cho biết: Hướng giải quyết của xã là xây dựng phương án giao đất cho người dân theo hạn mức quy định của Nhà nước. Bởi đây là những hộ khi lên vùng kinh tế mới họ không được xét cấp đất theo Nghị định 64/CP.

Về phần đất trồng rừng, xã Tịnh Đông kiến nghị tỉnh, huyện sớm thu hồi đất đã giao cho Công ty Cao su Quảng Ngãi nhưng sử dụng chưa hiệu quả và cho chủ trương cấp sổ đỏ theo hạn mức cho những hộ đang quản lý, canh tác thực tế. Riêng đối với phần đất ở của 4 gia đình: Nguyễn Văn Ngoãn, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Văn Danh đã làm nhà và ở ổn định hàng chục năm nay, xã kiến nghị tỉnh, huyện cấp sổ đỏ cho 4 hộ này để họ ổn định cuộc sống. Bí thư Đảng uỷ xã Tịnh Đông Bùi Đình Hặn, kiến nghị: “Phần diện tích đất dự kiến cho Công ty cao su Quảng Ngãi thuê nhưng sử dụng chưa hiệu quả nên cần phải thu hồi. Tỉnh cũng cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vướng mắc liên quan đến phần đất mà Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Quảng Ngãi thế chấp tại Ngân hàng Ngoại thương để thu hồi đất, giao lại cho địa phương quản lý, cấp cho dân sản xuất để khỏi lãng phí”.

Ông Phí Quang Hiển – Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh cho biết thêm: Về mặt nguyên tắc, đất Nông trường sau khi giải thể thì phải thu hồi giao cho người dân sản xuất. Tuy nhiên, có cái khó ở đây là đối với phần đất Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Quảng Ngãi thế chấp ngân hàng chưa rõ là bao nhiêu, phần nào và gồm những gì chưa được cơ quan chức năng nào đứng ra phân giải rõ ràng. Do đó, để đáp ứng nguyện vọng chính đáng nêu trên của người dân cần có sự vào cuộc đồng bộ giữa cấp uỷ, chính quyền các cấp và cần có thời gian.

Bài, ảnh: BÁ SƠN

 


.