Gia đình-Tế bào của xã hội

06:06, 28/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với mặt trái của nền kinh tế thị trường, hiện tượng xuống cấp về mặt đạo đức trong các quan hệ gia đình bộc lộ ngày càng rõ dẫn đến các tệ nạn xã hội ngày càng nhiều. Việc giữ gìn hạnh phúc gia đình bền vững luôn là mối quan tâm của toàn xã hội.

Hiện nay có rất nhiều gia đình, gia tộc vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống trong văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Trong những gia đình nhiều thế hệ, các thành viên gắn kết  với nhau trong mọi sinh hoạt hằng ngày, từ đó hình thành nhân cách cho cháu con. Tuy nhiên nhiều thành viên sống chung trong một mái nhà cũng dễ phát sinh nhiều vấn đề, nảy sinh mâu thuẫn làm ảnh hưởng đến tư tưởng, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình; cách sống của các thế hệ khác nhau nên có xung đột về quan điểm. Bên cạnh đó, với xu hướng phát triển hiện nay, gia đình nhiều thế hệ đang dần bị tách rời ra.

Các gia đình văn hóa tiêu biểu được UBND tỉnh tuyên dương.
Các gia đình văn hóa tiêu biểu được UBND tỉnh tuyên dương.


Các thành viên trong gia đình có xu hướng muốn tự lập và tạo dựng riêng gia đình nhỏ mà ở đó chỉ có vợ chồng và con cái. Chính vì sự non trẻ, lại không có sự ràng buộc nhiều và nhiều nguyên nhân khác dẫn đến các gia đình nhỏ này dễ rạn nứt và tình trạng ly hôn, ngoại tình ngày càng nhiều. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn mại dâm, ma túy, nạn rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan, giết người cướp của...  

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thương- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, để các gia đình có cuộc sống hạnh phúc, bền vững đòi hỏi phải có sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đối với mô hình gia đình nhỏ hiện nay đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải biết tổng hòa các giải pháp, tăng cường học hỏi về kiến thức, xây dựng gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản... Các thành viên trong gia đình cần tích cực tham gia công tác xã hội để tiếp thu kiến thức; từng gia đình có phương thức làm ăn, phát triển kinh tế ổn định đời sống. Bên cạnh đó, các hội đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để các gia đình hướng đến mục tiêu xây dựng mái ấm gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Không chỉ ở khu vực nông thôn, thành phố  mà vấn đề gia đình ở miền núi hiện nay cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người. Bà Đinh Thị Mai Hương- Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Sơn Hà, cho biết: So với đồng bằng và thành thị thì gia đình ở miền núi có phần chuẩn hơn. Trước đây, người Hrê chung sống nhiều thế hệ trong ngôi nhà sàn. Mặc dù sống trong một mái nhà nhưng vẫn có sự chia ra từng gia đình nhỏ, được thể hiện bằng việc phân chia từng bếp ăn riêng. Trong cuộc sống họ luôn thể hiện tình đoàn kết, yêu thương gắn bó giữa các thành viên với nhau. Người mẹ, người bà được xem là thủ lĩnh của gia đình kể cả tình cảm lẫn kinh tế.

Trong những năm gần đây nhờ được hỗ trợ làm nhà 167 và nhiều chính sách khác nên nhiều người muốn tách ra khỏi cha mẹ để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều đó làm ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, tính cộng đồng, trách nhiệm cha mẹ không còn như xưa. Từ đó những thực trạng đáng buồn cũng đã và đang diễn ra. “Xuất phát điểm là mái nhà sàn, nhưng hiện nay mái nhà sàn không còn thuận tiện cho sinh hoạt lại có chi phí xây dựng cao nên hầu như người dân không muốn xây dựng mô hình nhà sàn như trước đây. Việc khôi phục lại nhà sàn là điểm mấu chốt giữ được thuần phong mỹ tục cũng như nếp sống văn hóa của người dân”- bà Hương nhấn mạnh.

Gia đình là tế bào của xã hội, để xã hội phát triển bền vững cần có những gia đình hạnh phúc bền vững. Đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải yêu thương, đùm bọc, gắn bó với nhau, đoàn kết giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.