Đãi ngộ bác sĩ để giữ chân

07:05, 07/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mới đây, tại kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XI, đã thống nhất thông qua Quy định chính sách đãi ngộ đối với ngành y tế. Đây chính là lời giải cho bài toán đang thiếu hụt lượng bác sĩ hiện nay của tỉnh và tạo điều kiện, động lực cho đội ngũ cán bộ áo trắng dốc sức lực, trí tuệ vì sức khỏe nhân dân.

Năm 2013, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 27 về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành y tế. Việc làm này đã  tạo sức hút mới để ngành y tế Quảng Ngãi có được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, cùng với việc thu hút thì trong thời gian qua, tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học xin nghỉ việc và chuyển công tác sang các tỉnh, thành khác cũng không ít. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thu nhập và điều kiện làm việc. Thực trạng đó cho thấy chính sách đãi ngộ của tỉnh vẫn còn một mặt nào đó chưa thoả đáng.

 

Bác sĩ đang theo dõi bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ đang theo dõi bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Cứ mỗi lần đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, chúng tôi lại chứng kiến sự tất bật, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ đang công tác tại đây. Trung bình mỗi ngày Khoa có trên 30 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch đang điều trị, nhưng chỉ có 6 bác sĩ bao gồm cả lãnh đạo khoa. Vì vậy, trong mỗi ca trực thay vì 2 bác sĩ để luân phiên nhau thì tại Khoa chỉ có duy nhất 1 bác sĩ làm việc liên tục. Sức ép từ công việc rất lớn, nhưng thu nhập của những bác sĩ nơi đây cũng chỉ dừng lại ở mức lương cơ bản và các phụ cấp đặc thù của ngành, chưa có một chính sách đãi ngộ nào khác. Bác sĩ Trịnh Quang Diêu- Trưởng khoa cho hay: “Hiện Khoa đang thiếu khoảng 5 bác sĩ. Thời gian gần đây đã có 3 bác sĩ bỏ việc đi làm ở các đơn vị y tế ngoài tỉnh vì một phần chưa có đãi ngộ và áp lực công việc”.

 Ba Tơ là một trong những huyện miền núi xảy ra tình trạng bác sĩ bỏ việc khá nhiều. Theo thống kê, trong hai năm qua, địa phương có 5 bác sĩ bỏ việc đi làm ở ngoài tỉnh. Bác sĩ Huỳnh Thanh Vũ- Trưởng trạm y tế Ba Xa tâm sự:  Nhiều nơi mời gọi với chế độ hấp dẫn, nhiều lúc chúng tôi cũng có chút xao động, bởi đa số bác sĩ ở trạm y tế đang công tác trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là mức phụ cấp cũng như thiếu hụt về cơ sở vật chất trang thiết bị. “Nếu sắp tới có chính sách đãi ngộ phụ cấp của tỉnh, thì đây chính là động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa với vai trò, trọng trách được giao”, bác sĩ Vũ nói.

Bác sĩ Huỳnh Từ- Trưởng Phòng Tổ chức Sở Y tế cho biết: Ngành y tế Quảng Ngãi hiện đang thiếu hụt đội ngũ bác sĩ, dược sĩ đại học rất trầm trọng. Tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân tại Quảng Ngãi mới chỉ đạt 5,03, thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước là 7,2 bác sĩ/ vạn dân; tỷ lệ dược sĩ đại học cũng chỉ đạt 0,45, thấp gần 1 nửa so với bình quân chung của cả nước. Trong khi đó, chỉ trong vòng 5 năm, từ 2008 đến 2013 toàn ngành đã có 45 bác sĩ bỏ việc đến một số cơ sở y tế của các tỉnh lân cận để làm việc. Điều này cho thấy chính sách đãi ngộ đối với những bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học tại Quảng Ngãi là vô cùng cần thiết để giữ chân họ cống hiến lâu dài với ngành.

Tại cuộc họp lần thứ 11 mới đây, HĐND tỉnh khóa XI đã thông qua Nghị quyết về Chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ đại học và những người có trình độ sau đại học chuyên ngành y dược đang công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, đối tượng áp dụng sẽ được chia làm 5 nhóm với mức hỗ trợ cao nhất là 2 lần mức lương cơ sở/tháng và thấp nhất là 1 lần mức lương cơ sở/tháng. Ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, để đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu bác sĩ, dược sĩ, những người có trình độ trên đại học chuyên ngành y, dược, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, tỉnh đã ban hành chính sách tăng phụ cấp đãi ngộ ngoài mức lương hàng tháng. Đây là điều kiện giúp ngành y tế gỡ nút thắt về tình trạng thiếu hụt bác sĩ khi có nhiều người bỏ việc.

Song song với việc ban hành các chính sách đãi ngộ thì việc tạo môi trường làm việc để họ phát triển năng lực là việc làm cần thiết, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
             

Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.