Tái diễn khai thác cát trái phép ở Tịnh Hà

07:05, 25/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lâu nay, tình trạng khai thác cát trên sông Trà Khúc đoạn qua thôn Trường Xuân và Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) luôn là vấn đề nóng, được các cấp ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, việc quản lý, ngăn chặn tình trạng này vẫn đang là một bài toán khó.

TIN LIÊN QUAN


Mạnh ai nấy xúc

Bãi cát Trường Xuân - Thọ Lộc có chất lượng tốt, dễ khai thác và gần QL  24B. Thời gian gần đây, hàng chục người dân xóm Vạn, thôn Thọ Lộc Tây và đội 2 thôn Trường Xuân ngang nhiên khai thác cát trái phép. Điều đáng nói là, do việc mạnh ai nấy xúc cát bán nên dẫn đến những mâu thuẫn nội tại giữa người dân đội 2 thôn Trường Xuân với người dân thôn Thọ Lộc Tây. Cụ thể là, lấy lý do ô nhiễm môi trường, người dân thôn Thọ Lộc Tây lập barie ngăn không cho xe tải đi theo đường bê tông xuống Trường Xuân lấy cát.

 

Xe tải vào lấy cát tại bãi cát Trường Xuân - Thọ Lộc.
Xe tải vào lấy cát tại bãi cát Trường Xuân - Thọ Lộc.


Sáng 13.5, chúng tôi có mặt tại bãi cát Trường Xuân - Thọ Lộc, dưới cái nắng gay gắt, hàng chục người dân xóm Vạn cả nam lẫn nữ hối hả xúc cát lên xe tải. Chưa đầy 30 phút đã có 3 ô tô tải đầy cát rời bãi. Ông Bùi Xuân Lộc, xóm Vạn cho biết: Bãi cát này mặc dù Nhà nước cấp phép cho DN khai thác, nhưng cát ở đây do nước lũ đưa từ nơi khác đến, trong khi đời sống người dân khó khăn, lại không có việc làm nên chúng tôi ra đây xúc cát kiếm sống. Ở xóm Vạn có 180 hộ thì mỗi hộ cử một người ra xúc cát. Hôm nào có nhiều xe đến chở cát  thì thu nhập từ 50 - 100.000đ/người/ngày. “Người dân chúng tôi xúc cát thủ công bằng xẻng lấy sức người là chính nên khối lượng khai thác bao nhiêu đâu", ông Lộc cho biết thêm.

Bất chấp pháp luật

Bà Trương Thị Như Nguyệt, xóm Vạn cho biết: Tiền công mà chúng tôi xúc cát được chia đều cho 180 người, không phân biệt nam nữ, lớn nhỏ. DN muốn khai thác cát thì phải bỏ tiền xây dựng bờ kè xong mới được lấy cát. Mấy năm trước, có DN khai thác cát gây sạt lở rồi bỏ đi nên  chúng tôi ngăn cản. “Các cấp chính quyền nói chúng tôi muốn khai thác thì phải đóng tiền, đấu thầu thì tiền đâu mà đóng. Nếu huyện cho chủ trương thu phí một ngày, một tháng bao nhiêu thì người dân chúng tôi may ra đóng được, còn bảo đóng một lúc hàng trăm triệu đồng thì chịu”, bà Nguyệt phân trần. Người dân xóm Vạn chặn đường không cho xe xuống đội 2 thôn Trường Xuân lấy cát là bởi, để bảo vệ môi trường dọc đường vào thôn, người dân yêu cầu đội 2, cử người cùng tham gia quét cát dọc đường, nhưng họ không làm.

Cách điểm khai thác cát của người dân xóm Vạn khoảng 100m về phía đông là điểm khai thác cát của người dân đội 2, thôn Trường Xuân. Ở đây lượng xe vào bãi cát ít hơn. “Trước đây, ngày nhiều nhất chúng tôi kiếm được trăm ngàn. Còn từ khi họ lập barie ngăn không cho xe tải xuống đây thì chúng tôi không làm được", chị Mai ở đội 2, thôn Trường Xuân bức xúc.

Phép vua thua lệ làng…

Ông Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 240 bức xúc: Sau khi trúng thầu khai thác bãi cát Trường Xuân - Thọ Lộc, với giá 1,52 tỷ đồng, tháng 7.2013, Công ty được UBND tỉnh cấp phép. Tuy nhiên, sau khi DN bỏ tiền mở đường ra bãi cát, thực hiện nghĩa vụ tài chính, ký quỹ,… thì người dân ngăn cản. Cũng theo ông Thạch, doanh nghiệp sẵn sàng nhường cho người dân diện tích 2,5/6,5ha, với số tiền 500 triệu đồng (bằng 1/3 mức tiền DN trúng thầu) để người dân khai thác, nhưng họ không đồng ý. Vì vậy, từ đó đến nay, chúng tôi không khai thác được cát, trong khi hàng tháng vẫn phải trả tiền ngân hàng. “Khi mời thầu, huyện cam kết sẽ đảm bảo mọi điều kiện cho doanh nghiệp khai thác, nhưng nộp tiền xong thì không hoạt động được. Nếu tình hình này không sớm được giải quyết, chúng tôi phải kiện huyện ra tòa”, ông Thạch bức xúc.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Trần Hồng Long - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà cho biết: Người dân ngăn cản Công ty TNHH Xây Dựng 240 khai thác với lý do ảnh hưởng dòng chảy, sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường là không chính đáng. Người dân ngăn cản doanh nghiệp khai thác cát, rồi mình tự ý khai thác cát bán là vi phạm pháp luật, gây thất thu cho ngân sách. Trung bình mỗi ngày có từ 50 - 70 xe tải vào lấy cát thì chừng ấy tiền Nhà nước thất thu. Về việc người dân lập barie ngăn không cho xe tải xuống thôn Trường Xuân lấy cát, xã sẽ cho kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phạm Vinh - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho rằng: Việc người dân cả làng ngăn cản doanh nghiệp khai thác cát, huyện đã họp dân và doanh nghiệp bàn hướng giải quyết, nhưng chưa có tiếng nói chung. Đây là cái khó cho huyện. Tuy nhiên, hiện nay, hướng giải quyết ổn thỏa nhất là doanh nghiệp đã đồng ý nhường cho người dân địa phương diện tích khai thác 2,5 ha, với yêu cầu người dân trả lại phần tiền trúng thầu diện tích này cho doanh nghiệp; đồng thời thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.

Để lập lại kỷ cương, phép nước trong việc quản lý khai thác cát ở Tịnh Hà, các cấp chính quyền ở Sơn Tịnh cần sớm ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, tháo dỡ barie lập trái quy định,…

Bài, ảnh: BÁ SƠN

 


.