Phòng chống cháy, nổ tại các bãi giữ xe: Đừng lãng phí một bài học

09:05, 30/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vụ cháy bãi giữ xe ở TP.HCM tháng 4 vừa qua, thiêu rụi 300 xe máy, gây thiệt hại hàng tỷ đồng, đã dấy lên nỗi lo ngại về nguy cơ cháy nổ tại các bãi giữ xe. Bởi lẽ,  thực tế lâu nay cả cơ quan chức năng lẫn người dân đều lơ là, chủ quan trong hoạt động và quản lý.

Rình rập hiểm họa cháy nổ

Ghi nhận trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, hiện có không dưới 100 bãi giữ xe. Tuy nhiên, theo Phòng Tài chính- Kế hoạch thành phố thì chỉ có 3 bãi giữ xe được cấp phép là Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, Siêu thị Coopmart và Bến xe Quảng Ngãi, còn lại đều là các bãi giữ xe tự phát.

 

Những bình chữa cháy cũ kỹ nằm lăn lóc tại bãi giữ xe BVĐK Quảng Ngãi.
Những bình chữa cháy cũ kỹ nằm lăn lóc tại bãi giữ xe BVĐK Quảng Ngãi.

Đối diện bến xe Chín Nghĩa là hai nhà giữ xe tự phát, diện tích không quá 30m2 nhưng có cả trăm xe máy được lưu giữ. Không gian chật hẹp, xe được xếp sát nhau trong nhà kín, chỉ chừa một lối đi nhỏ để ra vào. Kẹp giữa hai nhà giữ xe này là một quán ăn, củi và bếp nấu được dựng ngay trước nhà. Còn tại một nhà giữ xe trên đường Quang Trung, là nơi người đi xe buýt hay gửi xe qua đêm, bất chấp nguy cơ cháy nổ, chủ nhà vô tư tận dụng luôn nhà bếp để giữ xe. Tại các điểm giữ xe này, tình trạng cơ sở vật chất tạm bợ, không gian chật hẹp, thiết bị PCCC “vắng bóng”, hiểm họa cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Ở các bãi giữ xe được cấp phép thường có quy mô lớn hơn, nhưng công tác PCCC  vẫn bị xem nhẹ. Tại bãi giữ xe của Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi (BVĐKQN), các thiết bị PCCC dường như chỉ được trang bị để đối phó. Theo quan sát, bãi giữ xe có sức chứa cả ngàn xe máy này được trang bị 9 bình chữa cháy, để ở khu vực cổng ra vào. Trong 9 bình chữa cháy này, 5 bình đã gỉ sắt, phủ đầy bụi, không biết còn sử dụng được không. Hiện nay đang là mùa khô, không khí trong bãi giữ xe nóng hừng hực, nhưng nhiều người ra vào gửi xe vẫn vô tư hút thuốc và vứt tàn thuốc trong khu vực để xe. Ái ngại trước tình trạng trên, chị Lê Thị Thanh ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) cho biết: “Thấy người ta vứt tàn thuốc ngay cạnh xe mình cũng lo lắm, nhưng vô bệnh viện thì phải gửi xe ở đây thôi”.

“Phương tiện và lực lượng chữa cháy tại chỗ đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát đám cháy từ ban đầu, trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt”, ông Nguyễn Xuân Dũng - Đội trưởng Đội kiểm tra, phòng cảnh sát PCCC, Công an tỉnh nhấn mạnh. Do đó để đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh, ông Dũng khuyến cáo chủ bãi giữ xe nên tự nâng cao ý thức PCCC, chủ động mua sắm, trang bị phương tiện PCCC tại chỗ; không lập bàn thờ để thờ cúng, đun nấu trong khu vực giữ xe; xe máy nên được sắp xếp gọn gàng và chừa khoảng cách từ 1-1,2m để lực lượng PCCC dễ tiếp cận khi có cháy xảy ra. Khi xảy ra cháy nổ cần nhanh chóng báo cho lực lượng PCCC, báo cho công an hoặc cơ quan chức năng gần nhất, đồng thời bằng mọi cách dập cháy và tổ chức thoát nạn, cứu người và tài sản.
Đừng để “mất bò, mới làm chuồng”

Ông Nguyễn Xuân Dũng - Đội trưởng Đội kiểm tra, Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh cho biết: “Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử phạt tại các đơn vị kinh doanh giữ xe, nhà xe quy mô lớn trong tỉnh. Hầu hết, ý thức của người dân trong công tác PCCC còn rất chủ quan, thiết bị PCCC chỉ được trang bị cho có lệ”.

Chủ quan với nguy cơ cháy nổ, các chủ bãi giữ xe dường như chưa lường trước được hậu quả khi rủi ro xảy ra. Bài học sau vụ cháy xe ở TP. HCM, chủ bãi xe phải khóc ròng khi không thể kham nổi tiền để trả cho chủ nhân của 300 chiếc xe bị cháy. Luật sư Trần Đức Nhân - Trưởng Đoàn Luật sư  Quảng Ngãi cho biết: “Điều 559 Bộ luật Dân sự quy định, giữa người gửi xe và người giữ xe đã phát sinh hợp đồng gửi giữ tài sản. Trong trường hợp mất mát, hư hỏng xảy ra, bên giữ tài sản phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên gửi xe, trừ trường hợp bất khả kháng (chủ bãi giữ xe đã tuân thủ các điều kiện cấp phép, phòng cháy chữa cháy, nhưng bị thiên tai hoặc tác nhân thứ ba gây ra và chủ bãi giữ xe đã làm hết trách nhiệm để ngăn ngừa thiệt hại)”.

Tuy nhiên, nếu xem phiếu gửi xe là căn cứ xác định hợp đồng thì khi có mất mát, cháy nổ xảy ra, quy định này sẽ gặp trở ngại. Thực tế phiếu gửi xe của các bãi giữ xe tự phát thường được làm từ giấy cactong, giấy lịch, không hề có thông tin cụ thể. Do đó, nếu gửi xe tại các bãi giữ xe tự phát, người dân đã “vô tình” mang tài sản của mình ra đánh cược.

Một điều đáng lưu ý nữa là, đến thời điểm này, giữ xe (hai bánh) vẫn là loại dịch vụ kinh doanh không bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ. Do đó với mức chi phí khá thấp (3-4 triệu đồng/năm) nhưng chủ nhiều bãi xe quy mô vẫn không mua bảo hiểm. Trước sự chủ quan trong công tác PCCC và cơ sở vật chất tạm bợ của dịch vụ giữ xe hiện nay, nhiều cơ quan bảo hiểm cũng không mấy “mặn mà” với thị trường này. “Thậm chí nhiều đơn vị bảo hiểm khẳng định sẽ không bán bảo hiểm cho chủ bãi giữ xe dù họ có nhu cầu, vì rủi ro rất cao”, luật sư Nhân cho biết.

     Bài, ảnh: Hà Xuyên
 

.