Giang rộng vòng tay ôm lấy biển

07:06, 14/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, phía Trung Quốc đã có nhiều hành động ngang ngược, vô nhân đạo đối với ngư dân và lực lượng chấp pháp của Việt Nam. Những việc làm ấy của phía Trung Quốc đã không thể khuất phục tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu.

TIN LIÊN QUAN

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nói: Điều thiết yếu nhất hiện nay là ngư dân cần trợ giúp y tế ngay trong những ngày lênh đênh trên biển. Do vậy, ngoài các hoạt động trợ giúp ban đầu, ngành y tế địa phương tiếp tục thực hiện tốt Đề án y tế biển đảo đến năm 2020, như tăng cường cung cấp dụng cụ y tế cho tàu cá của ngư dân, tàu đánh bắt xa bờ; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho ngư dân trên đảo; đào tạo nguồn nhân lực y học biển, huấn luyện cấp cứu trên biển cho ngư dân…

Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân, kiều bào và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới đã lên tiếng phản đối việc làm của phía Trung Quốc, đồng thời hỗ trợ vật chất, tinh thần để động viên bà con ngư dân, lực lượng chấp pháp của ta bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thông qua kênh của UBMTTQVN tỉnh và Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi, hơn 1 tháng qua, một số đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tổng số tiền gần 3 tỷ đồng để giúp đỡ và động viên các chiến sĩ Cảnh sát biển, cán bộ Kiểm ngư và ngư dân tỉnh ta.

Ngoài ra, các tổ chức, đơn vị, cá nhân còn đến thăm và tặng quà hỗ trợ trực tiếp cho bà con ngư dân trong tỉnh với tổng số tiền hàng tỷ đồng. Ngư dân Lê Văn Cương ở thôn Tây, xã An Vĩnh (Lý Sơn) xúc động, nói: Mặc dù Trung Quốc ngang ngược, liên tục dùng tàu lớn xua đuổi, đe dọa, nhưng bà con chúng tôi không thể nào bỏ ngư trường. Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của cha ông để lại phải giữ gìn để con cháu mình tiếp tục làm ăn.

Được sự động viên, giúp sức và ủng hộ của nhân dân cả nước, chúng tôi vững tin hơn và sẽ tiếp tục bám biển, khẳng định chủ quyền của đất nước. Còn gia đình bà Nguyễn Thị Kim Nguyệt ở số nhà 07 Nguyễn Chánh, TP.Quảng Ngãi thì chia sẻ phần nào những khó khăn của ngư dân Lý Sơn, xã Tịnh Kỳ, xã Bình Châu với số tiền tiết kiệm 20 triệu đồng của gia đình. “Biển, đảo là một phần ruột thịt của nước Việt Nam chúng ta. Vì thế, chúng ta không thể đứng nhìn khi chủ quyền của đất nước bị xâm lấn, ngư dân và lực lượng chấp pháp của ta bị uy hiếp”, bà Nguyệt, nói.

Mới đây, hơn 300 ngư dân Lý Sơn được Bộ Y tế trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế cấp cứu ban đầu. Ngư dân Huỳnh Tấn Được-Chủ tàu cá QNg 96711TS xúc động nói: “Có được tủ thuốc này, anh em chúng tôi yên tâm hơn khi bám biển. Đây là động lực giúp chúng tôi tiếp tục vươn khơi để mưu sinh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Ngư dân Lý Sơn được tập huấn kiến thức sơ cấp cứu ban đầu.                                                                                                      Ảnh: K.NGÂN
Ngư dân Lý Sơn được tập huấn kiến thức sơ cấp cứu ban đầu. Ảnh: K.NGÂN


Thuyền trưởng Huỳnh Tấn Được cũng cho biết, trước đây, nhiều chuyến đi biển, anh cùng các ngư dân khác ít nghĩ tới vấn đề thuốc men; chỉ mua một vài viên thuốc chữa đau đầu, đau bụng… mang theo. Tuy nhiên, khi đánh bắt ngoài khơi xa, với sự khắc nghiệt của thời tiết và sự truy đuổi của tàu Trung Quốc, nhiều lần ngư dân gặp tai nạn hay bị bệnh đột xuất, không có thuốc, dụng cụ sơ cứu ban đầu nên tính mạng nguy kịch, tàu phải chạy vào bờ để cứu chữa, lỗ phí tổn rất lớn.

Càng xúc động hơn khi chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến những cử chỉ ân cần, hướng dẫn của các bác sĩ thuộc Viện Y học biển Việt Nam tập huấn các kiến thức sơ cấp cứu ban đầu cho ngư dân Lý Sơn, giúp họ ứng dụng khi đối mặt với thiên tai, nhân tai trên biển. Ngư dân Đinh Văn Chi, ở thôn Đông, xã An Hải, ngồi chăm chú xem phần thực hành băng bó vết thương, chia sẻ: “Từng động tác sơ cấp cứu được tận mắt chứng kiến, giúp tôi biết nhiều điều, chứ trước giờ khi gặp tai nạn trên tàu, chúng tôi chỉ biết lấy bông, băng cầm máu, băng bó sơ, nên khi về đất liền thì vết thương bị nhiễm trùng khá nặng”. Hoạt động của ngành y tế lần này như “phao cứu sinh” giúp ngư dân hóa thân thành những y bác sĩ không chuyên để bảo vệ chính mình và bạn thuyền. Đợt tập huấn này có hơn 90 ngư dân tham gia.

Thạc sĩ Lương Xuân Tuyến - Trưởng khoa khám, chữa bệnh và quản lý sức khỏe thuyền viên- Viện Y học biển Việt Nam trực tiếp hướng dẫn kiến thức cho ngư dân cho hay: Ngư dân hiện rất cần được trợ giúp về kỹ thuật như cấp cứu các trường hợp chảy máu nặng, các phương pháp băng bó vết thương, cấp cứu tai biến lặn... để tránh những trường hợp tử vong đáng tiếc.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương; Bệnh viện Tim Hà Nội và 40 tình nguyện viên của Đại học Y Hà Nội cũng đã đến với ngư dân Lý Sơn bằng cả tấm lòng. Hàng trăm người dân ở xã An Vĩnh, An Hải và An Bình được các bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; điều trị các bệnh về răng, hàm, mặt ở trẻ em; khám, điều trị các bệnh phụ khoa ở phụ nữ; điều trị một số bệnh về cơ xương khớp, dị ứng, thần kinh bằng phương pháp cấy chỉ (y học cổ truyền)... Các bác sĩ còn tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ y tế của huyện đảo các phương pháp sơ cứu chấn thương cơ bản và chuyên sâu để họ tập huấn lại cho ngư dân…
                

K. NGÂN- X.Thiên


.