Nhân ngày nhà báo, nói về chuyện đạo đức

06:06, 21/06/2014
.

*TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Không cứ gì phải nghề báo mới đặt vấn đề về đạo đức mà bất cứ một nghề nào khác, chuyện đạo đức nghề nghiệp cũng phải được đặt ra, thậm chí phải được đặt lên hàng đầu rồi mới nói đến chuyên môn nghiệp vụ của người hành nghề đó.

Vì rằng, không có đạo đức khi hành nghề thì khoảng cách giữa việc hành nghề chính đáng với việc lợi dụng “nghề” để trục lợi hoặc làm những việc bất chính chỉ là tơ tóc. Với nghề báo, do đặc thù của công việc, câu chuyện về đạo đức lại càng được chú trọng hơn.

Một thông tin bị hiểu sai lệch hoặc được nhà báo làm cho méo mó đi thì hệ quả của nó không chỉ ảnh hưởng đến sinh mệnh của một cá nhân mà còn gây hệ lụy cho cả một cộng đồng. Ngược lại, một thông tin chính xác, trung thực của nhà báo, với sự lan tỏa của nó sẽ có tác dụng tích cực đến đời sống của toàn xã hội. Vì vậy, vấn đề đạo đức của nhà báo là câu chuyện không mới nhưng nó chưa bao giờ cũ cả.
 

Hằng ngày, các tòa soạn báo thường nhận hàng chục, thậm chí hàng trăm cuộc gọi và đơn thư của bạn đọc khắp nơi gửi về. Nhiều bạn đọc đã từng gõ cửa khắp các cơ quan công quyền những mong tìm được một lời giải đáp thỏa đáng về những bức bách trong cuộc sống nhưng họ đã thất vọng. Họ đã tìm đến các tòa soạn báo như bấu víu vào chiếc phao cứu sinh trong việc “giải oan” cho những bức bách đó. Có thể nói, bạn đọc đã đặt trọn niềm tin của mình vào sự khách quan, trung thực của nhà báo.

Trong suy nghĩ của người dân, nhà báo luôn đứng về phía của kẻ yếm thế, luôn “đứng về phía nước mắt”, đứng về phía những người bị oan khuất, những người luôn bị chịu thiệt trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn này. Đó chính là lí do để người dân đến với báo chí như một sự lựa chọn cuối cùng trong hành trình tìm đến công lý của họ. Một khi người dân đã đặt trọn niềm tin vào nhà báo thì không một lý do gì để anh phản bội kỳ vọng đó.

Ở khía cạnh này, đạo đức nhà báo không chỉ là việc đi đến tận cùng của nỗi oan khiên để tìm ra lẽ phải, lẽ công bằng cho người bị oan khuất mà cái chính là, bằng ngòi bút của mình, bằng sự trung thực và trách nhiệm của mình, nhà báo phải làm công việc của một bác sĩ phẫu thuật, cắt bỏ vĩnh viễn những khối u có thể trở thành “tiền lệ xấu”, có thể lây nhiễm thói hư cho cả cộng đồng.

Đạo đức của nhà báo không chỉ là sự dũng cảm, dám xông vào những nơi nguy hiểm nhất để phanh phui những mặt trái của đời sống mà còn góp phần trong việc “định hướng” dư luận, ngòi bút của nhà báo phải là mũi tên dẫn đường để mọi người cùng hướng thiện.

Vụ hôi của từ một chiếc xe chở bia bị lật ở Đồng Nai, nếu không có sự vào cuộc và lên án quyết liệt từ các cơ quan báo chí thì chắc chắn sẽ khó có động thái “tử tế” đi nhặt từng tờ bạc trả lại cho chủ nhân của nhiều thanh niên ở Phan Thiết xảy ra sau đó. Hàng loạt những chiếc xe tải chở hàng bị lật ở Hà Nội, Thanh Hóa, sau “vụ Đồng Nai”, người dân ở những nơi đó không những không “hôi của” như đã từng xảy ra mà còn giúp đỡ tận tình các tài xế để khắc phục hậu quả. Người dân ở những nơi đó đã “vỡ ra” câu chuyện về tình người sau khi báo chí lên án mạnh mẽ hành vi lấy cắp bia ở Đồng Nai.

Nếu báo chí xem việc “hôi của” như là chuyện “không phải của mình” mà đứng ngoài cuộc thì hẳn đó sẽ là một tiền lệ xấu, sẽ không có những nghĩa cử rất đáng trân trọng của người dân ở những vụ tai nạn tiếp theo. Đạo đức của nhà báo, trong câu chuyện này chính là góp phần định hướng cho cộng đồng để mỗi người phải sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn, phải biết đùm bọc nhau trong cơn hoạn nạn. Không quay lưng lại với cái xấu, đó cũng là một khía cạnh về đạo đức của nhà báo vậy.

Cả nước hiện có trên 800 tờ báo với đủ các loại hình, kèm theo đó là gần hai vạn nhà báo đang hành nghề, một con số không hề nhỏ đối với một nghề có tính đặc thù như nghề báo. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin trong những năm gần đây đã trở thành lực đẩy để các nhà báo “tăng tốc” cho kịp với tốc độ của thông tin thời “số hóa”. Bên cạnh sự chính xác, trung thực trong phảnh ảnh, sự nhanh nhạy, kịp thời cũng là những tiêu chí mà mỗi nhà báo, mỗi tòa soạn báo đang hướng đến.

