Mưu sinh ngày hè của trẻ em nghèo

03:06, 29/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hè đến là khoảng thời gian mà các em học sinh có thể thỏa thích vui chơi bên gia đình, bạn bè sau những ngày học tập miệt mài. Nhưng với những em có hoàn cảnh khó khăn thì mùa hè, là mùa mưu sinh, tranh thủ kiếm thêm tiền để giúp đỡ gia đình, trang trải cho năm học mới.

TIN LIÊN QUAN

Cuối tháng 6, miền Tây Quảng Ngãi đã xuất hiện những cơn mưa dông vào buổi chiều nên việc “mưu sinh” của các em nhỏ thường bắt đầu từ sáng sớm. Trên những triền núi cao, không khó để bắt gặp những “tiều phu tí hon” lên rừng kiếm củi. Chân trần, đầu không mũ nón, em Đinh Thị Hà Diễm (11 tuổi), người Cor, ở thôn Tà Ngon, xã Trà Tân (Trà Bồng) rụt rè nói: “Thường một tuần em và các bạn lên núi kiếm củi một lần, từ nhà lên núi khoảng 1 giờ đi bộ. Những ngày còn lại không đi kiếm củi thì ở nhà chăn 6 con bò và nấu ăn, dọn dẹp, trông 2 đứa em nhỏ”.

 

Trẻ em Lý Sơn đi cào rau câu chân vịt giúp ba mẹ trang trải cuộc sống.
Trẻ em Lý Sơn đi cào rau câu chân vịt giúp ba mẹ trang trải cuộc sống.


Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, non nớt của các em thật đáng yêu, nhưng đôi bàn chân bé tí đã sớm chai sạn vì đất đá, vì lam lũ, nghèo khó. Em Hồ Văn Định (10 tuổi) ở thôn Gò, xã Trà Bùi (Trà Bồng) đang đi kiếm rau tâm sự: Nghỉ hè em không đến trường nên có thời gian làm việc giúp gia đình nhiều hơn. Em cũng muốn đi chơi, nhưng phải làm mới có cái ăn. Việc làm của các em rất đa dạng, từ lột vỏ quế, kiếm củi, cho đến nhặt ốc đá, chăn bò, kiếm rau... đều được các em nhỏ vùng đất quế Trà Bồng thực hiện  thành thạo. Tuy có vất vả và cực nhọc, nhưng với các em nhỏ ở miền núi đó là chuyện bình thường để có cái ăn, cái mặc và giúp ba mẹ có thời gian lên rẫy.

Còn ở miền xuôi, những ngày hè nắng bỏng rát, người ta tránh nắng tránh nóng bằng đủ cách, thế nhưng hai chị em Ái, Nữ hằng ngày lại “bỏng tay” với những bao ớt tươi, khô hăng nồng. Ngay khi vừa kết thúc năm học, các em đem ớt về nhà, nhận ngắt cuống ớt cho thương lái. Với giá thành hiện nay, một ký ớt tươi ngắt cuống các em được trả 300 đồng, khô thì giá cao hơn 5.000 đồng. Trung bình một ngày, hai chị em kiếm được 70 nghìn đồng để đưa cho mẹ.

Em Ngô Thị Mỹ Ái (13 tuổi), thôn 3, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) chia sẻ: “Hai chị em em cố gắng kiếm tiền để mẹ có thêm tiền đi chợ và tích cóp để mua sách vở, quần áo cho đầu năm học mới”. Các em cũng rất muốn được vui chơi như các bạn đồng trang lứa nhưng với hoàn cảnh khó khăn, mẹ thì vừa hóa trị căn bệnh hiểm nghèo, vay mượn khắp nơi nên gánh nặng cuộc sống đành phải oằn lên đôi vai nhỏ. Cũng có hoàn cảnh khó khăn, em Nguyễn Quang Cường (12 tuổi) thôn 1, xã Đức Nhuận tranh thủ những tháng hè kiếm tiền phụ giúp gia đình. Em nhận đan võng, tùy loại mà giá thành khác nhau, dao động từ 4 cho đến 10 nghìn đồng một chiếc. Trung bình một ngày em có thể phụ giúp cho ba mẹ gần 30 nghìn đồng.

Ở nơi biển đảo, vùng đất nắng gió và còn lắm khó khăn, trẻ em Lý Sơn mưu sinh ngày hè nhờ vào mẹ biển cả. Em thì lặn lội chân trần nhặt từng con ốc, bắt từng con sò, con hàu, em thì đi cào rau câu chân vịt để kiếm tiền giúp ba mẹ trang trải cuộc sống. Mỗi khi chiều đến, thủy triều rút xa dần, các em ngâm mình trong nước từ 2 giờ cho đến gần tối. Cái nắng pha cái mặn của biển làm các em đen nhẻm đi, nhưng em nào cũng nở nụ cười tươi rói khoe một ngày các em có thể kiểm được đến 50 nghìn đồng. Chân tay của những đứa trẻ nghèo khó vùng biển đều bị xước, rỉ máu vì tiếp xúc quá nhiều với nước, với những cạnh sắc nhọn của các sinh vật biển, nhưng vì mưu sinh các em quên hết đau đớn.

Dù là nơi núi cao, đồng bằng hay đảo xa thì ngày hè của những trẻ em nghèo là thế. Các em phải làm việc, phải giúp đỡ gia đình, phải kiếm tiền để cuộc sống bớt chật vật hơn. Chẳng có đứa trẻ nào là không muốn vui chơi, không muốn được nâng niu, nhưng không may có hoàn cảnh khó khăn thì các em sẵn sàng chia sẻ cùng ba mẹ, gia đình mình. Và rồi khi ve sầu dứt tiếng, các em sẽ đến trường với cặp sách, quần áo mới và đóng góp đủ đầy các khoản tiền như bao bạn con nhà khá giả khác bằng chính công sức lao động của mình trong những ngày hè.

Bài, ảnh: Hiền Thu

 


.