Tuy nhiên, sự “sốt ruột” của một số tờ báo, nhất là báo điện tử trong việc cung cấp thông tin đã khiến không ít những sự kiện bị bóp méo hoặc bị đẩy đi quá xa bản chất của sự kiện. Sự “sốt ruột” này còn bao hàm cả động cơ “câu view”, làm sao đó để hút về mình lượng truy cập nhiều nhất của bạn đọc nhằm khai thác quảng cáo, đó cũng là mặt trái của câu chuyện đạo đức nghề nghiệp.

Khi một sự việc “rẻ tiền” được đẩy lên thành chuyện “hot”, tờ báo ấy có thể thu thêm một ít tiền quảng cáo nhờ vào lượng truy cập của người đọc nhưng sự chuẩn mực về đạo đức, sự nghiêm cẩn của thuần phong mỹ tục dân tộc có thể bị bôi bẩn. Không ít tòa báo đưa ra lý lẽ cho việc câu khách rằng phản ảnh chuyện “ghê rợn” như cướp-giết-hiếp hoặc chuyện loạn luân là để lên án cái xấu nhưng đó chỉ là sự bao biện cho việc câu khách của mình. Phản ảnh như thế nào, liều lượng ra sao trước một sự việc có tính “nhạy cảm”, điều đó đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm của mỗi nhà báo chứ không hẳn hễ thấy cái xấu là đưa tất tật lên báo mới là người “có nghề”.

Bây giờ, chuyện phòng the gần như được một số báo mạng khai thác tối đa, từ việc con rể “giúp” bố vợ làm sao để “hồi xuân” bằng các chuyến “công cán ngoài luồng” đến chuyện cha chồng tằng tịu với nàng dâu…

Người Việt vốn dĩ kín đáo trong chuyện “chiếu giường”, những chuyện chỉ có “hai người biết” trong bóng tối, giờ được “công khai” trên mặt báo, chuyện hở rốn hở mông cứ bày ra trước mắt người đọc, xem đó như một cách “phục vụ bạn đọc” thì thật đáng lên án vậy. Thuần phong mỹ tục của dân tộc đang đứng trước sự “xâm lấn” ghê gớm của báo chí. Vì vậy, đạo đức nghề báo không thể là người ngoài cuộc trong câu chuyện này.

Ở một khía cạnh khác, không phải “sự thật” nào cũng đưa tất tật lên mặt báo, nhất là vấn đề có tính nhạy cảm như an ninh quốc gia. Không ít nhà báo đã trách cứ cơ quan cung cấp thông tin, nhất là các chuyên án sao không công khai cho báo chí biết.

Tuy nhiên, có những lúc, nhà báo chỉ biết cái cây mà không thấy cả cánh rừng. Chuyện quốc gia đại sự, chuyện cơ mật an ninh đâu phải tất tật đều ‘công khai” được. Cũng vì quá “sốt ruột” với những thông tin có tính “nhạy cảm” ấy nên không ít báo đã “đón già đoán non”, vội vàng đưa lên mặt báo theo lối suy diễn chủ quan để rồi phải “đính chính”.

Đưa thông tin lên mặt báo có chọn lọc và có liều lượng hoàn toàn khác với chuyện ém nhẹm thông tin. Chuyện tiêu cực ở các cơ quan công quyền hầu như đang “phủ bóng” lên nhiều trang báo. Tuy nhiên, vẫn có những chuyện “tày đình” nhưng vẫn không được đưa lên mặt báo. Không được đưa lên mặt báo không phải từ những rào cản của các nhà quản lý mà đôi khi, chuyện giấu nhẹm ấy lại xuất phát từ động cơ của nhà báo nữa.

Đây đó đã có sự “mặc cả” giữa nhà báo và đối tượng tiêu cực. Khi đạo đức nghề nghiệp của nhà báo bị đồng tiền không trong sáng chi phối thì việc giấu nhẹm thông tin đã là điều sai trái rồi, thế nhưng, có những “màu đen” tiêu cực lại biến thành sự “trong sáng” đến khó tin. Câu chuyện về đạo đức nghề báo một lần nữa lại đặt lên bàn cân của sự phán xét.

Sẽ có muôn hình vạn trạng về chuyện đạo đức của nghề báo. Trung thực, dũng cảm, dám xông vào chỗ hiểm nguy nhất… đó là những điều cần có của người làm báo. Tuy nhiên, biết khước từ những cám dỗ đầy mê dụ mới là điều để nhà báo đi trọn con đường của nghề nghiệp mà mình đã chọn. Một nhà báo được gọi là “có đạo đức” phải là người đồng hành cùng nhân dân mình, cùng đất nước mình, biết chia sẻ những vui buồn sướng khổ với đồng bào mình trong cuộc trường chinh thoát khỏi đói nghèo để đến đích ấm no./.
 
 


.